MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mùa cao điểm mua sắm của dân Ấn Độ lộ diện vấn đề còn tồn tại từ đại dịch: Người giàu chi "phóng tay", người nghèo chật vật tiết kiệm

22-10-2022 - 15:24 PM | Sống

Mùa cao điểm mua sắm của dân Ấn Độ lộ diện vấn đề còn tồn tại từ đại dịch: Người giàu chi "phóng tay", người nghèo chật vật tiết kiệm

Hàng hóa phục vụ cho nhóm người giàu nhất Ấn Độ đang có doanh số tốt, trong khi nhu cầu đối với các thiết bị và sản phẩm giá thấp có vẻ chậm chạp hơn.

Mùa bán lẻ cao điểm của Ấn Độ, đỉnh điểm diễn ra ngay sau lễ hội Diwali (24/10 năm nay), đang có dấu hiệu mua sắm mạnh mẽ mặc cho việc giá cả đang gia tăng. Tuy nhiên, nền kinh tế có thể phải chuẩn bị với nhiều thách thức mới do mức chi tiêu không đồng đều trên đầu người - các nhà kinh tế cho biết.

Mùa lễ hội này, doanh thu bán lẻ tại các cửa hàng Ấn Độ dự kiến đạt khoảng 18 tỷ đô la, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái và gần gấp đôi so với năm trước đại dịch 2019, theo Liên đoàn Thương nhân toàn Ấn Độ.

Praveen Khandelwal, tổng thư ký hiệp hội thương mại cho biết: " Sau 2 năm, lễ hội Diwali hiện tại sẽ được tổ chức mà không có hạn chế của Covid, điều này đang thúc đẩy người tiêu dùng tập trung vào các thị trường thương mại ". Ông nói thêm, giá hàng hóa đã tăng 10% đến 15% kể từ năm 2019.

Bất cân xứng trong chi tiêu giữa người giàu và người nghèo

Tuy nhiên, chi tiêu của mùa này có chung một đặc điểm chính trong sự phục hồi nói chung của Ấn Độ - hàng hóa phục vụ cho nhóm người rất giàu có của nước này đang bán chạy, trong khi nhu cầu đối với các thiết bị và sản phẩm cấp thấp có vẻ chậm chạp hơn. Nền kinh tế Ấn Độ đã tăng trưởng 13,5% từ tháng 4 đến tháng 6, một phần được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ trong chi tiêu.

Mùa cao điểm mua sắm của dân Ấn Độ lộ diện vấn đề còn tồn tại từ đại dịch: Người giàu chi phóng tay, người nghèo chật vật tiết kiệm - Ảnh 1.

Người dân sắm sửa trước mùa lễ hội trong một khu chợ ở phố cổ Delhi.


Manish Raj Singhania, chủ tịch Liên đoàn Hiệp hội các đại lý ô tô cho biết: " Hậu Covid, chúng tôi thực sự thấy sự phân chia giữa người giàu và người nghèo ngày càng mở rộng ". Để ví dụ, ông Singhania chỉ ra khoảng cách giữa nhu cầu xe hơi sang trọng so với xe máy và xe tay ga - phương tiện đầu tiên mà nhiều gia đình Ấn Độ có thể mua được.

Mặc dù đắt hơn so với trước đại dịch, danh sách chờ những chiếc xe cao cấp như BMW và Mercedes-Benz có giá hơn 6 triệu rupee, tương đương 73.000 đô la (gần 1,8 tỷ đồng), dài đến mức người mua phải đợi trung bình 4 tháng để được giao xe, ông cho biết.

Sự chậm trễ một phần là do các vấn đề về chuỗi cung ứng, nhưng cũng do nhu cầu đã vượt quá sản xuất. Theo Hiệp hội các đại lý ô tô, số lượng ô tô hạng sang đăng ký tại Ấn Độ trong 9 tháng đầu năm tăng 28% so với năm ngoái, mặc dù vẫn thấp hơn 12% so với doanh số cùng kỳ năm 2019.

Trong khi đó, ở đầu kia của phổ thu nhập, doanh số bán xe hai bánh tăng trưởng mờ nhạt, đặc biệt là các phiên bản rẻ nhất có giá khoảng 60.000 rupee (gần 18 triệu đồng). Theo Hiệp hội các đại lý ô tô, trong 9 tháng đầu năm nay, doanh số bán xe hai bánh cao hơn khoảng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thấp hơn 18% so với cùng kỳ năm 2019.

Narendra Kumar, một cư dân tại ngôi làng ở bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ, cho biết anh đã tiết kiệm để cố mua một chiếc xe máy cách đây 2 năm. Nó đáng ra sẽ là phương tiện cơ giới đầu tiên trong nhà anh. Nhưng việc phong tỏa do Covid-19, kéo theo 2 năm thu nhập từ nông trại bị giảm - với vai trò trụ cột chính của hộ gia đình, Kumar đã tiêu sạch tiền tiết kiệm.

Giờ đây, việc mua một chiếc xe máy có vẻ khó hơn bao giờ hết đối với chàng trai 23 tuổi. Anh Kumar cho biết, giá xe máy đã tăng 60%, trong khi thu nhập của gia đình anh vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch.

" Bất cứ kế hoạch nào người ta đã có đều đi chệch hướng ", anh nói.

Mùa cao điểm mua sắm của dân Ấn Độ lộ diện vấn đề còn tồn tại từ đại dịch: Người giàu chi phóng tay, người nghèo chật vật tiết kiệm - Ảnh 2.

Xe máy vẫn là phương tiện khá phổ biến tại đất nước tỷ dân.


Bất bình đẳng thu nhập từ lâu đã được phản ánh trong tiêu dùng của Ấn Độ, với việc công ty tư vấn Boston Consulting Group dự đoán trong một báo cáo năm 2020 rằng tỷ lệ chi tiêu của các hộ gia đình giàu có nhất - những người kiếm được 1 triệu rupee (khoảng 300 triệu đồng)/ năm trở lên - sẽ tăng từ 33% mức tiêu dùng của toàn bộ các hộ gia đình vào năm 2019 đến khoảng một nửa vào năm 2030.

Hơn 1/2 tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ phụ thuộc vào tiêu dùng, theo Wall Street Journal.

Tuy nhiên, những người mới tham gia vào các nấc thang thấp hơn của tầng lớp trung lưu ở đất nước hơn 1,3 tỷ dân cũng đã đóng góp đáng kể cho nền kinh tế, đặc biệt là đối với một số loại sản phẩm. Ấn Độ hiện có mức thu nhập bình quân đầu người là 2.200 đô la (54 triệu đồng)/năm.

Pranjul Bhandari, trưởng nhóm kinh tế gia Ấn Độ tại HSBC Securities & Capital Markets Ấn Độ cho biết: " Tới lúc nào đó, vận mệnh của cả hai (nhóm dân số có thu nhập rất cao và rất thấp) có liên quan đến nhau ". Bà nói, nếu một bộ phận dân cư lớn không có điều kiện tốt, điều đó sẽ hạn chế khả năng phát triển và kiếm lợi nhuận của các công ty. Nói cách khác, kinh tế đất nước tỷ dân sẽ không thể đạt tối đa kỳ vọng.

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế Ấn Độ có thể tăng trưởng 6,8% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm 2023.

Tuy nhiên, điều đó vẫn đánh dấu sự tụt hạng so với mức tăng trưởng 7,4% mà IMF đã từng dự báo vào tháng bảy. Ấn Độ không tránh khỏi những biến động toàn cầu khiến giá thực phẩm và nhiên liệu tăng lên, chưa kể việc mất giá lịch sử của đồng rupee so với đô la gây áp lực lên nhập khẩu.

Lạm phát đã vượt 7% vào tháng 9 và ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất 4 lần trong năm nay.

Trong bối cảnh đó, người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu thấp - đặc biệt là ở các vùng nông thôn - có khả năng phải cân nhắc đắn đo trước khi chi tiêu cho những hàng hóa không phải là nhu cầu thiết yếu hàng ngày.

Shilpi Jain, nhà phân tích của Counterpoint Technology Market Research, cho biết điện thoại thông minh cao cấp, có giá trên 30.000 rupee (9 triệu đồng), đã bán rất chạy trước Diwali. Trong 6 tháng đầu năm nay, nhu cầu đối với phân khúc điện thoại này đã tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhu cầu về điện thoại có giá dưới 8.000 rupee (2,3 triệu đồng) đã thấp hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Do tình trạng khan hiếm linh kiện nhập khẩu vào đầu năm nay và sự gia tăng giá của chúng, các công ty điện thoại di động đã không cung cấp các ưu đãi cho smartphone cấp thấp trong dịp lễ Diwali này, bà Jain nói.

Mùa cao điểm mua sắm của dân Ấn Độ lộ diện vấn đề còn tồn tại từ đại dịch: Người giàu chi phóng tay, người nghèo chật vật tiết kiệm - Ảnh 3.

Một người phụ nữ đang sơn đèn dầu đất nung để bán trước dịp lễ Diwali ở Kolkata.


Trong khi đó, đối với tủ lạnh, doanh số của các phiên bản nhỏ hơn có một cửa đã giảm khoảng 15% trong năm nay so với mức trước đại dịch, trong khi doanh số cho tủ lạnh lớn hơn, hai cửa lại tăng khoảng 30%, theo Eric Braganza, chủ tịch của Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị và điện tử tiêu dùng.

Một số công ty đã triển khai các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu từ người tiêu dùng cao cấp hơn. Vào tháng 9, đơn vị sản xuất thiết bị Whirlpool Corp của Ấn Độ cho biết họ đã bắt đầu sản xuất máy giặt cửa trước cao cấp tại nhà máy của mình ở miền nam Ấn Độ.

Nhóm người tiêu dùng mua hàng trung cấp và cao cấp đang thực sự phóng tay hơn nhiều.

Giám đốc điều hành của Whirlpool, Vishal Bhola nói với một kênh tin tức kinh doanh của Ấn Độ

"Đốt pháo hoa kiểu gì khi túi thì trống rỗng?"

Người tiêu dùng cấp thấp bao gồm hàng trăm nghìn công nhân đã trở về làng sau khi lệnh phong tỏa trên toàn quốc được áp dụng vào tháng 3/2020, khiến họ không có thu nhập trong một thời gian dài. Nền kinh tế của Ấn Độ cũng không hoàn toàn mở cửa trở lại vào năm 2021, khi đất nước này phải vật lộn với biến thể Delta chết người.

Một số người lao động vẫn ở lại làng ngay cả khi các thành phố mở cửa trở lại, làm cho thu nhập không thể gia tăng.

Mùa cao điểm mua sắm của dân Ấn Độ lộ diện vấn đề còn tồn tại từ đại dịch: Người giàu chi phóng tay, người nghèo chật vật tiết kiệm - Ảnh 4.

Người bán nông sản đang chờ khách tới mua tại một khu chợ ở Mumbai. Mưa gió thất thường và sóng nhiệt đã làm thiệt hại nặng mùa màng nước này.

Anh Kumar tốt nghiệp đại học vào năm 2020. Nhưng vì lệnh phong tỏa, anh không thể đến một thành phố lớn để tìm việc làm. Cuối cùng, anh đã đăng ký học bằng thạc sĩ làm vườn, tiêu tốn hết số tiền tiết kiệm của mình.

Trong khi đó, điều kiện thời tiết thất thường đã làm giảm sản lượng tại trang trại nhỏ của gia đình anh trong 2 năm qua. Anh lo lắng rằng những trận mưa trái mùa trong tháng này cũng có thể ảnh hưởng đến việc thu hoạch lúa năm nay. Kết quả là: Lễ hội Diwali tại nhà của anh ấy sẽ bị "cắt giảm", với ít pháo và ít món ăn hơn.

"Đốt pháo hoa (truyền thống trong ngày Diwali) kiểu gì khi túi thì trống rỗng?", anh kết luận.

Nguồn: WSJ


Theo Thạch Anh

Tổ Quốc

Trở lên trên