Một tỉnh Trung Quốc nhưng có GRDP vượt cả nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới
Nếu như tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh Quảng Đông luôn dẫn đầu Trung Quốc và đã vượt qua tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc, thì tỉnh Giang Tô cũng bắt đầu vượt Hàn Quốc từ năm 2021, và tỉnh này còn được nhiều người gọi là “Tô đại cường”.
- 26-11-2022Linh vật World Cup 2022 mang "quốc tịch" Trung Quốc: Cạnh tranh gay cấn trong 5 tháng, doanh nghiệp TQ đánh bại hàng chục đối thủ sừng sỏ, giành hợp đồng mơ ước
- 26-11-2022Chân dung 'người sống sót' hiếm hoi giữa cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc
- 25-11-2022Hơn 20.000 nhân viên mới của Foxconn, Trung Quốc nghỉ việc
GDP của Giang Tô “vượt mặt” GDP của Hàn Quốc từ 2021
Trang Baijiahao (Trung Quốc) nhận định, tại Trung Quốc, các tỉnh phía đông do nằm gần biển nên có những lợi thế nhất định về vị trí địa lý. Do đó, nền kinh tế của các tỉnh phía đông thường mạnh hơn phía tây.
Là một tỉnh lớn ở miền đông Trung Quốc, Giang Tô có kinh tế phát triển rất tốt. Theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, trong nửa đầu năm 2022, GRDP của tỉnh Giang Tô đạt hơn 797 tỷ USD.
Nếu nhìn rộng ra toàn cầu, GRDP trong nửa đầu năm nay của tỉnh Giang Tô đã vượt qua GDP của Hàn Quốc - nền kinh tế đứng thứ 11 trên thế giới. Theo dữ liệu trên trang countryeconomy.com, GDP trong 6 tháng đầu năm nay của Hàn Quốc là hơn 729 tỷ USD.
Theo trang Baijiahao, từ năm 2021, GRDP của tỉnh Giang Tô đã bắt đầu vượt qua GDP của Hàn Quốc. GRPD năm ngoái của tỉnh Giang Tô là 1.805 tỷ USD, còn GDP của Hàn Quốc là 1.798 tỷ USD. Tuy con số chênh lệch không quá lớn, nhưng nhìn chung với tư cách là một tỉnh của một nước, GRDP của Giang Tô có thể so sánh với GDP của cả một quốc gia là rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, dân số của Hàn Quốc chỉ khoảng 50 triệu người, còn tỉnh Giang Tô lại có hơn 80 triệu. Bởi vậy, xét về tổng sản phẩm bình quân đầu người, tỉnh Giang Tô vẫn kém hơn so với Hàn Quốc.
Tại sao gọi là "Tô đại cường"
Theo trang Baijiahao, mặc dù cái tên "Tô đại cường" xuất phát từ một bộ phim, nhưng nó rất phù hợp để mô tả Giang Tô. Bởi vì sự phát triển của tỉnh này là rất toàn diện.
Trong bảng xếp hạng các thành phố cấp một của Trung Quốc, mặc dù không có thành phố nào thuộc tỉnh Giang Tô, nhưng trong số các thành phố đạt tiêu chuẩn cấp một, Tô Châu và Nam Kinh đều nằm trong danh sách. Trong danh sách các thành phố cấp hai có Từ Châu, Nam Thông, Vô Tích và Thường Châu của tỉnh Giang Tô. Trong danh sách các thành phố cấp ba, tất cả các thành phố còn lại của Giang Tô đều được đưa vào danh sách. Ngoài ra, Giang Tô không có thành phố cấp bốn nào. Nói cách khác, tất cả các đô thị trong tỉnh này đều phát triển một cách đồng đều.
Nhìn sang các vùng khác ở Trung Quốc, không có tỉnh nào có thể đưa tất cả các thành phố vào danh sách tương tự như Giang Tô, ngay cả Quảng Đông – tỉnh có GRDP cao nhất Trung Quốc nhiều năm qua - vẫn tồn tại vấn đề phát triển không đồng đều.
Ai đã đóng góp cho sự phát triển của Giang Tô?
Sự phát triển của tỉnh Giang Tô không thể tách rời khỏi sự đóng góp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cũng như sự phát triển của ngành ngoại thương đã thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh này tăng trưởng nhanh chóng.
Theo thống kê của trang Baijiahao, một nửa số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc nằm ở tỉnh Giang Tô, với khoảng 210.000 doanh nghiệp, được phân bổ ở các thành phố khác nhau tại Giang Tô.
Xét về lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu ngoại thương, tỉnh Giang Tô đã đạt được nhiều thành tựu, đạt tổng giá trị xuất nhập khẩu ngoại thương là hơn 298 tỷ USD trong năm 2021, và con số này vẫn đang tăng lên.
Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân địa phương ở Giang Tô cũng đã mang lại rất nhiều động lực cho sự phát triển của tỉnh này.
Chẳng hạn như danh sách 10 doanh nghiệp hàng đầu hiện nay của tỉnh Giang Tô ít nhiều cũng gây ấn tượng.
10 doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh Giang Tô hiện nay có thể kể đến: Tập đoàn Hengli, Tập đoàn Suning, Tập đoàn Zhongnan, Tập đoàn Jiangsu Shagang, Tập đoàn Shenghong, Công ty Nantong Sanjian, Tập đoàn Gang thép Nanjing, Tập đoàn Gang thép Zhongtian, Tập đoàn Phát triển Công nghiệp Wuxi và Tập đoàn Hengtong.
Trong 10 doanh nghiệp hàng đầu này, có 8 doanh nghiệp tư nhân. Theo số liệu năm 2021, các doanh nghiệp tư nhân này đã đóng góp 63,1% GRDP của tỉnh Giang Tô, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại địa phương, và nộp thuế cũng rất nhiều. Năm 2021, các doanh nghiệp này đã nộp thuế với số tiền hơn 153 tỷ USD.
Nhịp sống thị trường