Mua căn nhà đầu tiên năm 30 tuổi: Chàng trai suốt 10 năm nấu cơm mang đi làm, tiết kiệm 50% thu nhập mỗi tháng
Khi mức lương 10 triệu, mình đã để dành một nửa bỏ heo. Đến khi 20 triệu thì mình vẫn theo tỉ lệ đó, và duy trì cho đến tận bây giờ.
- 06-06-2022Chàng trai gây sốt tại tour đêm Nhà tù Hỏa Lò: "Chỉ sợ mọi người nhìn mình lúc bỏ khẩu trang ra lại bất ngờ"
- 06-06-2022Khu vườn bình yên bên hoa lá rộng 25.000m² và ngôi nhà bình dị của cô gái độc thân ở vùng nông thôn
- 06-06-2022Căn hộ nhỏ với cách thiết kế hộp lưu trữ sáng tạo
"Sau 10 năm đi làm tích góp, mình đã có được căn nhà đầu tiên, đó là động lực để bản thân hoàn thành tiếp những mục tiêu sau này" - Khánh Nguyễn (TP. HCM) chia sẻ về hành trình để đạt được ước mơ về căn nhà đầu tiên của mình vào năm 30 tuổi.
Nguyễn Khánh
Căn nhà đầu tiên của Khánh được mua tại chung cư Bontanica Premier Tân Bình, có diện tích 69m2. Thiết kế của căn nhà hướng theo phong cách kết hợp giữa industrial & mordern, với 4 tông màu chủ đạo là cam, xám, trắng và đen, tạo cảm giác vừa ấm cúng vừa hiện đại:
Được biết, hiện tại Khánh đang làm quản lý truyền thông và marketing cho một chuỗi nhà hàng dành cho giới trẻ như God Mother, Amdang Typhoon, Octo Tapas,... Đặc biệt hơn, anh chàng cũng vừa xuất hiện trong chương trình Người Ấy Là Ai.
Ở tuổi 30, ngoài tài chính, Khánh theo đuổi một lối sống khá lành mạnh với nhiều hoạt động thư giãn. Thế nên anh chàng cảm thấy mình phải có 1 ngôi nhà thật thoải mái, chứ không o ép như cảm giác ở nhà thuê.
Cũng vì vậy mà ngay từ khi bắt đầu đi làm, Khánh đã lên kế hoạch sở hữu 1 căn nhà riêng cho mình, và xem đó là động lực để phấn đấu trong suốt nhiều năm vừa qua. Cùng lắng nghe về hành trình mua nhà của Khánh Nguyễn nhé!
Khánh đã bắt đầu ấp ủ dự định mua nhà từ khi nào?
Bản thân mình là người well plan, tức là việc gì cũng cần phải có một kế hoạch cụ thể và thực sự tốt. Vì thế, ngay từ phút giây nhận được offer đầu tiên trong đời, mình đã nhắm thẳng đến mục tiêu mua nhà.
Khánh có thể chia sẻ thêm về hành trình 10 năm mua nhà của mình không?
Thật ra, với nhiều người, việc mua nhà ở tuổi 30 không phải là điều gì đáng để khoe khoang. Nhưng đối với bản thân, mình đã làm việc thực sự chăm chỉ để đạt được thành quả này. 10 năm là chặng đường khá dài, cũng có rất nhiều biến cố thay đổi trong cuộc sống, khiến cho nhiều thứ đi chệch khỏi quỹ đạo. Nhưng việc mình có thể làm khi đó là càng nghiêm khắc với bản thân mình hơn.
Căn nhà đầu tiên của mình, ngoài tiền bản thân tự tích góp được, còn có sự giúp đỡ từ ba mẹ. Mình không xuống tiền mua đứt căn nhà, bởi vì còn cần tiền để chi trả cho những nhu cầu khác. Thế nên, mình quyết định vay ngân hàng 40%, lãi suất khoảng 7%/ năm, và thực hiện trả trong vòng 5-10 năm, tùy vào điều kiện tài chính thời điểm đó. Để đi đến quyết định này, mình cũng đã phải cân đo đong đếm rất nhiều, vì tài chính có hạn, chứ không phải quá dư giả đến mức mua đứt được 1 căn nhà tại TP. HCM như thế.
Bạn quản lý tài chính cá nhân như thế nào để đạt được sự cân bằng giữa việc dành tiền mua nhà, rồi trả nợ ngân hàng, mà vẫn có thể phục vụ những nhu cầu riêng của bản thân?
Tài chính của mình nằm ở mức khá ổn định, nhưng cũng không phải thuộc kiểu quá dư giả gì để vung tay cho một số tiền lớn như thế.
Vậy nên mọi thứ đều cần được đưa vào 1 bài toán tài chính cụ thể.Đầu tiên là về nguồn thu, mình luôn luôn nỗ lực hết mình để đạt được thu nhập mong muốn, đây là mục tiêu quan trọng để bản thân mình phấn đấu mỗi năm. Từ một nhân viên bình thường, sau 10 năm, mình trở thành quản lý truyền thông, đó là bước đi nằm trong kế hoạch của mình để tăng nguồn tiền để dành. Khi mức lương 10 triệu, mình đã để dành ½ bỏ heo, đến khi 20 triệu thì mình vẫn theo tỉ lệ đó, và duy trì nó cho đến tận bây giờ.
Tiếp theo là khoản chi. Mình chia thành 4 đầu mục chính rõ ràng: Tiền gửi cho ba mẹ, tiền chi tiêu cho nhu cầu cơ bản trong cuộc sống, tiền chi trả thẻ tín dụng, và tiền tiết kiệm. Con số sẽ thay đổi phụ thuộc vào nguồn thu của mình ở từng thời điểm.
Mình là người lãnh lương hàng tháng, không tham gia đầu tư mạo hiểm, thế nên những khoản tiền này nếu không được chi tiêu hợp lý thì sẽ bay sạch vào cuối tháng chứ đừng nói gì đến chuyện mua nhà. Mình rèn luyện cho bản thân tính kỷ luật với những khoản mục chi tiêu mà mình đặt ra từ trước.
Mình là người thích nấu ăn, thế nên rất ít khi lựa chọn ăn ngoài. Khi không còn ở với gia đình, mình vẫn duy trì 1 ngày nấu cơm ít nhất 1 lần, 1 tuần nấu cơm ít nhất 6 ngày. Mình đi làm 10 năm và hầu như mỗi ngày đều mang cơm nhà đi làm, chính điều nhỏ nhặt này cũng khiến mình tiết kiệm thêm được một số tiền kha khá, sức khỏe cũng được cải thiện, vì đồ ăn nhà làm lúc nào cũng ngon miệng và sạch sẽ.
Trong khoản tiền chi trả cho nhu cầu cuộc sống, mình không dành ra khoản nào để mua vui bằng những cuộc vui tại bar hay club, vì đơn giản bản thân mình không có sở thích đó. Việc mua sắm cũng được mình hạn chế tối đa, chỉ mua khi thật sự cần thiết. Điều này vừa giúp cho cuộc sống trở nên nhẹ nhàng tối giản, vừa giúp mình tiết kiệm được những khoản chi phí không đáng có.
Từ trải nghiệm của bản thân, Khánh thấy rằng những bạn trẻ có ước mơ mua nhà nhưng khả năng tài chính hiện tại chưa cho phép, có nên mua nhà trả góp hay không?
Đối với riêng bản thân mình thôi nhé, việc mua nhà trả góp hàng tháng, khiến cho mình càng có động lực đi làm hơn mỗi ngày. Nhưng điều kiện tiên quyết đầu tiên, đó là khả năng tài chính của bạn phải phù hợp với nhu cầu mà bạn mong muốn. Mình mua nhà trả góp khi nguồn thu - chi của mình đủ đáp ứng việc trả nợ, cũng như vẫn đáp ứng những nhu cầu mà mình cần.
Và điều mình tích lũy được trong suốt hành trình của mình, đó là "Nếu đã có ước mơ, hãy theo đuổi nó đến cùng". Điều này cũng đúng với việc mua căn nhà đầu tiên. Thế nhưng trên hết, hãy lập ra một kế hoạch tài chính cá nhân cho bản thân thật chắc chắn và hợp lí, từ đó biến giấc mơ mua nhà trở thành hiện thực sớm nhất có thể.
Cảm ơn Nguyễn Khánh vì những chia sẻ!
Trí Thức Trẻ