MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Mưa' cổ phiếu tăng trần, VN-Index vượt 1.100 điểm

'Mưa' cổ phiếu tăng trần, VN-Index vượt 1.100 điểm

VN-Index đóng cửa phiên hôm nay (8/11) tăng 33 điểm, chinh phục lại mốc 1.100 điểm. Toàn thị trường có tới 84 cổ phiếu tăng trần.

Sau phiên sáng ảm đạm, chỉ số gần như đi ngang, qua giờ nghỉ trưa, thị trường bất ngờ xuất hiện lực cầu mạnh mẽ. Cổ phiếu nhanh chóng nới rộng đà tăng, nhiều mã “lộ trần”. VN-Index được kéo tăng thẳng đứng, nhẹ nhàng qua mốc 1.100 điểm. Dòng tiền càng lúc càng tích cực. Trên HoSE, gần 500 cổ phiếu tăng giá, trong đó 55 mã tăng trần.

Tại nhóm VN30, không cổ phiếu nào giảm giá. Có tới 29/30 mã tăng giá, chỉ duy nhất SAB đứng tham chiếu. SSI, GVR tăng trần. Hơn nửa cổ phiếu trong rổ VN30 tăng trên 3%. VJC có thời điểm chạm giá trần, đến cuối phiên giữ được mức tăng 6,6% lên 113.000 đồng cổ phiếu. TPB, HDB, HPG, SHB, FPT, VJC tăng trên 4%.

“Mưa” cổ phiếu tăng trần đổ bộ mạnh nhất vào ngành bất động sản, chứng khoán. Sắc tím chiếm áp đảo trong nhóm chứng khoán: MBS, SHS, EVS, VIG, BSI, FTS, VCI, VIX, SSI, HCM, CTS, ORS, VND, VDS, AGR. Dòng tiền tập trung đáng kể vào nhóm chứng khoán, đưa thanh khoản SSI lên cao nhất toàn sàn, giao dịch 933 tỷ đồng. Top 10 mã thanh khoản cao còn có các đại diện khác từ nhóm chứng khoán như VIX, VND, VCI.

Nhóm bất động sản cũng ngập trong cổ phiếu tăng trần, ở hàng chục mã như NVL, GEX, DIG, DXG, CEO, PDR, CII, KBC, TCH, SCR, IDI, TIG, IJC... Cổ phiếu xây dựng, nhà thầu cũng hết sức tích cực, khi VCG, HHV, EVG, FCN, HTN tăng trần. Cổ phiếu các ngành đồng loạt tăng tốt, tâm lý nhà đầu tư phần nào cởi bỏ sự thận trọng. Theo đó, thanh khoản càng lúc càng tăng nhanh, mạnh trong phiên chiều.

Ngoài diễn biến tích cực đáng chú ý trên sàn, thị trường hôm nay ghi nhận một số thông tin, giao dịch nổi bật mới được công bố. Bà Huỳnh Thị Mai Dung - vợ ông Nguyễn Đỗ Lăng, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn COTANA (mã CSC), - báo cáo đã bán 976.000 cổ phiếu CSC trong thời gian từ 4/10 - 2/11.

Trước đó, bà Dung đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu CSC nhưng do điều kiện thị trường chưa phù hợp nên chỉ bán được 976.000 đơn vị. Sau giao dịch, bà Dung giảm sở hữu tại CSC từ 5,13 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 16,44%) xuống còn 4,15 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 13,31%). Tạm tính theo mức giá CSC đóng cửa phiên 2/11 là 28.400 đồng/cp, bà Dung ước thu về gần 28 tỷ đồng.

Bà Dung và chồng là ông Nguyễn Đỗ Lăng đang bị tạm giam, khởi tố vì tội “thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại CTCP Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (APS), CTCP Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API) và CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ).

Thông tin đáng chú ý khác, CTCP Tập đoàn FLC (mã FLC) tiếp tục chậm nộp báo cáo tài chính. Tập đoàn FLC vừa có giải thích về việc chưa thể phát hành các báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, 2022, quý 1 và quý 2/2023 cũng như báo cáo tài chính bán niên 2023 đã được soát xét. Hiện, cổ phiếu FLC vẫn trong diện bị đình chỉ giao dịch

VN-Index tăng 33,14 điểm (3,07%) lên 1.113,43 điểm. HNX-Index tăng 8,74 điểm (4%) lên 227,03 điểm. UPCoM-Index tăng 1,56 điểm (1,84%) lên 86,17 điểm. Thanh khoản tăng vọt, giá trị khớp lệnh HoSE hơn 17.200 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng 228 tỷ đồng, tập trung vào MWG, VHM, VRE, MSN, VNM.

Với trạng thái hồi phục tích cực, nhóm phân tích của Chứng khoán Sài gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng khu vực cân bằng mới để tích lũy lại có khả năng trong vùng điểm số 1.100 điểm - 1.150 điểm.

Theo Việt Linh

Tiền Phong

Từ Khóa:
Trở lên trên