MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mùa đông ấm áp đã cứu châu Âu thoát khỏi khủng hoảng năng lượng?

09-01-2023 - 11:10 AM | Tài chính quốc tế

Trạm bơm khí đốt của công ty Bulgartransgaz ở Ihtiman, Bulgaria. Ảnh: AFP/TTXVN

Trạm bơm khí đốt của công ty Bulgartransgaz ở Ihtiman, Bulgaria. Ảnh: AFP/TTXVN

Thời tiết ôn hòa kết hợp với nhiều nhà cung cấp hơn và nỗ lực giảm nhu cầu đã phần nào giúp châu Âu tránh khỏi viễn cảnh một mùa đông khắc nghiệt do thiếu khí đốt.

Với việc các kho dự trữ khí đốt gần đầy và giá khí đốt đã giảm xuống mức trước xung đột Nga - Ukraine, châu Âu có thể đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng năng lượng.

Thời tiết ở châu Âu đang ấm áp bất thường khi nhiều nước trên khắp "Lục địa già" ghi nhận nhiều kỷ lục nhiệt độ. Trong báo cáo công bố ngày 5/1 vừa qua, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết một số nước châu Âu đã ghi nhận các mức nhiệt cao kỷ lục vào đêm Giao thừa và ngày đầu Năm mới. Tại thành phố Besancon phía Đông nước Pháp, nhiệt độ ngày 1/1 đạt 18,6 độ C, mức cao nhất từ trước đến nay, cao hơn 1,8 độ C so với kỷ lục trước đó ghi nhận vào tháng 1/1918.

Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), sự kết hợp của các điều kiện sẽ giúp giảm lạm phát, ổn định triển vọng kinh tế của châu Âu. Mặc dù một đợt lạnh đột ngột hoặc gián đoạn vận chuyển vẫn có thể khiến thị trường năng lượng rơi vào tình trạng hỗn loạn, nhưng sự lạc quan đang gia tăng rằng châu Âu giờ đây có thể vượt qua mùa Đông này và thậm chí là cả mùa Đông tới.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck phát biểu trong chuyến thăm Na Uy: “Nguy cơ về một cuộc khủng hoảng kinh tế hoàn toàn, một cuộc khủng hoảng cốt lõi của ngành công nghiệp châu Âu đã được ngăn chặn”. Na Uy đã thay thế Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt hàng đầu cho Đức.

Châu Âu đã thiệt hại gần 1.000 tỷ USD do giá năng lượng tăng vọt bắt nguồn từ xung đột Nga-Ukraine vào tháng 2/2022. Các chính phủ đã bỏ ra hơn 700 tỷ USD để hỗ trợ các công ty và người tiêu dùng trong khi tiếp tục nỗ lực loại bỏ sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, đặc biệt là khí đốt tự nhiên. EU lấp đầy khoảng trống của Nga bằng cách tăng nguồn cung từ Na Uy và vận chuyển khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Qatar, Mỹ và các nhà sản xuất khác.

Tại Đức, các cơ sở dự trữ đã đầy khoảng 91%, so với 54% vào một năm trước. Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã quốc hữu hóa các chi nhánh tại Đức của Gazprom PJSC và đã chi hàng tỷ euro trong nỗ lực lấp đầy các kho dự trữ. Các biện pháp tiết kiệm năng lượng từ ngành công nghiệp và hộ gia đình cũng như nhiệt độ tháng 1 ấm nhất trong nhiều thập kỷ cũng tạo ra sự hỗ trợ.

Phát biểu với giới truyền thông ngày 6/1, Chủ tịch Cơ quan Mạng lưới liên bang Đức (Bundesnetzagentur) Klaus Müller đã hồ hởi nói rằng: “Chúng tôi đang rất lạc quan, trong khi mùa thu năm trước không được như vậy. Càng dự trữ nhiều khí đốt từ đầu năm thì căng thẳng và chi phí chúng ta phải đối mặt với việc lấp đầy lại vào mùa đông tới càng giảm”.

Giá khí đốt chuẩn đã giảm 20% so với mức kỷ lục được thiết lập vào tháng 8 và mặc dù lo ngại rằng giá rẻ hơn có thể kích thích nhu cầu, nhưng thực tế cho thấy việc sử dụng vẫn đang giảm. Ngân hàng Morgan Stanley trong một báo cáo cho biết mức tiêu thụ của châu Âu dự kiến sẽ thấp hơn khoảng 16% so với mức trung bình 5 năm trong suốt năm 2023.

Mùa đông ấm áp đã cứu châu Âu thoát khỏi khủng hoảng năng lượng? - Ảnh 1.

Các bể chứa tại trạm khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh: AFP/TTXVN

Các điều kiện thuận lợi và việc mở rộng năng lực tái tạo cũng đang giúp ích. Theo S&P Global, năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời sẽ giúp cắt giảm 39% sản lượng điện khai thác bằng khí đốt tại 10 thị trường năng lượng lớn nhất châu Âu trong năm nay. Bên cạnh đó, theo Morgan Stanley, giao hàng LNG đã lập kỷ lục mới vào tháng 12 và xu hướng này có thể sẽ tiếp tục.

Bất chấp những diễn biến tích cực, rủi ro vẫn tồn tại. Nhập khẩu khí đốt qua đường ống của Nga trong năm 2023 sẽ chỉ bằng 1/5 mức thông thường - khoảng 27 tỷ mét khối - và có nguy cơ Điện Kremlin cắt hoàn toàn nguồn cung.

Nhà nghiên cứu Anne-Sophie Corbeau tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia (Mỹ) đánh giá đó là một mức giảm khổng lồ đối với thị trường vốn tiêu thụ 400 tỷ mét khối khí đốt trong năm 2021. Do đó, LNG sẽ rất quan trọng để đảm bảo đủ nguồn cung cho mùa Đông tới và châu Âu sẽ cần phải cảnh giác. Sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc cũng có thể gây ra cạnh tranh.

Khủng hoảng khí hậu đã góp phần giảm nhu cầu sưởi ấm mùa Đông này và các kiểu thời tiết ngày càng biến động vẫn có thể gây ra những đợt lạnh, chẳng hạn như đợt lạnh giảm sâu càn quét qua Mỹ vào Giáng sinh 2022. Bà Corbeau cho biết, để đảm bảo dự trữ suôn sẻ vào mùa Hè, cần rất nhiều yếu tố, trong đó có nguồn cung cấp điện ổn định từ các máy phát điện gió, hạt nhân và thủy điện, dòng LNG ổn định và tiếp tục tiết kiệm năng lượng.

Công ty Anh Wood Mackenzie nhận định: “Châu Âu có thể đang ở một vị thế tốt hơn so với lo ngại trước đây, nhưng nó vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn”.

Theo Hà Linh

Báo tin tức

Trở lên trên