Mùa kiểm toán 2016: Vẫn còn quá nhiều cú sốc
Mùa báo cáo kiểm toán năm 2016 tiếp tục chứng kiến quá nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh kết quả kinh doanh giảm mạnh so với báo cáo tự lập trước đó. Điều này thực sự đem lại không ít thiệt hại cho nhà đầu tư và qua đó dần đánh mất niềm tin.
- 13-04-2017Treo lại khoản lỗ chênh lệch tỷ giá, Vinacomin Power (DTK) tăng hơn 450 tỷ đồng lãi sau kiểm toán
- 10-04-2017Kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến, cổ phiếu HDO của Hưng Đạo Container đối diện nguy cơ bị hủy niêm yết
- 04-04-2017DIC Corp (DIG) "bốc hơi" 23% lợi nhuận cả năm sau kiểm toán, hoàn thành 56% chỉ tiêu lợi nhuận năm
HVG – lãi đậm sang lỗ
Khác niên độ tài chính nên CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG) vốn đã kết thúc năm 2016 từ tháng 9 và kết quả công bố thời điểm đó làm mát lòng nhà đầu tư với khoản lợi nhuận 308 tỷ đồng, tăng trưởng 140%. Trước khi công bố BCTC năm 2016 thì HVG còn đưa ra Nghị quyết HĐQT về ước doanh thu trên 20.000 tỷ và lãi trước thuế trên 500 tỷ đồng. Những thông tin tích cực đã đẩy giá cổ phiếu HVG lình xình dưới 10.000 đồng lên 11.300 đồng tính đến giữa tháng 10/2016.
Song, BCTC kiểm toán 2016 được công bố vào đầu tháng 2/2017 lại khiến nhà đầu tư sửng sốt với khoản lỗ ròng 49 tỷ đồng do doanh thu thuần bị hụt đi hơn 2.000 tỷ đồng, hoạt động liên doanh liên kết bị lỗ thay vì báo lãi trước đó và chi phí quản lý có sự gia tăng. Đây cũng là năm đầu tiên HVG báo lỗ kể từ khi niêm yết.
Theo đó, giá cổ phiếu cũng đổ đèo liên tục xuống mức 6.000 đồng/cp và hiện nay vẫn chưa phục hồi do kết quả kinh doanh quý 1 niên độ tài chính 30/09/2016 – 01/10/2017 không khả quan khi lợi nhuận ròng của cổ đông công ty mẹ giảm đến 76% so với cùng kỳ năm trước về mức gần 10 tỷ đồng.
HQC – từ nỗi thất vọng này đến thất vọng khác
Kết quả kinh doanh năm 2016 của CTCP TV – TM – DV Địa ốc Hoàng Quân (HOSE: HQC) được công bố đã đem lại nỗi thất vọng lớn cho nhà đầu tư khi lợi nhuận thực hiện được chênh lệch quá lớn so với kế hoạch đặt ra.
Cụ thể, với thành công đạt được trong năm 2015, HĐQT Hoàng Quân đã rất tự tin đặt ra mục tiêu doanh thu 7.417 tỷ và lãi sau thuế 500 tỷ đồng. Đặc biệt, bản thân ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty còn chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 rằng đây là kế hoạch thận trọng vì lợi nhuận có thể đạt được mức 700 – 800 tỷ đồng.
Thế nhưng, theo báo cáo tài chính 2016 tự lập, doanh thu thuần của HQC năm 2016 đạt 1.245 tỷ đồng và lãi sau thuế 112 tỷ đồng, thực hiện chỉ lần lượt 17% và 22% kế hoạch năm. Chưa dừng ở đó, sau khi kiểm toán vào cuộc thì con số doanh thu và lợi nhuận của HQC tiếp tục bị bào mòn thêm 225 tỷ đồng doanh thu thuần và 90 tỷ đồng lãi ròng. Như vậy, con số doanh thu thuần thực tế của HQC chỉ dừng ở 1.020 tỷ và lãi sau thuế xấp xỉ 20 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía đơn vị, nguyên nhân chênh lệch trước và sau kiểm toán là do giai đoạn cuối năm 2016, các căn hộ của dự án mà Công ty đầu tư đã hoàn thành và sẵn sàng bàn giao cho khách hàng nên ghi nhận doanh thu dựa trên thông báo bàn giao cho khách hàng. Tuy nhiên, vì số lượng căn hộ cần bàn giao quá nhiều nên một số khách hàng không kịp nhận căn hộ vào cuối năm 2016 mà chuyển sang nhận căn hộ vào tháng 1/2017.
Với liên tiếp các cú sốc đem lại cho thị trường thì không quá khó hiểu khi giá cổ phiếu HQC đã giảm mạnh từ mức 4.900 đồng từ cuối tháng 11/2016 xuống 2.400 đồng ở thời điểm hiện tại, mất đi 50% giá trị.
Còn nhiều cú sốc khác
Mới đây, Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX: PVX) đã công bố BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2016 và kết quả là lãi ròng “bốc hơi” đến 42% so với báo cáo tự lập giảm từ 157 tỷ về 92 tỷ đồng. Nguyên nhân được xác định là do báo cáo kết quả kinh doanh của các công ty con có nhiều thay đổi sau kiểm toán làm Tổng công ty phải đánh giá lại một số khoản trích lập dự phòng, các khoản thu khó đòi, lợi nhuận chưa thực hiện và các khoản thu tài chính tại một vài công ty con.
Còn chi phí quản lý bất ngờ tăng mạnh gần gấp 3 lần lên 66 tỷ đồng sau kiểm toán là lý do làm lãi ròng của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HOSE: ITA) giảm gần 30% về mức 38 tỷ đồng. Hay chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng cao khiến lãi ròng CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF (HNX: KLF) “bay hơi” 75% chỉ còn đạt vỏn vẹn 3,5 tỷ đồng. Ở một trường hợp khác, do phải gánh lỗ thêm gần 18 tỷ đồng từ công ty liên kết mà CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (HOSE: DIG) cũng đành ngậm ngùi báo lãi sau thuế giảm 23% chỉ còn đạt 65,6 tỷ đồng sau kiểm toán.
Bên cạnh lãi giảm thì PVX còn bị đơn vị kiểm toán lưu ý việc dư nợ vay ngân hàng quá hạn tại ngày 31/12/2016 là gần 300 tỷ đồng, lỗ hợp nhất lũy kế vào khoảng 2.970 tỷ đồng và các vấn đề khác có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của Tổng công ty trong 12 tháng tới.
Trong khi đó, ITA thì bị nhấn mạnh ở các khoản vay trị giá 1.492 tỷ đồng, trong đó gần 163 tỷ nợ quá hạn trong năm 2016 và 285 tỷ đến hạn thanh toán khi kết thúc năm 2017. Các vấn đề này theo kiểm toán là tồn tại yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của ITA.
Hy hữu hơn là CTCP Hưng Đạo Container (HNX: HDO), đơn vị kiểm toán đã từ chối đưa ra ý kiến đối với BCTC năm 2016. Nguyên nhân đơn vị kiểm toán đưa ra là do hạn chế từ HDO mà không thể kiểm kê tiền mặt, hàng tồn kho và tài sản cố định khác tại thời điểm 31/12/2016 và bằng các thủ tục kiểm toán thay thế cũng không thể đưa ra ý kiến về các khoản mục này được.
Đồng thời, đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán, đơn vị kiểm toán cũng chưa nhận được xác nhận liên quan đến các khoản công nợ phải thu khách hàng, trả nợ người bán ngắn hạn, phải thu khác, phải trả người bán ngắn hạn, người mua trả tiền trước ngắn hạn và thuế phải nộp Nhà nước.
Cuối cùng, một vấn đề có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của HDO là bị Chi cục thuế quận Bình Thạnh thi hành các quyết định cưỡng chế như phong tỏa tài khoản, thu hồi hóa đơn và đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM rút giấy đăng ký kinh doanh do tình trạng nợ đọng tiền thuế nhiều năm.