Một tuần sau vụ cháy kho Rạng Đông: Người dân "sống cùng khẩu trang" nhưng chợ cóc, quán ăn vẫn tấp nập như trước
Dù mùi khói độc đã giảm, nhưng người dân trên tuyến phố Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn chưa thể chấm dứt chuỗi ngày "sống cùng khẩu trang" trong bất kể mọi sinh hoạt, thậm chí cả khi ngủ. Chợ cóc, những gánh hàng rong, quán ăn đều vẫn tấp nập "người buôn kẻ bán" như ngày thường.
- 29-08-2019“Vụ cháy Rạng Đông” hơn 5 tiếng và tình người dân - người lính trong hoả hoạn: Cảm ơn những chiến sĩ dũng cảm
- 25-08-2019NASA tiếp tục công bố hình ảnh gây sốc về hậu họa của cháy rừng Amazon: Vấn đề đã vượt tầm châu lục!
- 24-08-2019Bức thư của thủ lĩnh da đỏ - Lời cảnh tỉnh từ quá khứ trong những ngày Amazon bùng cháy
Quán cơm, cháo lòng vẫn đông khách sau vụ cháy kho Rạng Đông
Một tuần sau vụ cháy kho của Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông, nhịp sống của người dân trên tuyến phố Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn chưa thể quay lại như ban đầu. Dù có mưa lớn trên diện rộng nhưng mùi khét lẹt phả ra từ hiện trường vẫn chưa thôi đe doạ đến tính mạng, sức khoẻ của hàng trăm hộ dân, khi mà kết quả quan trắc nhiễm độc thuỷ ngân chưa được cơ quan chức năng chính thức công bố.
Trên con phố nằm trong ngõ dài chừng 500 mét, chạy qua nhà máy Rạng Đông, hàng loạt hàng quán, nhà cửa đóng kín mít. Theo chia sẻ, các gia đình bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau vụ cháy đêm 28/8, đã không thể tiếp tục chịu đựng mùi khói. Nhiều nhà đã sơ tán người già, trẻ em, phụ nữ đến nơi ở mới, hoặc thuê nhà nghỉ, khách sạn ở tạm trước khi hiện trường được xử lý hoàn toàn.
Nằm cách hiện trường vụ cháy khoảng 150 m, toà nhà A1, chung cư 54 Hạ Đình có 140 hộ dân thì quá nửa đã đi sơ tán. Đây là khu vực chịu ảnh hưởng khá nặng nề khi khói độc vẫn còn đậm.
Hiện trường vụ cháy kho công ty Rạng Đông chưa được xử lý triệt để sau gần 1 tuần hỏa hoạn.
Mùi khói độc tuy đã giảm nhưng vẫn gây khó chịu cho người dân. Ảnh: Hoàng Anh.
Theo ghi nhận của chúng tôi vào sáng 3/9, hiện trường vẫn còn ngổn ngang, trơ ra hàng trăm bóng đèn bị cháy. Dãy nhà của 10 hộ dân đối diện kho của công ty Rạng Đông đều đóng kín, một số hộ buôn bán chỉ mở hé. Mùi khói tuy đã giảm nhưng chưa hết, vẫn nồng nặc và khó chịu. Người dân đều trang bị khẩu trang mỗi khi di chuyển qua khu vực.
Sau vụ cháy, quán cháo lòng tiết canh của chị Thơm - cách hiện trường chỉ vài mét, vẫn đông khách, không còn một chỗ trống, bất chấp khuyến cáo không nên tiêu thụ thức ăn trong vòng bán kính 1km. Khách hàng chủ yếu là nhân viên công ty Rạng Đông, đều đặn và tấp nập. Chị cho biết, nguyên liệu được nhập từ nơi khác, "chứ con phố này làm gì có đâu".
"Tôi vẫn bán hàng bình thường, lượng khách ổn định. Chắc người ta không sợ nên mới vào ăn. Tôi chưa nghỉ ngày nào, trừ 2 ngày lễ vừa rồi. Nói chung, đến nay (3/9), mùi đỡ nhiều, mưa xong chắc là trôi hết bụi bặm nên tôi cảm thấy dễ thở hơn" - chị Thơm nói.
Quán bún, cháo lòng của chị Thơm vẫn đông khách như thường.
Một quán bún khác ngay cổng công ty Rạng Đông. Ảnh: Hoàng Anh.
Mọi công việc buôn bán hầu như đều diễn ra bình thường.
Trà đá, cơm bình dân tấp nập sau ngày nghỉ lễ.
Đối diện cổng công ty Rạng Đông, khoảng 3-4 quán cơm bình dân đều đã mở cửa trở lại, phục vụ công nhân và người dân. Chợ cóc, trà đá hay những gánh hàng rong quanh khu phố vẫn hoạt động bình thường. Theo các tiểu thương, đa số thực phẩm họ nhập từ nơi khác mang đến, người mua vẫn có, tuy rằng giảm hơn trước.
"Tôi dậy sớm lên chợ đầu mối Long Biên lấy thịt, rau về bán để đảm bảo an toàn cho người dân. Sau khi xảy ra vụ cháy, bà con ai nấy đều hoang mang, lo sợ, nhưng vẫn mua bán bình thường. Chúng tôi chỉ thấy khó chịu vì cả ngày phải đeo khẩu trang, sợ không khí bị ô nhiễm thủy ngân" - một tiểu thương chia sẻ.
Trong khi đó, bà Lan (khoảng 60 tuổi) đã "gói" gánh hàng rau về quê Đan Phượng, chờ ngày nhà kho Rạng Đông được xử lý hoàn toàn mới quay lại bán hàng tiếp.
"Đương nhiên cả con phố Hạ Đình chứ không riêng gì cá nhân tôi, đều rất hoang mang trước chất lượng môi trường. Sau khi xảy ra hoả hoạn, nguy cơ nhiễm các loại bệnh về hô hấp rất cao. Tôi đau đầu, đau mắt, khó thở. Bán hàng ở đây dân chẳng mua nữa, mà ngồi suốt mấy tiếng giữa môi trường ô nhiễm như này chắc chắn ảnh hưởng đến sức khoẻ. Người nhà tôi cũng đã sơ tán hết rồi" - bà Lan nói.
Các tiểu thương kiên trì nhập hàng đem tới phố Hạ Đình bán cho người dân.
Rau, cá, thịt, hoa quả, bánh mì,... tại góc chợ cóc ngã 3, cách hiện trường vài bước chân.
Trong khi đó, một số góc hàng đã dọn từ mấy ngày trước. Ảnh: Hoàng Anh.
Cháy hàng khẩu trang y tế và nước muối
Từ đêm 28/8 khi hoả hoạn bùng phát từ nhà kho Rạng Đông, cửa hàng thuốc ở Hạ Đình phải nhập khẩu trang y tế và nước muối liên tục, bán không xuể, lên cả nghìn sản phẩm. Người dân đeo khẩu trang trong mọi sinh hoạt, kể cả đi ngủ.
"Người dân đổ xô đi mua khẩu trang rất nhiều. Việc bán khẩu trang tăng gấp đôi, gấp 3. Một buổi sáng tôi đã bán ra khoảng 500 chiếc" - chị Cao Thị Hồng nói.
Chị Vân Anh có cửa hàng bán đồ lặt vặt nằm đối diện kho cháy, bụi bám kín cửa, không khí ngột ngạt. Chị không dám đi sơ tán vì còn hàng hoá trong nhà, còn con cái đều đã được gửi đến nhà người thân ở tạm.
"Khó thở và ngột ngạt giống như người bị bệnh tim, mắt cay xè, nước mắt nước mũi cứ chảy ròng ròng. Nguồn nước trong nhà đã được khử trùng nhưng tôi vẫn sợ chưa thể đảm bảo. Đứng ở trong nhà tôi cũng phải đeo khẩu trang, thậm chí là cả lúc đi ngủ" - chị chia sẻ.
Những dãy nhà bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ vụ hỏa hoạn đều đóng kín cửa. Ảnh: Hoàng Anh.
Cửa hàng chè bốn mùa sát vách nhà kho bị cháy tầng 2, người dân di tản ngay trong đêm 28/8. Ảnh: Hoàng Anh.
Chiều 30/8, UBND quận Thanh Xuân thông tin về vấn đề môi trường sau vụ cháy nhà kho của Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông với đánh giá sơ bộ: "các chỉ số như: thủy ngân, chì, kim loại nặng được đo bằng máy test nhanh cho thấy các chỉ số đều trong ngưỡng cho phép, an toàn với người dân".
Tuy nhiên, sáng 31/8, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) lại khuyến cáo người dân sinh sống quanh khu vực cháy cần thận trọng, thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của ngành y tế, tẩy rửa tường, sàn nhà, đồ gia dụng, không sử dụng nước từ các bể chứa hở; tạm thời không sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ khu vực xung quanh...
Theo đó, để đánh giá liệu môi trường có bị ô nhiễm thuỷ ngân hay không chưa nên vội vàng kết luận, phải thận trọng, phân tích rõ ràng trước khi có kết luận chính thức. Chính sự bất nhất của cơ quan chức năng trong đánh giá môi trường sau vụ cháy Rạng Đông khiến người dân càng thêm hoang mang. Trước khi được cảnh báo và cứu giúp, họ đã phải tự cứu chính mình bằng cách sơ tán, trang bị thiết bị đảm bảo sức khoẻ,...
Cửa hàng thuốc "cháy hàng" khẩu trang y tế và nước muối. Ảnh: Hoàng Anh.
Cả khu phố Hạ Đình đều đang chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng để quay về nhịp sống như trước kia.
Vào hồi 18h ngày 28/8, tại Công ty Cổ phần bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã xảy ra sự cố hỏa hoạn, ở bộ phận sản xuất bóng đèn dây tóc, đèn CFL và một kho thành phẩm tại cơ sở Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Khu vực xảy ra cháy nằm trong khuôn viên khu vực kho chứa hàng hóa và nhà xưởng, có tổng diện tích nhà kho, xưởng là khoảng 6.000m2.
Sau khoảng 21h30 cùng ngày, đám cháy về cơ bản được khống chế, đã ngăn chặn được cháy lan, sau đó lực lượng chức năng tiếp tục tiến hành khoanh vùng phun nước và các biện pháp nghiệp vụ không để bùng phát cháy trở lại.
Đến khoảng 23h30 cùng ngày, đám cháy được dập tắt.
Trí thức trẻ