Một tỉnh miền Trung điều chỉnh quy hoạch khu kinh tế quy mô hơn 27.000 ha, được bố trí cảng biển, công nghiệp, đô thị
Mới đây, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị thẩm định Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000.
- 19-06-2024Lộ diện chủ đầu tư mới của KCN quy mô 247ha, vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng tại Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa)
- 10-05-2024Một tỉnh biên giới điều chỉnh quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu quy mô 39.400 ha, thành trung tâm dịch vụ cửa khẩu, logistics quốc gia và quốc tế
- 10-04-2024Một tỉnh ven biển miền Trung đang tìm chủ cho 2 dự án nghỉ dưỡng hơn 4.400 tỷ giữa lòng khu kinh tế đa ngành
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, tóm tắt thuyết minh Đồ án, đại diện đơn vị tư vấn (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia) cho biết, phạm vi điều chỉnh quy hoạch bao gồm thị trấn Lăng Cô và các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh thuộc huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế), với tổng diện tích 27.108ha, được giới hạn như sau: phía Bắc và Đông Bắc giáp biển Đông; phía Nam giáp thành phố Đà Nẵng; phía Tây giáp xã Lộc Bình, xã Lộc Trì huyện Phú Lộc.
Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch nhằm phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thành khu vực kinh tế năng động, hoàn chỉnh về cơ cấu và chức năng; có khả năng thu hút, phát triển công nghiệp, công nghệ, du lịch và dịch vụ cũng như phát triển đô thị; tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, có tiếp cận nhanh về hàng hóa và dịch vụ với vùng và quốc tế với nguồn nhân lực được đào tạo có chất lượng cao và nền kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại.
Điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô với tính chất là khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực; đầu mối giao thông quốc gia và quốc tế, cửa ngõ ra biển quan trọng, cung cấp các dịch vụ cảng nước sâu và điều phối hàng hóa trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang Đông - Tây; là đô thị đạt tiêu chí đô thị loại III, phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo hướng thông minh, bền vững trên hành lang phát triển kết nối Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng; là địa bàn quan trọng về quốc phòng và an ninh của khu vực miền Trung và cả nước.
Theo Đồ án, mô hình phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có hạt nhân là cảng quốc tế Chân Mây, phát triển khu công nghiệp dịch vụ hậu cảng gắn đô thị và du lịch tại vịnh Lăng Cô. Cấu trúc không gian Khu kinh tế gồm hai hành lang phát triển: Hành lang đô thị - dịch vụ - công nghiệp gắn với QL1A, đường sắt Bắc - Nam, đường tốc độ cao La Sơn - Chân Mây; hành lang du lịch sinh thái và đô thị dịch vụ mới gắn với đường ven biển từ Thuận An qua Chân Mây và Lăng Cô.
Phân vùng Chân Mây được bố trí cảng biển, công nghiệp, đô thị phụ trợ công nghiệp phát triển mới, đô thị hiện hữu cải tạo chỉnh trang và du lịch cao cấp, du lịch cộng đồng. Trung tâm về dịch vụ du lịch sẽ được bố trí tập trung tại khu vực biển Lăng Cô nối kết với đầm Lập An. Tổ chức không gian theo phân vùng ưu tiên du lịch biển tại vịnh Lăng Cô, du lịch đầm phá tại đầm Lập An. Khu vực trung tâm đô thị Chân Mây sẽ hình thành các khu vực khách sạn, dịch vụ kết hợp với hệ thống vui chơi giải trí và các đầu mối về cảng hành khách phục vụ lưu thông đường thủy theo sông Bù Lu nối kết với các khu vực biển, đầm phá khác. Bên cạnh đó, Đồ án cũng đưa ra định hướng về thiết kế đô thị; quy hoạch sử dụng đất; định hướng về hạ tầng kỹ thuật; các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư.
Tại hội nghị, các chuyên gia thành viên Hội đồng đánh giá Đồ án đã bám sát nội dung Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hồ sơ Đồ án đầy đủ, tuân thủ theo đúng quy định. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn cần rà soát, cập nhật, bổ sung cơ sở pháp lý thực hiện quy hoạch; làm rõ hơn nữa mối quan hệ vùng giữa Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô với khu vực miền Trung, các nội dung điều chỉnh so với quy hoạch đã được phê duyệt trước đó; cần xác định tiêu chí đánh giá những dự án phù hợp hoặc không phù hợp với quy hoạch; đánh giá kỹ lợi thế cạnh tranh của Khu kinh tế; thận trọng trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng sang các mục đích khác.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp Thừa Thiên Huế, đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan trong quá trình lập Đồ án, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết nghiên cứu, đánh giá Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô trong mối quan hệ tổng thể với Thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng Đồ án, qua đó giúp Thừa Thiên Huế khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp Thừa Thiên Huế và đơn vị tư vấn rà soát, đánh giá đầy đủ hiện trạng phát triển Khu kinh tế để làm cơ sở đề xuất các định hướng phát triển mới; lưu ý dành quỹ đất cho phát triển trong tương lai; phân tích thêm các nội dung liên quan đến phát triển đô thị, không gian đô thị, hạ tầng kỹ thuật; bổ sung sơ đồ, bản đồ thể hiện các nội dung kết nối hạ tầng kỹ thuật trong Khu kinh tế và kết nối giao thông giữa Khu kinh tế với các khu vực trong vùng; chú trọng các nội dung về an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp Thừa Thiên Huế và đơn vị tư vấn tập trung hoàn thiện hồ sơ Đồ án theo các ý kiến đóng góp của Hội đồng, để UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trình Thủ tướng Chính phủ xem xét theo quy định.