MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mua bán - sáp nhập giữa các trường tư: Sôi động, hấp dẫn

09-12-2022 - 08:00 AM | Thị trường

Mua bán - sáp nhập giữa các trường tư: Sôi động, hấp dẫn

Nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) giữa các trường tư diễn ra trong thời gian qua cho thấy, lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam đang là một thị trường thực sự sôi động và hấp dẫn.

"Cuộc đua" đầu tư vào giáo dục

Tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục trên thế giới, sự mất giá của nhiều đồng tiền so với USD đã khiến các nhà đầu tư có phần thận trọng hơn, kéo thị trường mua bán - sáp nhập toàn cầu giảm 18% về thương vụ và 27% về giá trị và so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, kết quả mua bán - sáp nhập vẫn diễn ra tích cực, các doanh nghiệp đang có nhiều điều kiện và lựa chọn hơn trong việc mở rộng các thương vụ mua bán - sáp nhập tại Việt Nam. Đặc biệt, những năm gần đây, trước tiềm năng bùng nổ của giáo dục quốc tế tại Việt Nam, luồng vốn đầu tư lớn đã ồ ạt rót vào các trường tư nhân.

Mới đây nhất, Tập đoàn Giáo dục EQuest ("EQuest") và Tập đoàn Giáo dục Khôi Nguyên (KNE) đã công bố ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược. Theo đó, EQuest sẽ trở thành cổ đông chủ chốt và tham gia vào hội đồng quản trị của KNE.

Thương vụ "bắt tay" giữa hai tập đoàn giáo dục trên có sự bảo trợ từ KKR - một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới với giá trị tài sản đầu tư tính đến 30/9/2022 là 496 tỷ USD. KKR đã đầu tư đến gần 14 tỷ USD vào giáo dục ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam (thông qua Tập đoàn EQuest, kể từ tháng 6/2021).

Trước đó, một loạt các thương vụ mua bán - sát nhập đã diễn ra như: Quỹ giáo dục Cognita mua Trường Quốc tế TP. Hồ Chí Minh (International School Hồ Chí Minh City) và Trường tiểu học Saigon Pearl; Quỹ North Anglia mua Trường Quốc tế Anh quốc (British International School); Trung tâm tiếng anh ILA cũng nhận khoản đầu tư lớn từ một quỹ tư nhân của Thụy Điển - EQT Capital Partners; Mekong Capital đầu tư 4,9 triệu USD vào công ty giáo dục YOLA…

Theo Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2020-2021, số lượng cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 17% trong hơn 3.800 cơ sở giáo dục ngoài công lập. Tính đến hết tháng 6/2022, Việt Nam thu hút 605 dự án trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư lên tới hơn 4,57 tỷ USD, đến từ 33 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, các lĩnh vực công nghệ thu hút được lượng vốn đầu tư lớn tại Việt Nam gồm: Fintech (công nghệ tài chính), Edtech (công nghệ giáo dục), Logistics và tự động hóa kinh doanh. Việt Nam nằm top 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng edtech lớn nhất thế giới. Tổng vốn đầu tư vào các startup trong lĩnh vực này tại Việt Nam hiện khoảng 20,2 triệu USD, đạt mức tăng trưởng khoảng 44,3% trong 2 năm vừa qua.

Mua bán - sáp nhập giữa các trường tư: Sôi động, hấp dẫn - Ảnh 1.

Việc hợp tác giữa KNE và EQuest nhận được sự bảo trợ từ quỹ đầu tư KKR Global Impact.

Theo đánh giá của các nhà đầu tư, Việt Nam là quốc gia có số lượng lớn dân số trẻ, có truyền thống hiếu học, cùng với đời sống kinh tế đi lên, người dân sẵn sàng đầu tư chi phí để được học tập tại các cơ sở giáo dục có chất lượng cao.

Một thống kê cho thấy, mỗi hộ gia đình Việt sẵn sàng chi tiêu đến 35% thu nhập dành cho giáo dục. Con số này cho thấy dư địa ngành giáo dục rất lớn, tuy nhiên doanh nghiệp dường như đang rất khó khăn khi đầu tư vào ngành này.

Cùng với đó, Việt Nam là một quốc gia có nền an ninh, chính trị ổn định, hành lang pháp lý trong lĩnh vực giáo dục cơ bản đầy đủ và thuận lợi và có chính sách visa giữa các nước trong khu vực thông thoáng. Vì vậy, việc đầu tư vào giáo dục của Việt Nam đang được coi là lĩnh vực đầu tư có hiệu quả.

Cần có tâm và tầm

Đầu tư cho giáo dục là một trong những việc làm cần thiết, bởi cả những giá trị vô hình (đào tạo những thế hệ tương lai có tri thức tốt) và hữu hình (những lợi nhuận mang đến cho nền kinh tế). Mặc dù có nhiều tiềm năng và dư địa phát triển, nhưng đầu tư cho giáo dục là việc đầu tư dài hạn, một lĩnh vực đặc thù và rất khó để sinh lời ngay, thậm chí có vốn lớn chưa hẳn có thể thành công, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược phát triển con người về thể chất, văn hóa, đạo đức…

Các chuyên gia cho rằng, để việc đầu tư cho giáo dục mang lại kết quả là đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng xu hướng phát triển kinh tế hiện nay rất cần người đứng đầu tổ chức giáo dục phải có tâm và có tầm. Nói cách khác, để có thể thành công, đầu tư trong giáo dục dù là công lập hay tư nhân, đều phải có sự bền bỉ, đặt lợi ích của học sinh lên trên hết thì mới bền vững được.

Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, đại diện Tập đoàn Giáo dục Khôi Nguyên (KNE) cho biết, trong thời đại ngày nay, việc hợp tác, trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng là xu hướng tất yếu. Với chúng tôi, việc hợp tác trong lĩnh vực giáo dục sẽ tập trung nhắm đến mục đích cao nhất là cộng thêm được những giá trị mới nhằm mang lại nhiều lợi ích hơn cho học sinh.

Mua bán - sáp nhập giữa các trường tư: Sôi động, hấp dẫn - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh - Đồng sáng lập, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KNE công bố việc hợp tác chiến lược của hai tập đoàn.

Sự hợp tác giữa KNE và EQuest sẽ hình thành nên một hệ sinh thái mới về giáo dục chất lượng cao mà ở đó, mọi nhu cầu giáo dục đều được quan tâm, mọi chương trình giáo dục đều được tôn trọng và mọi chi phí đều nhắm đến mục tiêu kinh tế nhất cho người học. "Chúng tôi sẽ cùng nhau xây dựng một triết lý mới: Giáo dục tốt nhất với chi phí tốt nhất cho tất cả mọi người" - bà Nguyễn Thị Kiều Oanh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quốc Toàn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc EQuest Group đã từng chia sẻ, giáo dục tư nhân chưa bao giờ là lợi nhuận nhiều, chứ đừng nói là siêu lợi nhuận; và làm giáo dục chưa bao giờ là dễ dàng.

Việc EQuest nhận được nguồn vốn dồi dào, ngay cả trong giai đoạn dịch Covid-19 phức tạp là một điều nay mắn và xứng đáng cho nỗ lực bỏ ra suốt 20 năm qua. "Có được thành quả này, ban lãnh đạo EQuest luôn kiên định với tầm nhìn mang lại những chương trình giáo dục chất lượng quốc tế, được kiểm định cho người học Việt Nam" - ông Nguyễn Quốc Toàn khẳng định.

Mua bán - sáp nhập giữa các trường tư: Sôi động, hấp dẫn - Ảnh 3.

Học sinh là người hưởng lợi đầu tiên trong thương vụ hợp tác của EQuest và KNE.

TS. Đàm Quang Minh, Chủ tịch khối Phổ thông của Tập đoàn EQuest cho hay, hợp tác nào cũng có những khó khăn, tuy nhiên, sự hợp tác giữa các hệ thống giáo dục đều có điểm chung là phát triển hơn trước. Ví dụ, thông qua hợp tác, Hệ thống giáo dục Alpha School từ chỗ 300 học sinh đã lên đến 1200 học sinh hiện nay; Hệ thống trường liên cấp Newton Grammar School từ 600 học sinh lên 4000 học sinh. Đây đều là những ngôi trường chất lượng hàng đầu tại Hà Nội, có được lòng tin của phụ huynh…

Cũng theo TS. Đàm Quang Minh, việc mua bán - sáp nhập trong các lĩnh vực nói chung và giáo dục nói riêng thường gắn chặt với những thay đổi về đầu tư và quản trị, đặc biệt là mô hình quản lý, chiến lược hoạt động và nhân sự cấp cao.

Mua bán - sáp nhập giữa các trường tư: Sôi động, hấp dẫn - Ảnh 4.

Lãnh đạo hai tập đoàn bắt tay nhau trong lễ công bố.

Những thương vụ này thường có giá trị giao dịch rất lớn, vì vậy nó sẽ không diễn ra nếu người mua không tin vào khả năng hoàn vốn và có lời của việc đó. Do đó, không có gì lạ khi ta thấy sự thay đổi to lớn của các trường sau khi chuyển đổi chủ sở hữu, mà dễ thấy nhất là về cơ sở vật chất, sự thay đổi về chiến lược, mô hình quản trị và nhân sự…

Hiện tại, Việt Nam đã thiết lập được mạng lưới hơn 3.800 cơ sở giáo dục ngoài công lập phủ rộng cả nước. Sự có mặt có các trường tư với chất lượng quốc tế đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và cải thiện thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ giáo dục thế giới, đồng thời, góp sức xây dựng một nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng, tạo tính cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Ánh Dương

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên