Một thời để nhớ với Skype, phần mềm gọi điện video "quốc dân" ở Việt Nam: Vì sao giờ không còn ai sử dụng nữa?
Hơn 10 năm trước, Skype từng là ứng dụng trò chuyện video cực kỳ phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới, tương tự như chat Yahoo xưa kia. Nhưng giờ đây, người ta không còn "gọi Skype" cho nhau nữa.
- 19-06-2023Người thân gọi điện, đúng mặt, đúng giọng, nhưng nếu nói chuyện thấy những dấu hiệu này cần đặc biệt cảnh giác!
- 18-06-2023Công an giả gọi điện lừa đảo, gặp đúng công an thật
- 22-05-2023Sẽ quy định quản lý app nhắn tin, gọi điện xuyên biên giới vào Luật Viễn thông sửa đổi
Skype là ứng dụng trò chuyện, gọi điện video, làm việc nhóm rất phổ biến ở nhiều quốc gia, bao gồm cả ở Việt Nam cách đây nhiều năm trước. Nền tảng này đã từng thống trị suốt một thời gian dài trước khi biến mất một cách kỳ lạ.
Skype là ứng dụng cần có để liên lạc với bạn bè từ xa, cho phép gọi thoại và gọi video liền mạch. Vào thời điểm đỉnh cao vào tháng 3/2011, nền tảng từng có 30 triệu người dùng trực tuyến cùng một lúc.
Khi dịch bệnh Covid-19 đưa toàn bộ văn phòng về nhà, Skype - ứng dụng trên thực tế mà mọi người sử dụng để liên lạc qua video trong gần hai thập kỷ - lẽ ra phải là lựa chọn hàng đầu cho cả doanh nghiệp lẫn cá nhân.
Nhưng Skype dường như biến mất khỏi tâm trí của tất cả, thay vào đó là phần mềm có tuổi đời bằng một nửa: Zoom.
Theo một nghiên cứu, Skype chỉ chiếm 7% thị phần cuộc gọi video ở Vương quốc Anh vào năm 2021. Trong khi đó, Teams chiếm 20% và Zoom là 55%.
Mọi thứ thậm chí còn ảm đạm hơn trên chính sân nhà. Tại Mỹ, Skype chiếm 4% thị phần – một con số rất nhỏ so với 60% của Zoom.
Nhưng có lẽ bằng chứng đáng sợ nhất về sự sụp đổ của Skype là sự biến mất của nó khỏi diễn ngôn văn hóa. Người ta không còn "Skype" cho nhau nữa.
Chuyện gì đã xảy ra với Skype?
Để hiểu lý do vì sao phần mềm quốc dân này bị lãng quên, chúng ta cần quay trở lại tháng 5/2011, khi Microsoft mua lại Skype với giá 8,5 tỷ USD. Microsoft được kỳ vọng sẽ đưa Skype lên một tầm cao mới, thế nhưng công ty có vẻ như đã đưa ra định hướng sai lầm.
Trong một nước đi khó hiểu, công ty đã nỗ lực gấp đôi để giúp Skype cạnh tranh với các ứng dụng trò chuyện tức thời nhưng lại hy sinh đi tính năng đặc trưng và mang tính biểu tượng nhất: Cuộc gọi video.
"Họ đã thiết kế lại ứng dụng và cố gắng làm cho nó hấp dẫn, trẻ trung và mới mẻ hơn một chút để cạnh tranh với WhatsApp và Telegram trên thế giới", Carolina Milanesi, nhà phân tích của Creative Strategies cho biết.
Tuy nhiên, bằng cách tích hợp một loạt tính năng mới – bao gồm "mojis", phiên bản biểu tượng cảm xúc của Skype, cũng như nhiều tính năng vay mượn từ Snapchat, các nhà phát triển đã lạc lối và không tập trung vào chức năng cốt lõi là đảm bảo cuộc gọi video chất lượng cao.
Hiệu suất hoạt động của ứng dụng trên điện thoại cũng bị đánh giá tồi tệ. Những đánh giá tiêu cực đã khiến xếp hạng trung bình trên cửa hàng ứng dụng của Skype đã giảm từ 3,5 sao xuống 1,5 sao.
Om Malik, đối tác tại công ty đầu tư True Ventures nói: "Thật kinh khủng, đó là lần cuối cùng tôi sử dụng Skype. Tôi đã chán ngấy việc cố gắng sử dụng ứng dụng này. Toàn bộ mọi thứ trở nên phức tạp, giao diện trở nên tồi tệ hơn và hiệu suất quá kinh khủng. Skype chỉ đơn giản là mất đi tính chất dễ sử dụng vốn có".
Ở phía bên kia, các giải pháp thay thế đang lặng lẽ giành được chỗ đứng, cung cấp các tính năng tương tự miễn phí mà không bị che lấp bởi những tính năng hào nhoáng.
Trong khi Skype trì trệ và thậm chí thụt lùi, những dịch vụ khác như Zoom bắt đầu bổ sung các tính năng liên quan và nâng cao chất lượng cuộc gọi để giảm số lần bị rớt đường dây.
Ngay cả Microsoft cũng thừa nhận họ có vấn đề với Skype. Công ty đã ra mắt Teams, một sản phẩm chuyên về làm việc vào tháng 11/2016 và bắt đầu tích hợp các cuộc gọi video vào Teams.
Tại hội nghị Ignite vào tháng 9/2017, Microsoft đã đưa ra thông báo bên lề rằng Skype sẽ sớm bị thay thế bởi Teams.
Đến tháng 7/2021, Skype sẽ biến mất và thay vào đó, bất kỳ ai muốn thực hiện cuộc gọi video công việc thông qua các sản phẩm của Microsoft sẽ phải sử dụng Teams.
Với việc chính thức từ bỏ Skype và nhập cuộc muộn màng bằng Teams, mọi người chuyển sang sử dụng Zoom nhiều hơn, nhờ tải xuống miễn phí và chất lượng đáng tin cậy so với các đối thủ cạnh tranh.
8,5 tỷ USD lãng phí cho Skype
Một cuộc khảo sát vào tháng 4/2020 đối với 1.110 công ty Mỹ của Creative Strategies cho thấy 27% doanh nghiệp chủ yếu sử dụng Zoom cho các cuộc họp và cuộc gọi video, so với 18% sử dụng Teams và 15% sử dụng Skype.
Nhiều công ty đã lặng lẽ chuyển từ Skype sang Zoom trong những năm gần đây khi Skype bổ sung ngày càng nhiều tính năng không phù hợp với chức năng cốt lõi của dịch vụ là tạo ra các cuộc gọi video chất lượng tốt.
Chuyên gia Milanesi cho biết: "Zoom đã trở thành ứng dụng tiêu biểu cho cuộc họp video, cả từ góc độ người tiêu dùng và doanh nghiệp. Nếu nhìn vào sức mạnh của Skype và Teams cộng lại, lẽ ra chúng phải mạnh mẽ hơn Zoom nhưng không phải vậy. Mọi thứ chỉ là quảng cáo và nhiều người coi Skype là phần mềm gọi video lỗi thời".
Giống như nhiều thay đổi trong xã hội mà chúng ta chỉ nhận thấy khi Covid bùng nổ. Dịch bệnh không phải là nguyên nhân mà là chất xúc tác khiến cho Skype lộ rõ hình hài yếu ớt của mình.
Nhu cầu có một hệ thống cuộc gọi video đáng tin cậy với tốc độ nhanh đồng nghĩa với việc mọi người không sẵn sàng chờ đợi Skype, nền tảng mà họ biết dù sao cũng sắp ngừng hoạt động từ tuyên bố của Microsoft. Vì vậy, họ đi thẳng đến Zoom.
Steve Sharp của Fat Cow Media, một công ty xây dựng thương hiệu có trụ sở tại London, cho biết: "Trong thời kỳ Covid-19, chúng tôi đã quyết định chuyển sang Zoom từ Skype vì nó cung cấp các tính năng mà công ty đang tìm kiếm".
Công ty này đã gặp vấn đề về chất lượng với Skype trong nhiều tháng, điều mà họ không gặp phải trên Zoom. Họ cũng nhận thấy mình ngày càng đơn độc khi sử dụng Skype.
"Ngày càng có nhiều khách hàng của chúng tôi sử dụng Zoom. Và những khách hàng không sử dụng Zoom không gặp vấn đề gì khi kết nối với phiên bản trình duyệt".
Khả năng kết nối với các cuộc gọi mà không có bất kỳ trở ngại nào cũng là một phần lý do tại sao Zoom đã thành công khi Skype đã thất bại.
Nhiều người trong số hàng triệu người dùng mới của Zoom ít hiểu biết về công nghệ và chỉ muốn một thứ gì đó hoạt động nhanh chóng mà không cần cài đặt phức tạp điều mà Skype không còn có thể đảm bảo.
Phụ nữ số