MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mưa lớn nhưng sai địa điểm, thủy điện Trung Quốc 'hụt hơi'

24-08-2023 - 07:38 AM | Tài chính quốc tế

Mưa lớn nhưng sai địa điểm, thủy điện Trung Quốc 'hụt hơi'

Trong khi mưa lớn xảy ra ở khu vực miền Bắc Trung Quốc, các tỉnh phía Nam, cái nôi của thủy điện lại chịu tình trạng hạn hán kéo dài.

Phía Bắc mưa lớn

Bão Doksuri đã mang theo một số trận mưa lớn nhất được ghi nhận trong vòng 140 năm ở Trung Quốc vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8, gây lũ lụt nghiêm trọng ở tỉnh Hà Bắc và các thành phố trũng thấp xung quanh Bắc Kinh.

Theo Cục Khí tượng Bắc Kinh, thành phố đã ghi nhận lượng mưa 744,8mm, là lượng mưa lớn nhất trong ít nhất 140 năm qua. Đây được coi là một sự kiện cực đoan, hiếm gặp đối với Bắc Kinh.

Một đoạn video do CCTV phát sóng cho thấy, một cây cầu đường bộ ở Bắc Kinh đã bị gãy làm đôi với hàng ô tô xếp hàng dài phía trên trong khi nhiều phương tiện bị dòng sông phía dưới cuốn trôi.

Một đoạn video khác cũng ghi lại cảnh một hố sụt xuất hiện bên ngoài một trung tâm thương mại phía tây Bắc Kinh hay nước đổ thành dòng ở sân bay Đại Hưng.

Mức độ nghiêm trọng của trận lũ lụt đã khiến nhiều người Trung Quốc bất ngờ bởi Bắc Kinh thường có mùa hè khô ráo. Trước cơn bão, Bắc Kinh vừa trải qua năm đợt nắng nóng kỷ lục.

Phía Nam hạn hán

Nhưng ở miền nam Trung Quốc, nơi chiếm phần lớn tổng sản lượng thủy điện của cả nước, hạn hán bắt đầu từ giữa năm 2022 vẫn tiếp diễn, hạn chế sản lượng thủy điện và buộc phải phụ thuộc nhiều hơn vào than đá.

Trung Quốc đã tạo ra 121 tỷ kilowatt giờ (kWh) từ thủy điện vào tháng 7/2023, giảm so với 146 tỷ kWh trong cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất kể từ năm 2015.

Khoảng trống về năng lượng đã được lấp đầy bằng nhiệt điện, chủ yếu từ than đá, đã tăng lên mức kỷ lục 600 tỷ kWh vào tháng 7/2023, so với 556 tỷ kWh của năm trước.

Trung Quốc cũng đẩy mạnh phát điện từ các điện gió và năng lượng mặt trời so với nhưng nếu không có nguồn điện bổ sung từ nhiệt điện thì không thể bù đắp được sự sụt giảm của thủy điện.

Trung Quốc hiện vẫn phải dựa vào trữ lượng than khổng lồ trong nước để đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh hạn hán ngay cả khi nước này tăng cường sản xuất năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Để đảm bảo các máy phát điện chạy bằng than có đủ nhiên liệu, sản lượng than trong nước đã tăng lên mức kỷ lục 2,672 triệu tấn trong 7 tháng đầu năm 2023, tăng từ mức 2,562 triệu tấn vào năm 2022. Nhập khẩu than cũng tăng lên mức kỷ lục 261 triệu tấn trong 7 tháng đầu năm.

Thủy điện "hụt hơi"

4/5 tổng sản lượng thủy điện của Trung Quốc đến từ các tỉnh dọc theo hệ thống sông Dương Tử và xa hơn về phía nam.

Theo Cục Thống kê Quốc gia, chỉ riêng hai tỉnh phía Tây Nam là Tứ Xuyên và Vân Nam đã chiếm gần một nửa (48%) sản lượng thủy điện của cả nước vào năm 2020.

Các khu vực miền Trung và miền Nam khác như Hồ Bắc, Quý Châu, Quảng Tây, Hồ Nam, Phúc Kiến, Quảng Đông và Trùng Khánh chiếm tổng thị phần lên tới 80% theo số liệu thống kê năm 2022.

Mưa lớn nhưng sai địa điểm, thủy điện Trung Quốc hụt hơi - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, khu vực này đã có lượng mưa thấp hơn nhiều so với mức trung bình kể từ giữa năm 2022, làm cạn kiệt nghiêm trọng lượng nước phía sau các đập thủy điện.

Lượng mưa trong khu vực tập trung vào các tháng 7 và tháng 8 khi giai đoạn ẩm ướt của gió mùa Đông Á đạt đỉnh và mang lại khoảng 1/3 tổng lượng mưa hàng năm.

Tuy nhiên, lượng mưa trên toàn khu vực thấp bất thường vào tháng 7 và tháng 8 năm ngoái và mô hình này đang lặp lại vào tháng 7 và tháng 8 năm nay.

Tại thành phố Yibin, trên biên giới Tứ Xuyên - Vân Nam, lượng mưa đạt tổng cộng 79mm vào tháng 7/2023 và 45 mm vào tháng 7/2022 so với mức trung bình là 191mm trong cùng tháng từ năm 2014 đến năm 2021.

Các chuyên gia cảnh báo, hạn hán trong những năm liên tiếp sẽ làm cạn kiệt nghiêm trọng nguồn thủy điện của Trung Quốc và làm giảm sản lượng cho đến ít nhất là giữa năm 2024.

Kể từ đầu mùa hè, phần lớn Trung Quốc đã phải chịu cái nắng nóng đặc biệt cao từ 35 độ C trở lên, đặc biệt là ở miền Bắc. Bắc Kinh đã trải qua 15 ngày nhiệt độ cao trong tháng 6 và đến giữa tháng 7.

Để đối phó với mức nhiệt độ này, nhu cầu làm mát tăng cao, dẫn đến nhu cầu điện cao điểm vào mùa hè. Trong quý 2, phụ tải trên lưới điện Bắc Kinh đã tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhiều phụ tải cao kỷ lục được ghi nhận ở các tỉnh Quảng Tây và Hải Nam.

Theo Wang Yawei, người đứng đầu bộ phận dịch vụ công và giảm nhẹ thiên tai khẩn cấp của Cục Khí tượng Trung Quốc, bất chấp mưa lớn và lũ lụt trên khắp Trung Quốc bắt đầu từ ngày 29/7, nhiệt độ cao có thể quay trở lại vào tháng 8, có thể khiến nhu cầu điện tăng thêm.

Theo Minh Khôi

Phụ Nữ Mới

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên