Mua hàng online - Thật giả lẫn lộn
Bên cạnh những trang mạng bán hàng uy tín vẫn có không ít cá nhân, tổ chức đưa hàng giả, kém chất lượng ra thị trường.
- 17-03-2016Mua thuốc qua mạng, nhà thuốc chưa đăng ký: Cẩn thận thuốc giả
- 02-02-2016Đủ chiêu lừa thực phẩm quê qua mạng
- 03-05-2014Mua hàng qua mạng vẫn phập phồng
Chỉ cần ngồi một chỗ với chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối mạng, người tiêu dùng có thể mua được bất cứ thứ gì từ thực phẩm tươi sống đến đồ gia dụng, mỹ phẩm, quần áo thời trang...thông qua internet. Bên cạnh những trang mạng bán hàng uy tín thì có không ít cá nhân, tổ chức đã lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng và sự lỏng lẻo của cơ quan chức năng, trà trộn, đưa hàng giả, kém chất lượng ra thị trường, làm ảnh hưởng đến uy tín của những người làm ăn chân chính và giảm lòng tin của người tiêu dùng.
Nhiều người tiêu dùng đã phản ánh về việc họ bị lừa khi mua hàng trên mạng. Sản phẩm được quảng cáo rất đẹp nhưng thực tế khi nhận hàng lại khác xa so với hình được đăng trên mạng. Hoặc trên mạng quảng cáo sản phẩm nhập từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản...nhưng giao cho khách hàng sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc...
Anh Nguyễn Thành Trung, ở quận Cầu Giấy cho biết, do phải thường xuyên làm việc trên máy tính nên anh hay vào các trang bán hàng online, đặt mua các sản phẩm như đồng hồ, giầy dép, chăn, ga, gối cho gia đình. Tuy nhiên, càng ngày anh càng thấy thất vọng và không còn tin tưởng vào việc mua hàng qua mạng.
“Tôi đặt mua đôi giầy, nhìn trên mạng thì thấy đẹp và chất liệu bằng da thật. Tôi đặt mua và chuyển trước 20% giá tiền đôi giầy, nhưng khi nhận hàng thì thấy xấu, chất liệu giả da nhưng đã trót đặt mua thì phải lấy. Lần khác tôi mua 2 bộ ga, gối được quảng cáo là lụa tơ tằm, trông rất đẹp, giá 5 triệu/một bộ. Tôi phải trả tiền trước đến khi nhận hàng thì hoàn toàn không như hình ảnh đăng trên mạng. Rút kinh nghiệm từ giờ muốn mua gì thì ra cửa hàng xem trực tiếp, ưng thì mới mua”, anh Trung cho biết.
Chị Nguyễn Tuyết Nhung ở phố Nguyễn Tuân, Thanh Xuân cũng cho biết, không có thói quen mua hàng qua mạng nhưng khi thấy một trang bán hàng trên facebook quảng cáo chiếc váy của hãng thời trang có tiếng mà chị vẫn tin dùng, chị đã đặt mua và nhờ em gái ra cửa hàng lấy về. Tuy nhiên, khi tận mắt nhìn sản phẩm thì thấy khác xa so với hình ảnh đăng trên website.
“Váy đỏ nhìn trên web đẹp nhưng khi mua về thì xỉn và tối màu. Váy màu ánh kim của hãng Zara nhìn trên web rất đẹp nhưng thực tế thì giống như giấy bạc bị vò nát. Có lần đặt mua quả cheery của Mỹ nhìn hình rất tươi ngon, tôi đặt mua 2 kg với giá 400 kg nhưng khi nhận hàng thì ở trên là ngon nhưng ở dưới họ độn quả xấu, hỏng. Tôi có gọi điện phản ánh thì họ nói lần sau sẽ đền. Đến khi tôi đặt mua nữa thì họ lại bảo bán cả thùng chứ không bán lẻ”, chị Nhung bức xúc.
Không phải ai mua hàng online cũng phải nhận hàng hóa kém chất lượng. Có kinh nghiệm với việc mua hàng qua mạng, chị Nguyễn Kim Nhung ở quận Hà Đông cho biết chưa lần nào mua phải hàng hóa mà mình không ưng ý.
“Tôi thường mua ở những cửa hàng có uy tín được bạn bè giới thiệu hoặc mua ở những cửa hàng đã từng mua. Điều kiện tôi đặt ra của người mua là cửa hàng phải có hóa đơn và nếu khách hàng không ưng ý có thể đổi trả lại. Những cửa hàng kinh doanh có uy tín họ luôn chấp nhận điều này”, chị Nhung cho biết.
Với hơn 35 triệu người sử dụng Facebook, mỗi ngày có hàng nghìn lượt giao dịch qua mạng xã hội và không ít người trong số đó đã mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Chu trình mua bán hàng online thường là xem và chọn hàng qua hình, sau đó liên hệ để người vận chuyển mang đến tận nơi. Nguyên tắc giao dịch này tuy nhanh chóng, giúp người mua tiết kiệm thời gian nhưng lại dễ gặp nhiều rủi ro.
Một trong những “tai nạn” thường gặp nhất đó là sản phẩm nhận được khác xa trong hình. Không ít gian thương lấy cắp ảnh từ các trang web bán hàng uy tín trong nước hoặc nước ngoài để đưa ra chào hàng. Nhìn thấy hình ảnh đẹp cùng những lời cam kết của trang bán hàng, nhiều người tiêu dùng tin tưởng đặt mua và sản phẩm nhận được là hàng gia công, chất liệu xấu không thể sử dụng được. Khi khách hàng gọi điện thắc mắc thì các trang bán hàng này không trả lời hoặc xóa phản hồi trên của khách.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, kinh doanh qua mạng là xu thế tất yếu của cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên hiện nay, cơ quan chức năng vẫn chưa theo kịp để quản lý thị trường mới này. Thực tế, đã có nhiều người tiêu dùng mua qua mạng khiếu nại vì mua phải hàng hóa kém chất lượng. Nếu hàng hóa mua có địa chỉ rõ ràng thì theo quy định của pháp luật, người tiêu dùng vẫn được đền bù. Tuy nhiên, nếu mua phải hàng hóa của công ty, cửa hàng không có địa chỉ rõ ràng, địa chỉ ảo thì người tiêu dùng phải chịu thiệt.
“Khi mua hàng qua mạng người tiêu dùng phải hết sức quan tâm đến tính chính danh của trang mạng đó để quyết định mua, tránh rủi ro cho mình. Đặc biệt những quảng cáo thái quá có giá bán không bình thường thì người tiêu dùng không nên ham rẻ”, ông Hùng khuyến cáo.
Không tốn tiền thuê mặt bằng, kinh doanh tiện lợi, không bị kiểm soát và hầu như không bị cơ quan chức năng kiểm tra. Đây là những lý do khiến cho hình thức kinh doanh qua mạng ngày càng phát triển rầm rộ. Nếu để thực trạng này tiếp diễn và tiếp diễn một cách công khai, không được kiểm soát thì nhà nước sẽ thất thu thuế còn người tiêu dùng thì bị thiệt hại.
Cơ quan quản lý nhà nước chỉ kêu gọi người tiêu dùng cảnh giác và nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng sẽ là chưa đủ. Để người tiêu có cơ hội mua sắm và sử dụng hàng có chất lượng trong xu thế thương mại điện tử, rất cần có biện pháp mạnh từ phía cơ quan chức năng./.
VOV