Mù mờ tương lai 10.000 căn nhà ở xã hội tại Đồng Nai
Năm 2022, Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành nghị quyết với mục tiêu phát triển 10.000 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2025. Tuy vậy, đến thời điểm này, số lượng sản phẩm thực hiện được còn cách rất xa mục tiêu. Những khó khăn, vướng mắc là gì và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai có giải pháp thế nào để hoàn thành mục tiêu đề ra?
- 03-11-2023Dự án khủng dồn dập 'về tay', Vinhomes vẫn tiếp tục “săn” thêm quỹ đất
- 03-11-2023Đà Nẵng và những dự án không lối thoát
- 03-11-2023Thị trường bất động sản bất ngờ xuất hiện loạt thương vụ thâu tóm lớn, lộ diện phân khúc “hút tiền” vào cuối năm
Khó đạt mục tiêu nghị quyết
Hiện tỉnh Đồng Nai đang có các dự án nhà ở xã hội A6-A7 tại phường Quang Vinh (TP. Biên Hòa) quy mô 435 căn, dự án 16,7ha tại phường Bảo Vinh (TP. Long Khánh) quy mô 1.054 căn và dự án khu chung cư công nhân hơn 2ha tại Khu trung tâm dịch vụ khu công nghiệp Bàu Xéo (huyện Trảng Bom) quy mô 624 căn hộ.
Năm 2022, Đồng Nai lập danh mục kêu gọi đầu tư hơn 30 dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội với tổng diện tích hơn 175ha, nhưng đến tháng 8/2023 mới có 1 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, các dự án còn lại đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch, bổ sung hồ sơ.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, khó khăn chung với các dự án nhà ở xã hội là pháp lý về đất đai, thủ tục và điều kiện đề xuất chủ trương đầu tư. Một số dự án nhà ở xã hội muốn thực hiện tại dự án nhà ở thương mại trước đây phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, bổ sung vốn và điều chỉnh thời hạn dự án.
Ông Nguyên nói: "Các khu còn lại đang được làm hồ sơ, dự kiến tới đây các khu nhà ở xã hội sẽ hoàn chỉnh thủ tục về đầu tư để kêu gọi nhà đầu tư".
Theo ông Hồ Văn Hà – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, một số địa phương trong tỉnh chưa thực hiện đúng tinh thần nghị quyết của Tỉnh ủy, chưa nộp chủ trương đầu tư về cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh.
Ông Hà đánh giá đến hết năm 2023 sẽ khó đạt mục tiêu của nghị quyết. Cụ thể, ngoại trừ TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, huyện Trảng Bom và huyện Nhơn Trạch thì các địa phương khác chưa đủ từ 1-2 dự án có chủ trương đầu tư.
"Vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án. Đề xuất không chỉ định thầu thì cho bốc thăm, rút ngắn quy trình chứ đấu thầu lâu quá", ông Hồ Văn Hà cho biết.
Yêu cầu tập trung thực hiện nhà ở xã hội
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai vào tháng 8/2023, Công ty địa ốc Kim Oanh đề xuất kế hoạch xây dựng các dự án nhà ở xã hội tại các huyện Nhơn Trạch, Trảng Bom và TP. Biên Hòa. Đây là các dự án thành phần nhằm thực hiện đề án phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thu nhập thấp của Tập đoàn giai đoạn 2022-2028, định hướng đến 2030 với khoảng 27.000 căn hộ.
Về đề xuất này, ông Võ Tấn Đức – quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu đối với 3 dự án nhà ở xã hội sử dụng diện tích 20% quỹ đất trong các dự án thương mại phải thực hiện chuẩn về hồ sơ pháp lý do đa số hồ sơ của Công ty Kim Oanh vướng mắc về vấn đề đất đai.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khác trên địa bàn tỉnh, ông Đức đề nghị: "Các khu đất nhà ở xã hội còn lại, tôi đề nghị UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện hồ sơ chủ trương đầu tư. Các dự án đã đầy đủ hồ sơ, đề nghị các chủ đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải có đường gantt theo dõi"
Thời hạn kết thúc nghị quyết của Tỉnh ủy Đồng Nai về nhà ở xã hội đã cận kề, thế nhưng số lượng sản phẩm chưa đạt một nửa mục tiêu 10.000 căn. Để đẩy nhanh tiến độ, các sở, ngành cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong quá trình thẩm định, trình duyệt hồ sơ, hỗ trợ địa phương trong quá trình đề xuất và thực hiện dự án.
VOV