MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mua điện Trung Quốc: Cần hay không?

Theo các chuyên gia, phương án mua điện từ một số nước, nhất là Trung Quốc, không giải quyết gì nhiều cho tình trạng thiếu điện trong nước; trái lại có nguy cơ làm tăng giá điện, tiềm ẩn rủi ro về an ninh, quốc phòng.

Tại báo cáo về tình hình thực hiện các dự án trong Quy hoạch điện VII, Bộ Công Thương cho rằng để giải quyết tình trạng thiếu điện trong những năm tới, một trong những giải pháp đề ra là phải tăng cường nhập khẩu điện, đặc biệt là mua điện từ Trung Quốc.

Dự báo thiếu điện nên phải mua

Tại báo cáo, Bộ Công Thương cho rằng giai đoạn đến năm 2025, miền Nam bị đe dọa thiếu điện nếu không hoàn thành được nhiều dự án đầu tư lớn, trong đó có dự án đường dây 500 KV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2 để đưa điện từ miền Bắc - Trung vào.

Căn cứ tình hình triển khai các dự án, Bộ Công Thương dự kiến tổng công suất các nguồn điện trên toàn quốc có khả năng đưa vào vận hành trong các năm 2018-2020 chỉ đạt 8.900 MW, bằng 60% khối lượng dự kiến theo quy hoạch. Trong đó, dự án Ô Môn III công suất 750 MW và thủy điện Yaly mở rộng công suất 360 MW bị chậm tiến độ sang giai đoạn 2021-2025. Nhiều dự án khác cũng bị giãn đến sau năm 2020 với tổng công suất khoảng 5.200 MW. Nếu tính cả dự án nhiệt điện Thái Bình 2 không đáp ứng được tiến độ hoàn thành vào năm 2020 thì tổng công suất bị chậm sẽ tăng lên trên 6.400 MW.

Mua điện Trung Quốc: Cần hay không? - Ảnh 1.

Thay vì mua điện, cần đầu tư, đẩy mạnh các dự án điện trong nước Ảnh: VIỆT TRUNG

Riêng các dự án điện mặt trời đã trình Bộ Công Thương xem xét, thẩm định thiết kế cơ sở chỉ đạt 1.596 MWp - số nhỏ trong tổng dự kiến 5.000 MWp đến năm 2020.

Bộ Công Thương đánh giá với phụ tải cơ sở được cập nhật, luôn tiềm ẩn nguy cơ sự cố gây mất điện trong các năm 2020-2030. Xác suất mất tải của hệ thống điện miền Nam rất cao, các năm từ 2020-2022 sẽ lần lượt bị mất điện 373, 293 và 593 giờ - mức cao hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn an toàn của hệ thống điện là 24 giờ.

Từ thực tiễn trên, một trong những giải pháp được Bộ Công Thương đưa ra là tăng cường nhập khẩu điện từ các nước trong khu vực. Dự kiến, giai đoạn đến năm 2020 sẽ nhập điện từ Nam Lào qua các đường dây 220 KV hiện hữu với công suất cao nhất có thể là 1.000 MW. Giai đoạn 2026-2030, mua điện từ khu vực Bắc Lào với công suất 2.000 MW.

Đặc biệt, tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc qua đường dây 220 KV Hà Khẩu - Lào Cai từ năm 2019 lên khoảng 1.000 MW và sản lượng mua tăng thêm 3,5 tỉ KWh/năm; đồng thời nghiên cứu đàm phán nhập khẩu điện Trung Quốc ở cấp điện áp 500 KV cho giai đoạn tiếp theo.

Cần cân nhắc kỹ lưỡng

Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), thông tin với kế hoạch liên kết lưới điện với Lào, nhiều nhà đầu tư đang đề xuất xây dựng nhà máy điện tại Lào, sản xuất và bán điện trực tiếp sang Việt Nam. Ngoài ra, xây dựng đường dây truyền tải trên đất Lào để nhập khẩu điện từ Vân Nam (Trung Quốc) bán cho Việt Nam (khu vực phía Nam). EVN đang đàm phán với chủ đầu tư các dự án này. "Trong bối cảnh tạm dừng triển khai dự án điện hạt nhân, một số dự án nguồn điện lớn có khả năng chậm tiến độ, việc liên kết lưới điện với các nước láng giềng sẽ giúp bổ sung nguồn năng lượng cho đất nước" - ông Hải nói.

Dù vậy, giới chuyên gia bày tỏ nhiều băn khoăn. Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nói trước đây, Việt Nam chỉ mua điện từ Trung Quốc với công suất khoảng 300 MW. Nay dù đặt mục tiêu nhập khẩu điện Trung Quốc qua đường dây 220 KV Hà Khẩu - Lào Cai từ năm 2019 lên khoảng 1.000 MW và sản lượng mua tăng thêm 3,5 tỉ KWh/năm thì cũng không phải là con số có ý nghĩa lớn trong bối cảnh nhu cầu tăng trưởng điện lên đến 10% như hiện nay. Do vậy, theo ông, tăng mua điện Trung Quốc cũng không ăn thua gì.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định do tình trạng mất cân đối cung - cầu điện chỉ tập trung ở phía Nam nên nếu mua điện Trung Quốc thì phải đặt vấn đề truyền tải điện vào miền Nam qua đường dây 500 KV như thế nào. Từ đó, cần cân nhắc kỹ lưỡng xem có cần thiết phải mua điện từ Trung Quốc hay không khi lượng điện nhập về không giúp giảm bớt căng thẳng điện miền Nam.

Ông Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, đưa ra thêm một lo ngại khác, đó là việc mua điện từ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng ngay đến giá thành điện. Theo ông Đào, nhiều năm qua đã xảy ra tình trạng các doanh nghiệp điện trong nước bị EVN thu mua với giá thấp cùng nhiều điều kiện ngặt nghèo trong khi mua điện của Trung Quốc với giá cao. "Việc này vừa khiến doanh nghiệp nội thiệt thòi vừa khiến người tiêu dùng thiệt hại khi giá mua điện cao sẽ bị tính vào giá thành. Ngay cả khi năm nay Thủ tướng chỉ đạo EVN không tăng giá điện để bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% như Quốc hội phê duyệt thì mọi chi phí vẫn được bảo lưu tính toán cho đợt tăng giá điện sau" - ông Đào lo ngại.

Nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo cần cân nhắc kỹ lưỡng xem có cần thiết phải mua điện từ Trung Quốc hay không khi lượng điện nhập về không giúp giảm bớt căng thẳng điện miền Nam.

TS NGÔ TRÍ LONG:

Không có gì bằng nội lực

Thực trạng hiện nay là nhu cầu tiêu thụ điện rất lớn mà nguồn cung không đáp ứng nổi. Nguồn lực nhà nước có hạn nhưng với chính sách giá điện như hiện nay lại không khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành. Trong bối cảnh đó, buộc phải nhập khẩu điện, từ những nước có nguồn năng lượng tương đối dư thừa và ở gần biên giới như Lào, Trung Quốc.

Tuy nhiên, cần lưu ý phải bảo đảm chặt chẽ trong các hợp đồng mua bán điện, thỏa thuận giá điện để tránh bị thiệt thòi. Đặc biệt, do điện năng là sản phẩm mua đến đâu phải tiêu thụ đến đó nên phải lên phương án, tính toán cụ thể, tỉ mỉ nhu cầu điện qua các năm, cập nhật khả năng đáp ứng của nguồn cung trong nước để ký kết hợp đồng với mức mua điện hợp lý. Nếu không tính sát thực tế, sẽ gây ra lãng phí nguồn điện trong nước, dẫn đến bên mua là Việt Nam sẽ bị thiệt thòi. Trong đó thiệt thòi lớn nhất là về giá điện do bình quân giá mua điện Trung Quốc tương đối cao, sẽ ảnh hưởng đến tổng giá thành điện sản xuất kinh doanh trong nước.

Cách tốt nhất với ngành điện là phải phát huy nội lực. Cơ cấu nguồn điện có thủy điện, nhiệt điện, điện gió, điện chạy dầu.. Làm sao phát huy những loại hình này, tiến tới xã hội hóa, tạo chính sách đầu tư tư nhân vào ngành.

Ông ĐẶNG ĐÌNH ĐÀO - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển, ĐH Kinh tế Quốc dân:

Thúc đẩy tiến độ dự án chậm trễ

Trong điều kiện của những năm trước đây - khi nguồn cung điện trong nước còn hạn chế, việc mua điện Trung Quốc là giải pháp cần thiết để giải bài toán cân đối cung cầu điện. Thực tế, nhiều năm qua, Việt Nam mua sản lượng điện lớn từ Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu trong nước, có thời điểm lên tới 4,65 tỉ KWh, chiếm 4% tổng sản lượng điện thành phẩm của Việt Nam. Nhưng đến nay, khi hàng loạt dự án điện đang "bày" ra trước mắt, tại sao lại không tìm cách tháo gỡ, đốc thúc tiến độ thực hiện để có nguồn cung cấp cho nhu cầu sản xuất. Nhất là khi sắp tới đây, sẽ có thêm hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời được trình, duyệt và xây dựng theo đúng xu thế chung của thế giới.

Tích cực đẩy mạnh các dự án điện miền Nam, tiết giảm chi phí, kêu gọi đầu tư… là những việc mà EVN và nhà nước cần làm trong thời gian này.

TS LÊ ĐĂNG DOANH:

Tránh phụ thuộc nhà thầu Trung Quốc

Thương mại Việt Nam đã phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, nay lại phụ thuộc thêm việc mua điện thì sẽ làm tăng sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Đấy là điều cần phải xem xét tính toán thận trọng.

Điều EVN cần xúc tiến là sớm phát triển điện mặt trời, điện gió và các loại năng lượng tái tạo khác. Việc phát triển các nguồn điện phải trên cơ sở đấu thầu công khai minh bạch để tránh việc quá nhiều dự án đầu tư điện rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc, dẫn đến những hệ quả khó lường.

Nếu trong trường hợp buộc phải nhập khẩu điện thì cần phải bảo đảm thực sự an toàn về mặt kỹ thuật, an toàn về cung ứng và hạn chế sự lệ thuộc. Cũng không nên mua điện quá nhiều từ phía Trung Quốc vì điện là hàng hóa nhạy cảm, không thể thiếu trong phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng. Khi có trục trặc, sẽ gây mất an toàn rất lớn.


Theo Hoài Dương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên