Một thập kỷ phục dựng thú chơi Tết tao nhã Hà Nội xưa và đáp án cho câu hỏi “Có hay không thủy tiên khai hoa đúng thời khắc giao thừa?”
“Bao giờ mới cho hoa hàm tiếu, bao giờ mới cho nở; lá này muốn ruỗi, giò kia muốn nghiêng, hay là bẹ nọ muốn cao hay thấp, nhất nhất do tay người chơi hoa định đoạt”, thú chơi hoa thủy tiên được miêu tả cầu kỳ như thế.
- 30-01-20225 nơi cực bẩn trong nhà nhất định phải dọn trước Giao thừa, mắt thường khó phát hiện song bám đầy vi khuẩn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của gia đình
- 29-01-2022Nhà phố 40 m2 có mặt tiền ấn tượng như một tác phẩm nghệ thuật, tràn ngập ánh nắng và không gian xanh
- 28-01-2022Cuộc sống giàu có "điên cuồng" của tỷ phú thời trang: Vung tiền cho những thú vui xa xỉ, mua siêu du thuyền hoành tráng, sở hữu đội đua F1 hàng đầu
Tôi còn nhớ lúc ngâm thủy tiên như thế, thầy tôi một ngày có đến mươi, mười hai bận hết lật lại úp từng củ xuống, tay cứ nhợt nhạt đi. Cái giống thủy tiên mà rửa không sạch nhựa, sau này nó thâm lại, trông mất cả vẻ trong ngọc trắng ngà.
Vì thế, vừa ngâm, thỉnh thoảng lại vừa phải cọ cái nhựa bám ở chung quanh củ thủy tiên đi, hoặc bằng cái chổi lông bé nhỏ chế riêng cho công việc tỉ mỉ này, hoặc bằng ngọn bút sơn để có thể rửa kỹ cả mọi khe giò, ngóc ngách.
Ngâm như thế độ hai ba ngày thì gọt. Nhưng mà từ lúc ngâm cho đến lúc gọt, bao nhiêu tâm óc để vào đấy? Bao nhiêu đêm không ngủ. Chỉ vì băn khoăn không biết đơn hay kép? Bao nhiêu buổi trà nhạt thếch vì không biết gió may này có quay ra nồm hay không?
(Trích dẫn Ăn Tết Thủy Tiên - Vũ Bằng)
Thú chơi “đĩa vàng chén ngọc” kỳ công, tao nhã ngày Tết của người Hà Nội xưa
Cứ Tết đến xuân về người ta lại nhắc nhiều đến thú chơi thủy tiên vì với họ Tết thiếu “đĩa vàng chén ngọc” thanh quý, trang nhã và tinh tế thì không gọi là Tết. Khác hẳn với hình ảnh phồn thực của bánh chưng, thịt mỡ thì thủy tiên là một cái Tết tinh thần đúng nghĩa mà người Hà Nội xưa đã duy trì như một nét văn hóa đẹp đẽ.
Thầy giáo Tống Hồng Cầm (39 tuổi) là một người theo đuổi thú chơi hoa thủy tiên gần 1 thập kỷ. Là học trò của kỳ nhân hoa thủy tiên Nguyễn Phú Cường, người luôn đau đáu lo thú chơi tinh tế của tao nhân mặc khách Hà Nội xưa vào ngày Tết bị rơi vào quên lãng và thất truyền.
Ngày xưa có các hội thi hoa thủy tiên, nơi cốc thủy tiên trong cuộc thi có lọng che ngự riêng một chỗ tôn nghiêm nhất. Các cụ thường giấu nghề rồi nguy cơ thất truyền là có thật. Bản thân anh Cầm đã được truyền nghề từ cao nhân rồi quá trình 1 thập kỷ tự học hỏi và nghiên cứu rất nhiều để trở thành một người có tiếng trong giới chơi thủy tiên.
Anh Cầm cũng đã có thời bỏ tiền túi đi các tỉnh, tham gia các hội nhóm, dùng tình yêu và kinh nghiệm của mình để truyền cảm hứng về tinh thần của thú chơi này. Sau này, anh trở thành admin của một hội nhóm yêu hoa thủy tiên và cần mẫn phục dựng lại thú chơi đầy tính văn hóa, mang lại sự sâu sắc và tinh tế cho người trải nghiệm.
Từ xa xưa chủ yếu nam giới chơi hoa thủy tiên, cách đây vài năm chị em tham gia nhiều hơn, nhưng để đi bền lâu và say đắm với nó thì các anh vẫn có ưu thế hơn. Theo anh Cầm là vì đàn ông dù có khô cứng, nhưng độ tỉ mỉ lại cao hơn và khả năng “chịu đựng bền lâu” cũng cao hơn. Phụ nữ có thể trồng hoa hồng, hoa cúc rất đẹp, nhưng thủy tiên thì họ dễ nản vì món chơi này cầu kỳ, tốn quá nhiều thời gian.
Một bình hoa thủy tiên đẹp được đánh giá đẹp do gu thẩm mỹ của mỗi người, nhưng theo anh Cầm nhiều người quan niệm rằng 1 bát hoa thủy tiên đẹp phải có lá và hoa xum xuê biểu trưng cho sự đủ đầy, sung túc. Tuy nhiên, theo anh Cầm thì một bát/bình hoa thủy tiên đẹp không nhất thiết cứ phải có nhiều hoa hay lá xum xuê.
Một sản phẩm hoa thủy tiên đẹp là phải hội đủ các yếu tố từ lá khỏe mạnh, uốn lượn mềm mại; hoa dày dặn, không có khuyết tật và phân bổ hài hòa; bộ rễ dài, trắng và mềm mại; bộ móng rồng trắng sạch và đều đặn. Quan trọng hơn, tất cả những yếu tố ấy phải kết hợp cùng với những phụ kiện khác dùng để trưng hoa như bình/bát/đĩa... tạo thành một bố cục tổng thể cân đối, hài hòa và tôn được nổi bật vẻ đẹp của hoa.
Thú chơi hoa thủy tiên quá cầu kỳ thì nhiều người biết vì để chọn củ thủy tiên đẹp, gọt được thủy tiên đúng kỹ thuật rồi chăm sóc, dưỡng củ, chải rễ, nắn chỉnh hoa lá đúng hướng là cần bao nhiêu sự khéo léo, công sức, kỹ thuật đúng… và cả nhiều lần ngâm tay trong nước lạnh giá, cả những hưng phấn tột đỉnh cũng như những lần thất vọng, chán chường..
Nhiều ông bị vợ từ vì cứ say mê mà “đu” với thủy tiên đến mức quên ăn, quên ngủ, nhưng vợ con không bỏ được, thủy tiên cũng không bao giờ bỏ, nên các ông chơi hoa mà cứ có chút lấn cấn.
“Chị em cũng đừng khắt khe quá để gia đình xào xáo vì dù thế nào các ông cũng đâu có bỏ được. Hơn nữa, thành quả vào ngày Tết cũng đáng lắm. Nhờ gọt chăm hoa thủy tiên mà mình đã học được tính nhẫn nại, điều mà trước đây mình không có được khi khẽ cái là nổi nóng, nhưng giờ mình biết điềm đạm hơn nhiều. Thủy tiên phải nâng niu như thế, thì có chuyện gì mà không bình tĩnh được”, anh Cầm chia sẻ.
Nhưng chơi hoa thủy tiên có tốn kém không? Anh Cầm cho rằng nó không phải là thú chơi tốn tiền bạc, nhưng tốn ở đây là tốn thời gian, tốn công sức. Bởi nếu nói về giá tiền thì 1 củ thủy tiên giá chỉ từ 50-100k, dụng cụ nuôi dưỡng chăm hoa không đắt. Bát đĩa trưng thủy tiên thì giá cũng vô cùng, nhưng nếu số tiền vừa phải cũng có thể dễ dàng chọn được bát đẹp ở các cửa hàng gốm mà giá không quá mắc.
Nhưng thời gian thì đúng là 1 sự tiêu tốn cho “hệ người chơi” thủy tiên. Một vụ thủy tiên tầm 1 tháng. Để gọt 1 củ thủy tiên người lão luyện có thể gọt trong vòng 10 -15 phút, nhưng ấy mới chỉ là công đoạn gọt củ hoa. Để có một bát hoa thủy tiên thành phẩm, người chơi hoa còn phải trải qua hơn 20 ngày chăm sóc kỳ công mà mỗi ngày đều phải thay nước, rửa củ hoa từ 1 đến 2 lần một cách tỉ mỉ và đòi hỏi phải nhẹ nhàng, thận trọng. Hàng ngày phải uốn nắn tạo và chỉnh dáng từng chiếc lá, từng giò hoa để cho ra được sản phẩm như ý tưởng của mình.
Người xưa nói "chơi hoa Thủy Tiên là phải có hay phải tốn rất nhiều vàng", "vàng" ở đây chính là thời gian và công sức mà người chơi hoa phải bỏ ra, thậm chí là sự hao tổn sức khỏe do phải thường xuyên ngâm tay trong nước lạnh trong suốt quá trình chăm sóc hoa ấy.
Dù thời gian chỉ là thời gian nhưng với nhiều người thời gian chính là tiền bạc, nhưng họ vẫn “bất chấp” để có 1 bát thủy tiên như ý. Nhà văn Vũ Bằng đã nói về sự tiêu hao công sức khi chơi hoa thủy tiên là: “Đàn ông mà chơi cái giống thủy tiên này, giảm thọ đi mất đến mười năm; mà đàn bà gọt thủy tiên thi thì... mất một lứa đẻ”.
Nhưng vì sao vất vả như thế, tốn thời gian như thế mà có những người vẫn như thiêu thân vụ thủy tiên nào cũng nhập cuộc, Tết nào cũng có bình thủy tiên trưng trong nhà mới thấy đó là Tết?
Chắc hẳn phải có niềm sung sướng tột đỉnh nào để dù ốm vì tay dầm nước lạnh, thức đêm thức hôm nhưng vẫn đam mê…
“Kiếp trước thủy tiên là người đấy!”
Bát thủy tiên hoa trắng, đài vàng, trông như ngọc, mà hương thơm ơi là thơm đã khiến nhiều nhiều người mê mẩn, các nam nhân như say đắm. Có phải vì thế mà cụ Vũ Bằng nói rằng: “Kiếp trước thủy tiên là người đấy”, hẳn đó là 1 mỹ nữ có vẻ quyến rũ ẩn sâu của sự giản dị mà tinh tế đến độ thẳm sâu.
Anh Cầm miêu tả về độ quyến rũ của thủy tiên, thứ anh cho rằng nó có khi còn ấn tượng hơn cả phần “sắc” của thủy tiên đó chính là hương hoa. Nó quyến rũ, nhẹ nhàng không ngào ngạt, kiểu thanh mảnh nhưng sâu, có độ ngọt như hoa mộc nhưng thanh hơn nhiều.
Còn vẻ đẹp nhìn bằng thị giác thì hình thức của thủy tiên đẹp đài các mà không kiêu sa, cái vẻ giản dị hút mắt đến khó miêu tả. Ngoài ra chơi thủy tiên, ngắm thủy tiên còn hàm chứa nhiều triết lý nhân sinh trong đó về sự giao thoa giữa đất trời con người, rèn cho con người chữ nhẫn, cách sống chậm mà sâu sắc.
Chơi thủy tiên tốn thời gian và khá cực nhưng nếu không vui thì không ai chơi thủy tiên. Lối chơi này được miêu tả “cũng như thú chơi chữ, chơi thơ, vất vả một tí nhưng sướng về tinh thần”.
Cảm xúc thấy bông hoa đầu tiên nở, ngửi mùi hương thủy tiên như vỡ òa sau cả năm nhung nhớ. Người chơi thủy tiên thỏa mãn được tính sáng tạo bởi không bát hoa thủy tiên nào giống bát hoa thủy tiên nào và như “lên đỉnh” khi nắn chỉnh được bát thủy tiên như ý. Giây phút chờ đợi lúc khai hoa có khi hạnh phúc như đứa con đầu lòng ra đời.
Với những người chơi thủy tiên chuyên nghiệp khi tham dự những cuộc thi thủy tiên hoặc khoe những bát hoa đến trình tâm đắc, lúc họ được trọng vọng, được tán thưởng, được thừa nhận thì nam nhân như được thỏa mãn phần danh, dù ai cũng bảo là “hão” nhưng niềm vui sướng thì rất thật.
Có hay không thủy tiên khai hoa đúng giao thừa?
Mặc dù củ hoa và thú chơi hoa thủy tiên bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng theo như những kiến thức mà anh Cầm tìm hiểu được thì cách chơi hoa thủy tiên theo lối gọt tỉa công phu, tạo dáng hình nghệ thuật cho loại hoa này lại được người Việt phát triển sớm hơn.
Trong khi những tư liệu văn tự và hình ảnh về lối chơi hoa thủy tiên công phu ấy ở Việt Nam đã có từ hơn 100 năm trước, trong khi đó những tư liệu tương tự ở phía Trung Quốc gần như hoàn toàn chỉ mới xuất hiện trong khoảng vài chục năm trở lại đây.
Những tư liệu về hoa thủy tiên của Trung Quốc mà anh Cầm tìm hiểu được từ khoảng đầu thế kỷ 20 trở về trước không có tư liệu nào nói đến việc người Trung Quốc đã chơi hoa Thủy Tiên theo lối gọt tỉa công phu này.
Với nhiều người mê thủy tiên thì phải có bát thủy tiên trong nhà mới có Tết. Vào ngày Tết, hương hoa thủy tiên quyện với mùi nhang trầm, mùi của cam Canh, bưởi Diễn và những mùi hương khác đem lại cho người ta cảm xúc xốn xang, chộn rộn khó tả. Ấy là cái mùi Tết đặc trưng của người Hà Nội.
Nhà văn Nguyễn Tuân đã từng viết: “Cách đây khoảng nửa thế kỷ tôi còn được thấy các cụ ta đo thời giờ bằng hoa. Hồi ấy, thời gian quả là có mùi. Củ thủy tiên ấy gọt vào hôm nào tháng chạp, hãm nắng phơi sương áp đèn như thế nào thì nó sẽ mãn khai đúng lúc giao thừa”.
Sau này bao người mơ thủy tiên khai hoa đúng thời khắc giao thừa. Người xưa quan niệm, gọt và chăm được hoa thủy tiên mà căn cho hoa nở đúng giao thừa sẽ mang lại phước lành, may mắn cho gia chủ. Người ta tin rằng hoa nở đúng giao thừa là điềm may trong năm mới. Nhưng với người chơi lành nghề như anh Cầm điều đó hầu như là không thể.
Anh Cầm cho biết, mình có thể bằng kinh nghiệm và kỹ thuật để hoa thủy tiên nở gầm sát nhất với thời điểm mong muốn hay cụ thể hơn là thời khắc giao thừa, nhưng chỉ có thể là giao động trước hoặc sau khoảng vài giờ. Nếu nói làm được hoa nở chính xác đúng vào thời khắc giao thừa thì không rõ các cụ ngày xưa thế nào, ngày nay chủ yếu là "ăn may" chứ chưa ai đạt đến trình độ kỹ thuật ấy được nếu không dùng các thủ thuật hay "tiểu xảo".
Tuy nhiên, chuyện hoa nở đúng giao thừa thực ra cũng không hề quá quan trọng vì chuyện may mắn là điều khó kiểm chứng, nhưng thưởng hoa thủy tiên mà hạnh phúc dịp Tết là có thực.
Nên chỉ cần có thủy tiên để thưởng lãm vào những ngày Tết. Nhìn thành quả của gần 1 tháng hì hục chăm sóc, mong ngóng để thấy bình thủy tiên đẹp đẽ thanh tao và ngát hương thơm mà thấy tâm can như được thỏa mãn cùng 1 hơi thở sâu cùng nhịp đập hạnh phúc êm dịu chảy trong huyết quản. Và Tết thế là... ngất ngây!
Nhịp sống Việt