Mùa nước nổi về trễ, người dân An Giang mất nguồn thu
Mùa nước nổi về trễ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là với những hộ dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản.
Từ nhiều năm nay, mùa nước nổi về vừa mang phù sa phục vụ sản xuất về vừa mang nguồn lợi thủy sản lớn cho người dân trong khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, năm nay đã bước vào tháng 8, nhưng nước ở sông Tiền và sông Hậu luôn ở mức thấp, các nhánh của 2 con sông này luôn cạn kiệt, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt, đối với các hộ dân quanh năm sống bằng nghề đánh bắt thủy sản rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Cảnh đìu hiu tại các sông ở huyện An Phú.
Những ngày này, đến làng nghề làm lợp cá linh, ở cồn Cóc, ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng, huyện An Phú một địa phương đầu nguồn của tỉnh An Giang không khí ở đây đìu hiu, không còn nhộn nhịp như những năm trước.
Ông Nguyễn Văn Dân, đã hơn 30 năm gắn bó với nghề, và là người duy nhất trong Tổ đan lợp cá linh còn duy trì nghề truyền thống này cho biết, mọi năm dịp này gia đình ông và hàng chục hộ ở đây đang tất bật với việc đan lợp bán cho người dân địa phương và bán sang Campuchia. Tuy nhiên năm nay, người dân ở đây hầu như không ai làm lợp, do không có nước nên phải đi xa kiếm việc khác làm thuê.
"Hồi trước Campuchia họ đặt nhiều, dân đặt nhiều vì nước lớn. Năm nay nước nhỏ như thế này bà con người ta đi kiếm việc khác làm rồi. Ngày trước nhận làm lợp cho Campuchia là công có sẵn, khi đó người dân chưa đi Bình Dương. Còn bây giờ người ta đi hết rồi chỉ còn lại mấy ông già thôi", ông Dân tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Dân, ấp Phước Khánh, xã Phức Hưng, đã hơn 30 năm gắn bó với nghề, và là người duy nhất trong Tổ đan lợp cá linh còn duy trì nghề truyền thống.
Còn ông Nguyễn Văn Tòng, năm nay 68 tuổi, ở cồn Cóc, ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng vừa là Tổ trưởng tổ lợp cá linh, đồng thời là tổ trưởng tổ an ninh của ấp cho biết, những năm trước đây, mỗi mùa nước nổi, ở đây sản xuất khoảng 40.000 cái lợp vẫn không đủ bán.
Tuy nhiên năm nay nước rất thấp như những ngày của tháng 2 tháng 3. Không thấy nước đầu nguồn về nên bà con phải đi làm ăn xa. Ấp này, có khoảng gần 600 nhân khẩu, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 30% ở địa phương, chủ yếu là người già và trẻ nhỏ.
Ông Nguyễn Văn Tòng chia sẻ, không chỉ riêng làng nghề làm lợp cá linh, mà những làng nghề làm ngư cụ khác cũng vậy, không khí rất đìu hiu.
"Cảnh không có nước buồn lắm. Dân đi hết rồi, nhà không ai giữ hết. Có nhà đi hết luôn, có nhà thì chỉ còn 1-2 người à. Ngày trước có tổ chức đám cưới, một nhà đi 2-3 người. Bây giờ nhà đi có một người, có khi người ta không đến luôn vì phải đi làm. Mọi người đi Bình Dương hết rồi", ông Tòng cho hay.
Chưa có nước thượng nguồn về khiến các sông tại ĐBSCL cạn kiệt. |
Hàng năm, cứ bắt đầu từ tháng 6, nước lên mang phù sa từ thượng nguồn về 2 con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu; người dân tất bật chuẩn bị đón một mùa nước nổi.
Tuy nhiên, năm nay đã bước qua tháng 8, nước thượng nguồn vẫn chưa về, người dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản ở đầu nguồn gần như phải xếp xó bếp các dụng cụ đánh bắt. Thậm chí, những cái vó phải treo lơ lửng, cái dớn nằm chơ vơ dưới đáy sông, còn người thì hàng ngày ra ngóng vào trông mong cho mùa nước về.
Chia sẻ về mùa nước năm nay, ông Lê Văn Kháng, xã Phú Hội, huyện An Phú cho biết, năm nay nước lũ không về nên bà con gặp khó trong việc mưu sinh.
Người dân mòn mỏi ngóng mùa nước nổi. |
Trong thời gian chờ mùa nước nổi, gia đình ông nuôi cá lóc, nhưng thời điểm thu hoạch, giá cá thấp, nên không có lời. Từ đầu mùa đến nay, gia đình ông mới chỉ đặt có 2 cái dớn, 3 ngày đổ dớn một lần nhưng cá cũng không đủ ăn.
"Mọi năm tháng này có nước, bà con làm ăn cũng tốt. Năm nay nước nhỏ quá. Nước dưới sông còn dưới mé bởi vậy bà con năm nay gặp khó lắm. Hiện người dân đi ra Bình Dương đông lắm. Khoảng 80% nhà chỉ còn 1-2 người lớn tuổi", ông Kháng cho biết thêm.
Còn đối với Bà Nguyễn Thị Út, cùng ở xã Phú Hội lại có hoàn cảnh khó khăn hơn. Gia đình không có ruộng, quanh năm sống bằng nghề cất vó và đặt dớn ở sông. Nước thượng nguồn không về, cá ăn hàng ngày còn phải ra chợ mua, cuộc sống càng khó khăn. Bà Nguyễn Thị Út chia sẻ.
"Có nước lũ lên thì mới có đồng vô đồng ra. Muốn đi làm mướn nhưng con tôi còn đi học, ông bà thì già đau yếu, nên tôi chẳng gửi ai được. Bây giờ không có nước lũ nên 2 vợ chồng không làm được gì", bà Út chia sẻ.
Thời gian qua, các địa phương đã triển khai nhiều mô hình sinh kế dựa vào mùa lũ, nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống như: chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…Tuy nhiên, các mô hình này đều không hiệu quả.
Ngư cụ đều phải xếp xó. |
Ông Dương Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hội, huyện An Phú cho biết, xã là địa phương nghèo nhất huyện, người dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp và đánh bắt thủy sản. Năm nay nước thượng nguồn không về, sản xuất nông nghiệp càng khó khăn hơn, nhất là các hộ dân sống nhờ vào mùa nước nổi.
"Xã Phú Hội đường biên giới rất dài. Ở đây người dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp, năm nay nông nghiệp lại thất mùa thất giá, kinh tế rất khó khăn, chỉ tiêu nghèo và cận nghèo rất cao. Trong thời gian qua, xã có đào tạo nghề cho người dân làm, nhưng chưa có mô hình nào làm ăn hiệu quả, do vây người dân không làm. Hiện khoảng 70% trong độ tuổi lao động đã bỏ đi nơi khác", ông Hải nói.
Mùa nước nổi không chỉ mang lại lợi ích cho sản xuất nông nghiệp, mà còn là mùa sinh kế cho hàng ngàn người dân trong vùng ĐBSCL.
Năm nay, không có mùa nước nổi, người dân vừa gặp khó trong sản xuất nông nghiệp, vừa gặp khó trong việc mưu sinh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho thanh niên nông thôn phải rời làng quê lên đô thị, các khu công nghiệp mưu sinh.
VOV