MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mua nhà đất bằng giấy tay nên không được làm căn cước công dân, phải làm sao?

12-12-2022 - 06:45 AM | Bất động sản

Do mua nhà đất bằng giấy tay, hoặc mua chung cư chưa có sổ hồng, nhiều người chưa được cấp sổ thường trú, tạm trú và không được làm căn cước công dân gắn chip, gặp nhiều khó khăn khi xin đi học, đi làm...

Mua nhà đất bằng giấy tay nên không được làm căn cước công dân, phải làm sao? - Ảnh 1.

Lực lượng công an thu nhận thông tin cấp thẻ căn cước công dân gắn chip cho người dân để phục vụ việc cấp tài khoản định danh điện tử - Ảnh: Bộ Công an

    

Sáng 11-12, Hội đồng nhân dân TP tổ chức chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" tháng 12 chủ đề "Đăng ký và quản lý dân cư". Bà Phạm Quỳnh Anh, trưởng Ban pháp chế HĐND TP, điều hành chương trình.

Theo thông tin từ Công an TP.HCM, tính đến nay TP đã thu nhận 7 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chip, truyền dữ liệu về Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) hơn 6,5 triệu hồ sơ (tỉ lệ 96,7%) và đã trả cho người dân 5,5 triệu căn cước.

Tuy nhiên, công tác cấp căn cước cũng tồn tại một số hạn chế khó khăn.

Hoang mang khi mua nhà bằng giấy tay

Nêu ý kiến tại hội trường, ông Nguyễn Trường Giang - cử tri huyện Bình Chánh - cho biết trên địa bàn xã Vĩnh Lộc B có nhiều hộ dân sống ở các căn nhà xây dựng trên đất nông nghiệp, đất mua bán bằng giấy tay nên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do đó chưa được cấp sổ hộ khẩu thường trú, tạm trú và không được làm căn cước công dân gắn chip.

"Điều này gây khó khăn khi xin cho con em đi học, đi làm và làm nhiều thủ tục hành chính khác. Công an TP có những giải pháp gì?", ông Giang hỏi.

Vấn đề trên cũng là vướng mắc chung của người dân ở nhiều địa phương khác. Theo thượng tá Hồ Thị Lãnh - phó trưởng Phòng quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TP.HCM, trường hợp những hộ dân như trên thì công an địa phương sẽ có trách nhiệm trực tiếp hướng dẫn, cụ thể như sau:

Với những hộ dân đã có hộ khẩu ở nơi khác sẽ được hướng dẫn thu thập thông tin trên Cổng dữ liệu quốc gia về dân cư. Từ đó cấp số định danh cá nhân và người dân có thể làm căn cước.

Nếu người dân chưa có dữ liệu trên cổng này, cán bộ công an sẽ hướng dẫn người dân khai phiếu thu thập thông tin về dân cư, sau đó cấp số định danh và làm căn cước.

Những trường hợp người dân không đủ điều kiện để đăng ký thường trú, tạm trú theo quy định, cơ quan công an sẽ hướng dẫn người dân làm các thủ tục liên quan để khai báo nơi ở hiện tại. Sau đó sẽ được cấp thông báo số định danh cá nhân và giấy xác nhận thông tin về cư trú. Đây là 2 loại giấy tờ có thể thay thế sổ hộ khẩu để thực hiện giao dịch.

Nhiều chung cư chưa có sổ hồng

Mua nhà đất bằng giấy tay nên không được làm căn cước công dân, phải làm sao? - Ảnh 2.

Năm 2020, TP.HCM có hơn 20.000 căn hộ chung cư chưa được cấp hoặc bị "chậm" sổ hồng - Ảnh: TỰ TRUNG

TP.HCM có hơn 20.000 căn hộ chung cư chưa được cấp hoặc chậm cấp sổ hồng, việc làm căn cước công dân cho người dân ở các chung cư này cũng gặp khó khăn.

Bà Phan Thị Kim Loan - cử tri quận 12, TP.HCM - cho biết ở một số chung cư, người dân đã hoàn tất thủ tục tài chính với chủ đầu tư nhưng vẫn chưa được cấp sổ hồng khiến họ gặp nhiều khó khăn khi đăng ký cư trú.

Về vấn đề này, thượng tá Hồ Thị Lãnh giải đáp: người dân có thể chuẩn bị những giấy tờ để đăng ký thường trú, thứ nhất là hợp đồng mua bán nhà ở; thứ hai là giấy tờ chứng minh việc đã nhận nhà hoặc bàn giao nhà của doanh nghiệp đầu tư kinh doanh xây dựng có chức năng xây dựng để bán; thứ ba là xác nhận của UBND cấp xã về việc không tranh chấp quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất.

"Người dân sống ở các chung cư mà chưa có sổ hồng thì có thể căn cứ vào một trong những giấy tờ trên để đăng ký qua cổng dịch vụ công, hoặc đăng ký trực tiếp ở UBND phường xã nơi cư trú", bà Lãnh nói.

Cũng theo thượng tá Hồ Thị Lãnh, những trường hợp chưa đủ điều kiện để đăng ký thường trú, tạm trú, người dân phải liên hệ với công an phường xã để được hướng dẫn cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Rủi ro tiềm ẩn khi giao dịch nhà đất bằng vi bằng

Hiện nay, nhiều địa phương xuất hiện tình trạng cò đất hướng dẫn người mua lập vi bằng mua bán đất để thay thế cho hợp đồng chuyển nhượng. Tuy nhiên khi xảy ra tranh chấp, hoặc nhà đó xây dựng trái phép… thì người mua có nguy cơ mất trắng, bởi vi bằng không có giá trị pháp lý trong mua bán nhà đất.

Ông Nguyễn Văn Vũ - phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM - cho biết vi bằng là một văn bản ghi nhận lại một sự kiện, một hành vi có thật do thừa phát lại chứng kiến và công nhận vi bằng đó, theo yêu cầu của đơn vị cá nhân và tổ chức. Nó còn là chứng cứ để tòa án xem xét sự việc dân sự, hành chính.

Vi bằng không thể thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực văn bản hành chính khác. Như vậy việc mua bán nhà thông qua hình thức lập vi bằng là không đúng theo quy định của pháp luật.

"Sở Tư pháp khuyến cáo người dân khi thực hiện giao dịch mua bán nhà đất nên liên hệ cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ở đây là văn phòng công chứng, để thực hiện hợp đồng mua bán tài sản", ông Vũ nói.

Cẩm Nương

Tuổi trẻ

Trở lên trên