MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới phản đối cho vay cổ phiếu

10-12-2019 - 11:14 AM | Tài chính quốc tế

GPIF làm dấy lên tranh cãi khi quyết định dừng cho vay cổ phiếu để đánh cược giá giảm. GPIF là quỹ lương hưu chính phủ Nhật Bản, một trong những nhà đầu tư tổ chức lớn nhất thế giới.

Quỹ Đầu tư lương hưu Chính phủ Nhật Bản (GPIF), quản lý khối tài sản trị giá 161 nghìn tỷ yên (1,48 nghìn tỷ USD) tính đến tháng 9, hôm 3/12 cho rằng "quy trình cho vay cổ phiếu hiện tại thiếu sự minh bạch về việc ai sẽ là người đi vay cuối cùng và mục đích của họ là gì", Reuters đưa tin. Theo GPIF, hành động này “không phù hợp với cách quản lý có trách nhiệm của chúng tôi”.

Động thái trên sẽ ảnh hưởng đến các cổ phiếu nằm trong danh mục cổ phiếu nước ngoài trị giá 42,5 nghìn tỷ yên (391,2 tỷ USD) của quỹ.

Cổ phiếu nước ngoài và Nhật Bản chiếm khoảng một nửa tổng giá trị tài sản của GPIF. Quỹ sẽ tiếp tục cho vay chứng khoán nợ và có thể xem xét lại quyết định dừng cho vay cổ phiếu nếu sự minh bạch được cải thiện. GPIF không cho vay cổ phiếu nội địa đang nắm giữ.

GPIF khiến các bên tham gia thị trường bất ngờ bởi cho vay cổ phiếu có thu phí từ lâu đã nằm trong chiến lược quản lý tài sản của các nhà đầu tư tổ chức trên thế giới. Người bán khống thường vay cổ phiếu và bán ngay, đặt cược giá cổ phiếu đó sẽ giảm. Sau đó, họ mua lại cổ phiếu và trả cho quỹ, hưởng phần chênh lệch giá.

Elon Musk, CEO hãng sản xuất ôtô điện Tesla, ca ngợi quyết định của GPIF.

“Hoan hô, đó là hành động đúng! Bán khống nên được coi là phi pháp”, ông viết trên Twitter cá nhân. Tesla là mục tiêu khá thường xuyên của những người bán khống.

“GPIF chọn lập trường phản đối bán khống”, Citywire, hãng tin về tài chính của Anh, đưa tin.

Trong khi bán khống vấp phải sự chỉ trích từ các nhà quản lý doanh nghiệp và chính trị gia, những người ủng hộ hình thức này lại cho rằng đây là một yếu tố quan trọng trong xác định giá – quy trình giúp quyết định giá trị trên thị trường tự do. Số khác cho rằng bán khống gây bất ổn bởi mang mục đích đẩy giá cổ phiếu đi xuống.

Các tổ chức đầu tư tương tự GPIF như quỹ hưu trí bang California CalPERS và quỹ chính phủ Na Uy đều cho vay cổ phiếu để thu phí. GPIF sẽ thất thu khoản phí cho vay cổ phiếu. Trong 3 năm qua, quỹ thu về 37,5 tỷ yên (hơn 345 triệu USD) từ việc cho vay cổ phiếu nước ngoài.

BlackRock, quỹ quản lý tài sản lớn nhất thế giới, có doanh thu từ cho vay cổ phiếu trong năm 2017 là 597 triệu USD, tăng so với con số 579 triệu USD một năm trước đó.

Theo Nikkei Asian Review

Theo Như Tâm

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên