Mùa hè đừng tiêu thụ quá nhiều loại nước này kẻo DNA bị tổn thương, ung thư tới ‘gõ cửa’
Một nghiên cứu khoa học được thực hiện tại Mỹ cho thấy sucralose trong một số loại đồ uống có thể làm tổn thương DNA và tăng nguy cơ mắc ung thư nếu tiêu thụ quá mức cho phép.
- 04-12-20224 món “trên mâm cơm phá hủy DNA”, làm viêm nhiễm tế bào trong người
- 06-07-202210 "siêu thực phẩm" chống hỏng DNA: ngừa ung thư, tim mạch và một loạt bệnh
- 02-04-2022Trong mâm cơm mỗi nhà thường có 4 món dễ gây viêm nhiễm, "phá hủy" DNA, tạo tế bào ác tính và gây ung thư nhưng chẳng ai để tâm
Vào mùa hè, nhiều người lựa chọn những thức uống có vị ngọt hoặc nước tăng lực để giải khát và để tỉnh táo hơn trong cái nắng oi ả. Nhiều người còn ‘cẩn thận’ sử dụng các loại nước dành riêng cho người ăn kiêng với mục đích cắt giảm lượng đường tiêu thụ. Các loại nước này thường được thêm sucralose - một loại chất làm ngọt nhân tạo không chứa calo.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây cho thấy sucralose có thể gây ra hội chứng rò rỉ ruột hoặc tăng nguy cơ mắc ung thư nếu tiêu thụ vượt ngưỡng cho phép.
Nghiên cứu được công bố trên Journal of Toxicology and Environmental Health.
Chất làm ngọt nhân tạo và nguy cơ ung thư
Sucralose là một chất làm ngọt nhân tạo được sử dụng trong sữa chua, kem, kẹo và một số loại đồ uống, nước tăng lực dành cho người ăn kiêng.
Một nhóm các nhà nghiên cứu ở Mỹ đã tìm hiểu tác động của các chất này tới sức khỏe con người. Theo đó, họ phát hiện một loại chất sinh độc (genotoxic) sẽ được hình thành khi cơ thể tiêu hóa chất làm ngọt trên. Chất này có thể phá hủy và làm tổn thương DNA.
Chất sinh độc này có tên là sucralose-6-acetate, được sản sinh trong đường ruột sau khi chúng ta tiêu thụ sucralose.
Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy một lượng chất này trong sucralose. Điều này có nghĩa là sucralose-6-acetate có sẵn trong sucralose trước khi sucralose được tiêu thụ.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sucralose-6-acetate là một chất sinh độc”, Giáo sư Susan Schiffman, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Đại học Bắc Carolina (Mỹ), nói.
“Chúng tôi cũng phát hiện sự hiện diện của sucralose-6-acetate trong sucralose, ngay cả khi loại chất làm ngọt này chưa được con người sử dụng”, nữ GS cho biết thêm.
Quá trình thực hiện nghiên cứu
Nghiên cứu này được thực hiện trong ống nghiệm. Theo đó, các nhà nghiên cứu đã cho tế bào máu người tiếp xúc với sucralose-6-acetate. Họ quan sát thấy sucralose-6-acetate “có thể phá vỡ DNA trong các tế bào có tiếp xúc với nó”.
Các nhà nghiên cứu cũng cho các mô ruột tiếp xúc với sucralose và sucralose-6-acetate. Kết quả cho thấy cả 2 hóa chất này đều có thể gây ra hiện tượng rò rỉ ruột.
GS Schiffman giải thích: “Về cơ bản, 2 hóa chất này khiến cho thành ruột mỏng hơn. Sau đó, chúng sẽ phá hủy các liên kết giữa các tế bào của thành ruột và gây ra hiện tượng rò rỉ. Rò rỉ ruột là một vấn đề nghiêm trọng bởi những chất đáng lẽ sẽ được đào thải khỏi cơ thể qua phân lại bị rò rỉ qua đường ruột và đi vào mạch máu”.
Các nhà nghiên cứu cũng quan sát hoạt động di truyền của các tế bào đường ruột để xem chúng phản ứng thế nào với sucralose-6-acetate.
“Chúng tôi nhận thấy các tế bào đường ruột tiếp xúc với sucralose-6-acetate có sự gia tăng các hoạt động trong gene có liên quan tới căng thẳng oxy hóa, viêm nhiễm và khả năng ung thư”, GS Schiffman nói.
Căng thẳng oxy hóa xảy ra khi trong cơ thể có sự mất cân bằng giữa các gốc tự do - phân tử không ổn định có thể gây tổn thương tế bào, dẫn tới lão hóa và bệnh tật - và các chất chống oxy hóa.
Những nghiên cứu trước đây cho thấy sucralose có thể làm giảm phản ứng miễn dịch đối với ung thư và một số bệnh khác.
Dùng bao nhiêu sucralose có thể gây hại cho cơ thể?
Nhóm nghiên cứu cho biết nghiên cứu của họ có thể gây nghi ngờ về ngưỡng tiêu thụ chất làm ngọt nhân tạo hàng ngày do các cơ quan sức khỏe đặt ra.
“Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) đã đưa ra ngưỡng quan ngại về độc tính đối với tất cả các chất gây độc gene là 0,15mcg/người/ngày”, GS Schiffman giải thích.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng hàm lượng sucralose-6-acetate trong một thức uống có đường sucralose mà bạn tiêu thụ hàng ngày có thể vượt quá ngưỡng đó. Mức này thậm chí còn chưa tính đến lượng sucralose-6-acetate được tạo ra dưới dạng chất chuyển hóa sau khi mọi người tiêu thụ sucralose.”
EFSA coi việc tiêu thụ chất làm ngọt nhân tạo như sucralose là an toàn nếu được sử dụng ở mức cho phép.
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương Quốc Anh (NHS), các cơ quan chức năng tại vương quốc này đã đặt ra lượng tiêu thụ hàng ngày có thể chấp nhận được khi “bật đèn xanh” cho việc sử dụng chất làm ngọt nhân tạo trong thực phẩm và đồ uống. Theo đó, mức ở trên là lượng tối đa được coi là an toàn để tiêu thụ mỗi ngày.
Mặc dù việc bổ sung các chất làm ngọt có thể hữu ích trong việc giảm lượng đường nạp vào cơ thể, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bất cứ loại thực phẩm nào mà bạn đang tiêu thụ có chứa các chất đó sẽ trở nên lành mạnh hơn.
Nguồn: The Sun
Trí thức trẻ