MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mua muối cứu diêm dân

24-06-2016 - 08:39 AM | Thị trường

Thời tiết thuận lợi cho việc SX muối là nguyên nhân khiến giá muối trong nước đang giảm sâu, khó tiêu thụ. Vì vậy, Chính phủ đã yêu cầu Bộ NN-PTNT chỉ đạo Tổng Cty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) mua tạm trữ muối niên vụ 2016.

Được mùa hóa lo

Theo Bộ NN-PTNT, cả nước hiện có 118 xã, 41 huyện thuộc 21 tỉnh, TP có nghề SX muối. Tính đến hết tháng 5/2016, diện tích muối cả nước ước đạt 14.839 ha. Trong đó, diện tích SX muối thủ công là 10.446 ha; muối công nghiệp đạt 4.313 ha. Sản lượng muối 5 tháng đầu năm 2016 ước đạt 827.359 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ 2015.

Do đặc thù của SX muối là theo mùa vụ nên lượng muối tồn chờ tiêu thụ trong niên vụ thường lớn dẫn đến giá muối từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm, nhất là tại khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Hiện muối loại tốt đang được bán với giá khoảng 300 nghìn đồng/tấn, loại xấu chỉ còn khoảng 200 nghìn đồng/tấn. Theo tính toán của diêm dân, muốn có lãi, giá muối bán ra phải đạt từ 400-500 nghìn đồng/tấn.

Ninh Thuận được xem là thủ phủ muối của cả nước với tổng diện tích hơn 3.500 ha, trong đó có gần 2.900 ha muối công nghiệp và trên 650 ha muối nền đất (muối do diêm dân SX theo phương thức truyền thống). Trong 3 tháng đầu năm 2016, sản lượng muối thu hoạch hơn 57.000 tấn, tăng gần 10.000 tấn so với cùng kỳ năm 2015.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, hàng trăm hộ làm muối đang đối mặt với nguy cơ phá sản khi các thương lái thu mua với giá chỉ từ 100-150 nghìn đồng/tấn muối nền đất và từ 350-400 nghìn đồng/tấn muối trên ruộng có trải bạt phân ô kết tinh. Nhiều diêm dân lao đao vì giá muối giảm 1/2 so với cùng kỳ.

Muối tồn đọng do khó tiêu thụ không phải là chuyện mới. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà quản lý, lần này muối tồn đọng và khó tiêu thụ đã diễn ra ở mức trầm trọng.

Lại cứu muối

Để tháo gỡ khó khăn, vừa qua, Bến Tre, Ninh Thuận, Bạc Liêu, TP Hồ Chí Minh… đã phối hợp các DN thu mua tạm trữ muối, đồng thời có nhiều chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho diêm dân. Nhưng do các DN thu mua với số lượng có hạn, hoặc giá thu mua chưa thỏa đáng, cho nên lượng muối tồn vẫn rất lớn.

Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ NN-PTNT chỉ đạo Vinafood 1 thực hiện nhiệm vụ mua tạm trữ muối niên vụ 2016 của diêm dân, bảo đảm việc mua tạm trữ có tính đến sản lượng muối của từng địa phương và ưu tiên mua tạm trữ tại nơi có muối tồn đọng lớn.

“Vinafood 1 sử dụng nguồn vốn nhà nước tại công ty mẹ để thực hiện nhiệm vụ mua tạm trữ muối niên vụ 2016. Tổng Cty có thể trực tiếp mua hoặc giao nhiệm vụ cho DN thành viên là các công ty TNHH MTV có chức năng kinh doanh muối thực hiện nhiệm vụ tạm trữ muối từ nguồn vốn nhà nước nêu trên”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Việc mua tạm trữ muối thực hiện theo cơ chế thị trường và đảm bảo mục tiêu bình ổn giá muối trên thị trường giúp cho người SX tiêu thụ muối với giá có lợi. Vinafood 1 tự chịu trách nhiệm về tiêu thụ, hiệu quả kinh doanh và có trách nhiệm hoàn trả lại nguồn vốn nhà nước sau khi tiêu thụ xong lượng muối tạm trữ.

“Ngoài ra, yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với Bộ NN-PTNT, UBND các tỉnh, TP có SX muối kiểm tra, giám sát việc mua muối tạm trữ; chỉ đạo các DN sản xuất hóa chất ưu tiên sử dụng muối trong nước nếu đáp ứng được yêu cầu chất lượng cho SX hóa chất và giá cả không quá cao so với muối NK”, văn bản của Phó Thủ tướng nêu rõ.

Ngày 22/6, Bộ NN-PTNT đã giao Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối họp với các đơn vị liên quan và Vinafood 1 để triển khai nhiệm vụ này.

Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng chia sẻ: “Bộ có kế hoạch tạm trữ 200.000 tấn muối trong dân. Nếu được mua tạm trữ sẽ bảo quản được muối tránh thiệt hại, bởi hiện nay các tỉnh phía Nam đang là mùa mưa, diêm dân không có kho chứa muối, bên cạnh đó còn làm cân bằng cung cầu, tạo điều kiện để giá muối tăng lên, nâng cao thu nhập cho bà con diêm dân”.

Đại diện đơn vị được giao nhiệm vụ tạm trữ muối, ông Trần Xuân Chính – Phó TGĐ Vinafood 1 cho biết thêm: “Chúng tôi cũng đã nắm được thông tin chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Tuy nhiên cụ thể kế hoạch tạm trữ muối như thế nào thì còn phải chờ sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT. Sau đó, chúng tôi sẽ lên kế hoạch và triển khai thực hiện ngay việc tạm trữ”.

SX muối ở nước ta hiện nay chủ yếu vẫn theo phương pháp thủ công, kỹ thuật lạc hậu, công tác nghiên cứu khoa học để ứng dụng vào SX muối chưa được quan tâm đúng mức.

Do đó, chất lượng muối chưa cao, dẫn đến nguồn cung trong nước thì dư thừa mà nhiều DN vẫn phải NK muối từ nước ngoài.

Vì vậy, theo các chuyên gia, về lâu dài, ngành muối cần có chính sách mang tính chiến lược cho phát triển ổn định và bền vững, kịp thời thay đổi phương thức SX hiện đại thông qua đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật.

Theo Văn Nguyễn

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên