Mua hẳn 6 chiếc Rolls-Royce chỉ để... chở rác, vị vua Ấn Độ khiến giới kinh doanh sững sờ nhưng tâm phục khẩu phục khi biết lý do thực sự đằng sau
Như nhiều nhân vật hoàng gia giàu có khác, các vị vua Ấn Độ cũng rất thích mua siêu xe để làm phương tiện di chuyển, sưu tầm hoặc kỳ lạ hơn là dùng để đi săn hổ. Tuy nhiên, dùng Rolls-Royce để đi gom rác thì cả thế giới có lẽ chỉ có một người dám làm.
- 15-08-2020Chuyện chưa kể về tỷ phú giàu thứ 2 Philippines: Tuổi thơ nghèo khổ, vừa học vừa bán cá tới lúc thành "ông trùm" vẫn chỉ đi xe bình dân
- 14-08-2020Bài học từ vị tỷ phú mang duy nhất một đôi giày suốt cả năm: Dù giàu hay nghèo, có 1 thứ không được thay đổi
- 13-08-2020Cậu bé bán cá trở thành tỷ phú giàu nhất Philippines: Vẫn lái chiếc Toyota đời cũ, xây cả nghìn ngôi nhà nhưng không có văn phòng làm việc
Trước khi Thế chiến I nổ ra, ước tính có khoảng 20.000 chiếc Rolls-Royce được sản xuất trên thế giới. 20% trong số đó thuộc về các vị vua Ấn Độ, hay còn gọi là các maharaja: Trung bình, mỗi người sở hữu khoảng 3-5 mẫu siêu xe. Có khoảng 230 vị vua đã từng tại vị trong lịch sử, đồng nghĩa với khoảng 900 chiếc xe đã được bán ra từ năm 1908 đến năm 1939.
Một trong những giai thoại nổi tiếng nhất giữa các vị vua Ấn Độ và siêu xe Rolls-Royce thuộc về Jai Singh - vị vua xứ Alwar, tiểu bang Rajasthan.
Năm 1920, khi đang đi dạo trên đường phố London (Anh), vua Jai Singh đã nhìn thấy một chiếc Rolls-Royce Phantom II Tourer đang được trưng bày trong showroom. Ông quyết định bước vào cửa hàng, tìm hiểu về giá cả cũng như các đặc điểm nổi bật của chiếc xe.
Tuy nhiên, khi ấy vua Jai Singh ăn mặc khá xuề xoà, trông chẳng khác gì một người dân bình thường. Chính vì vậy, nhân viên bán hàng người Anh đã tỏ ý coi thường và đuổi khéo vị vua này ra ngoài, cho rằng ông đang làm lãng phí thời gian của mình.
Jai Singh - vị vua xứ Alwar, tiểu bang Rajasthan (Ấn Độ)
Ngay lập tức, Jai Singh trở về khách sạn, yêu cầu người hầu gọi điện đến showroom để thông báo rằng vị vua xứ Alwar muốn mua vài chiếc xe Rolls-Royce. Sau đó, ông xuất hiện ở cửa hàng với hoàng bào chỉnh tề, được các nhân viên trải thảm đỏ và đứng xếp hàng tiếp đón vô cùng cao quý.
Sau khi chọn xong 6 mẫu siêu xe và trả tất cả bằng tiền mặt, vị vua xứ Alwar nói với người quản lý: “Ta sẽ mua hết mấy cái này, nhưng với một điều kiện duy nhất. Đó là, chàng trai trẻ này phải vận chuyển chúng tới Ấn Độ”. Cậu nhân viên bán hàng mừng rỡ làm theo, bỏ mặc những ánh mắt ghen tị của đồng nghiệp.
Vào ngày hẹn, cả 6 chiếc Rolls-Royce đỗ ngay ngắn trước cổng cung điện của nhà vua, với lớp sơn bóng bảy và tiếng động cơ vang lên đầy khoẻ khoắn. Cuối cùng Jai Singh cũng xuất hiện, hài lòng gật đầu khi nhìn thấy những chiếc xe. Thế rồi, ông ra lệnh cho chính quyền thành phố dùng chúng để đi thu gom và chở rác trước ánh mắt ngỡ ngàng của người nhân viên trẻ.
Một trong số những chiếc xe Rolls-Royce của nhà vua.
Câu chuyện kỳ lạ này nhanh chóng gây xôn xao dư luận, khiến cho uy tín của nhà sản xuất siêu xe bị tổn hại nặng nề, còn doanh thu thì giảm sút. Những người từng vui mừng và tự hào vì được sở hữu Rolls-Royce nay lại cảm thấy xấu hổ vì siêu xe mình lái cùng dòng với những chiếc xe dùng để chở rác tại Ấn Độ. Danh tiếng của hãng Roll-Royces gần như tụt dốc không phanh trên toàn thế giới.
Ngay lập tức, công ty đã nhận ra sai lầm của mình và gửi điện báo xin lỗi tới vua Jai Singh về cách cư xử của đội ngũ nhân viên tại Anh. Bên cạnh đó, họ cũng tặng thêm 6 chiếc Rolls-Royce khác cho vị vua này, tất cả đều hoàn toàn miễn phí. Điều này đã khiến vị vua xứ Alwar nguôi giận phần nào: ông chấp nhận lời đề nghị và yêu cầu thành phố dừng sử dụng những chiếc siêu xe kia để chở rác.
“Chuyện này đã hằn sâu vào trí nhớ của các thế hệ trong gia đình”, vị vua hiện tại của xứ Alwar - Jeetender Singh - cho biết. “Chúng tôi có lẽ là hoàng tộc duy nhất được phép mua bất kỳ loại xe nào trừ Rolls-Royce. Gia đình tôi sở hữu vô số siêu xe cổ, nhưng lại chẳng có một chiếc Rolls-Royce nào”.
Chiếc xe Rolls-Royce được dùng làm xe thu gom rác thải trên đường phố Ấn Độ.
Giai thoại trên đã trở thành bài học để đời cho các doanh nhân và nhân viên bán hàng, thậm chí còn trở thành ví dụ trong cuốn sách “Luxury Marketing: A Challenge Theory and Practice” (Marketing Hàng hoá Cao cấp: Thách thức về Lý thuyết và Thực hành) của Wiedmann và Hennigs.
Đừng bao giờ đánh giá một cuốn sách chỉ qua chiếc bìa, cũng như đừng bao giờ đánh giá khách hàng chỉ bởi vẻ bề ngoài. Đôi khi, những người mà bạn cho rằng ăn mặc quá giản dị và bình thường ngoài kia lại là các vị khách VIP đủ khả năng để mua vài chiếc túi Hermes, giày Prada hay xe Rolls-Royce đáng giá cả gia tài.
(Theo Elite Reader, Telegraph, Autojosh)