Mua iPhone trả góp: Xu hướng chi tiêu thông minh hay chỉ là tâm lý FOMO?
Bạn có muốn sở hữu chiếc iPhone mới ra nhanh nhất thị trường?
- 09-09-2022Du khách Việt theo chân người du mục trên thảo nguyên Mông Cổ
- 09-09-2022Trong khách sạn, phòng nào sẽ được ưu tiên dọn trước?
- 08-09-2022Khám phá món xôi thịt hon độc đáo nhưng vô tình ‘bị lãng quên’ ở Huế
Sự kiện iPhone 14 ra mắt đã được nhiều bạn đón chờ. Bên cạnh đó, cũng không ít người suy nghĩ xem liệu có nên mua iPhone ngay trong thời gian ra mắt hay không.
Tuy nhiên, giá của iPhone là một con số khá lớn với những người trẻ. Một hình thức mua sắm đang đặc biệt được nhiều người nhắc đến, giúp dễ dàng sở hữu iPhone hơn đó là mua trả góp. Song, liệu đây có phải là phương thức được nhiều bạn trẻ lựa chọn? Tâm lý nào khiến cho nhiều người trẻ không ngần ngại chi số tiền nhiều hơn để trở thành một trong những người sở hữu chiếc điện thoại đầu tiên?
Giới trẻ có còn thích mua điện thoại trả góp?
Sau sự kiện ra mắt iPhone 14, khi được hỏi có đổi máy không, Phương Uyên (24 tuổi), chia sẻ rằng cảm thấy hài lòng với chiếc máy hiện tại của mình, đủ để phục vụ cho nhu cầu mình nên không muốn chi tiền mua máy mới trong thời gian này.
Bên cạnh đó, dù mua máy trả góp đang trở thành hình thức nhiều người trẻ sử dụng để mua những sản phẩm có giá trị lớn như điện thoại hay máy tính, Phương Uyên cho rằng nếu mua iPhone mới sẽ không chọn mua góp.
"Hiện tại, mình đã đi làm nên thoải mái hơn trong tài chính, cũng đủ khả năng để mua đứt 1 chiếc điện thoại. Hơn thế nữa, lúc trước mình từng mua trả góp rồi, nhưng mình không thích cảm giác mang nợ ấy, tâm lý không thoải mái, tháng nào cũng phải lo nhớ hạn để trả, nếu không sẽ được gọi nhắc nhở liên tục. Có điều kiện, mình muốn trả luôn để được giá gốc và cũng không phải lo nghĩ", Phương Uyên chia sẻ.
Phương Uyên
Tường Anh (20 tuổi) cũng là người không muốn mua iPhone trả góp. "Đôi lúc mình chi tiêu khá mất kiểm soát, tiêu xài khá vô lý, mình sợ bản thân xài luôn cả tiền trả góp hàng tháng. Thời gian trả góp khá lâu có thể vài tháng đến vài năm, những chuyện liên quan đến tiền, mình muốn thực hiện dứt điểm".
Mặt khác, Thắng, 27 tuổi mỗi năm đều đổi điện thoại và dùng phương thức trả góp. "Mình mua điện thoại mới để thỏa mãn cảm xúc. Mình không mua đứt bởi vì tiền đó có thể quay vòng đầu tư. Lãi từ những khoản đầu tư đó có thể quay vòng để dành cho tiền lãi trả góp. Mình làm sao để cấu trúc vốn hoạt động tốt nhất. Và phải biết cân đối tài chính ngay từ đầu dù là mua vì cảm xúc".
Thắng
Khi mua điện thoại, yếu tố cảm xúc chưa chắc đã kém quan trọng hơn tiền bạc
Điện thoại, chẳng hạn như iPhone lúc vừa mở bán giá sẽ cao hơn đặc biệt so với 6 tháng - 1 năm sau, tuy nhiên vẫn có nhiều người trẻ lựa chọn mua ở thời điểm này. Chưa kể đến, có rất nhiều người vì mong muốn là người sở hữu những chiếc điện thoại đầu tiên nên không ngần ngại mua hàng xách tay với giá cao hơn thị trường, hay chấp nhận trả góp với lãi suất khá cao.
Trong chuyện này, Tường Anh cho rằng một bộ phận người trẻ đang bị "lạc" vào cảm giác hơn thua với người khác, nhất là trong chuyện vật chất. "Một số muốn mình là người đầu tiên đạt được cảm giác thỏa mãn nào đó về cảm xúc như là 1 thành tựu".
Tường Anh
Nhiều người trẻ hiện nay thường xuyên mắc phải hội chứng FOMO, nỗi sợ bị bỏ rơi, khi những người xung quanh có điện thoại mới mà bản thân không có như đang đi ngược lại đám đông. Đây cũng là 1 trong những điều khiến người trẻ mua điện thoại ngay khi vừa ra mắt.
Phương Anh, 26 tuổi cho rằng việc mua điện thoại mới lúc nào là do sở thích mỗi người. "Có những bạn đam mê công nghệ thật sự và luôn mong muốn sở hữu những thứ đó ngay lập tức chẳng hạn. Tuy nhiên, mình không khuyến khích việc chạy đua nếu không đủ khả năng tài chính và coi việc sở hữu những chiếc iPhone mới như là cách để thể hiện việc bản thân sành điệu hay có tài chính dư dả".
Cũng giống như Phương Anh, Việt Anh, 29 tuổi, cho rằng điều này là vấn đề sở thích mỗi người. "Miễn là đừng cầm cố để mua niềm vui là được. Còn khi mua đồ, mình nghĩ yếu tố cảm xúc chưa chắc đã kém quan trọng hơn tài chính. Để cân đối 2 yếu tố này, mình thường đặt mức trần ngân sách khi mua đồ".
Việt Anh
Chi tiêu mua điện thoại sao cho không bị "rỗng ví"?
Điện thoại ngày càng trở thành "vật bất ly thân" của nhiều bạn trẻ, trở thành món đồ được liệt kê vào danh sách đáng đầu tư và thường xuyên thay đổi cho phù hợp với công việc. Vậy làm sao để quyết định mua máy mới đỡ "đau đầu" hơn trong khi lập ngân sách chi tiêu?
Hạ Linh, 23 tuổi, cho rằng đầu tiên cần phải hiểu điện thoại chỉ là vật ngoài thân, công nghệ phục vụ con người chứ không phải để mình phụ thuộc vào nó.
"Đánh giá xem những tính năng mới của điện thoại cũ có giúp ích mình hơn không. Khi chi vài chục triệu để mua điện thoại, liệu nó có giúp mình cải thiện thu nhập hay không, dù là chủ động như là làm việc trên điện thoại hay thụ động là cảm xúc thỏa mãn khi sở hữu", Hạ Linh bày tỏ.
Với Phương Anh, cô bạn nhấn mạnh hãy chi tiêu mọi thứ trong khả năng của bản thân và phù hợp với tính chất công việc. "Nếu mua mà nằm trong khả năng tài chính của bản thân, mình nghĩ đó là sự lựa chọn và sở thích còn nếu ngoài khả năng thì sẽ thành gánh nặng tài chính nếu cứ cố chạy đua theo".
Phương Anh
Bên cạnh đó, Thắng cho rằng điện thoại cũng chỉ phương tiện cho 1 mục đích cụ thể nào đó. Nếu không giải quyết được bài toán mua để làm gì, không nên chi tiêu. Mua vì cảm xúc thì nên dư dả tài chính. "Mua hay không phụ thuộc vào sự cân đối tài chính và mục đích sử dụng, đem lại hiệu suất gì".
Ảnh: NVCC
Trí thức trẻ