Mua phải dự án "vịt trời", chủ đầu tư ôm tiền im lặng, người dân kêu cứu bí thư Thăng
Chuyện lùm xùm giữa chủ đầu tư và khách hàng không chỉ xảy ra với dự án nhà ở chung cư, mà cả ở những dự án phân lô bán nền. Có trường hợp khách hàng nộp tiền kéo dài hàng chục năm nhưng cũng chỉ là dự án "trên giấy".
- 14-08-2016Khổ sở khi khi mua phải căn nhà có đường vào bị tranh chấp
- 07-07-2016Làm gì để bớt tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua nhà?
- 29-06-2016Các tranh chấp tại chung cư có làm người mua ngại căn hộ?
- 24-06-2016Tranh chấp tại dự án Gateway Thảo Điền: Quận 2 phải thu hồi lại quyết định giao đất
Kêu cứu bí thư Đinh La Thăng
“Lúc ký hợp đồng mua bán, nghe những lời giới thiệu của chủ đầu tư, chúng tôi rất tin tưởng và hầu như đều đã đóng hết 95% số tiền mua dự án. Thế nhưng, từ đó đến nay, chủ dự án mới chỉ thực hiện việc đổ đá nền đường, làm vỉa hè và đặt các hố ga thoát nước từ trong nhà ra...
Ngoài ra, những hạng mục còn lại theo quy hoạch của thành phố, việc đóng tiền sử dụng đất, xin cấp giấy chủ quyền hay giấy phép xây dựng đều bị chủ đầu tư ngó lơ. Nguyên một dự án lớn đã bị bỏ hoang trong 13 năm trời”, một khách hàng đã mua đất tại dự án Khu dân cư Phú Gia Nhà Bè (xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP.HCM) do Công ty Cổ phần Kỹ thuật xây dựng và Vật liệu xây dựng (Cotec Group) làm chủ đầu tư đã bày tỏ bức xúc cao độ bởi sự “chây lỳ” của công ty này.
Được biết, tháng 3/2015, dưới áp lực của người mua, công ty Cotec đã ban hành một thông báo giao nền tạm. Tuy nhiên, khi khách hàng đến nơi, khu đất vẫn chỉ là một bãi ruộng cắm cọc bê tông chia lô tạm thời và không có cơ sở hạ tầng nào khác. Khi bị khách mua hàng phản đối, phía công ty lại tiếp tục xin lỗi và đưa ra những lời hứa suông.
“Chúng tôi là những người thực sự muốn mua đất để xây nhà ở. Chúng tôi không có tiền để mua đất nền ở những vị trí gần trung tâm TP nên phải chọn mua nền giá rẻ tại những khu vực ngoại ô. Đồng tiền kiếm ra đã khó khăn nhọc nhằn, công ty lại còn lợi dụng chiếm dụng tiền của chúng tôi.
Không chỉ coi thường pháp luật, coi thường cuộc sống của người mua, họ còn coi rẻ ngay thương hiệu mà mình đã phải dày công xây dựng”, một khách hàng chua xót.
Được biết, nhiều khách hàng đã cùng ký đơn gửi đến Văn phòng Thành uỷ TP.HCM với mong muốn Bí thư Đinh La Thăng kịp thời xem xét bảo vệ quyền lợi của họ.
Ôm "cục tức" vì mua phải dự án "vịt trời"
Một trường hợp khác, nhiều khách hàng tham gia góp vốn triển khai dự án khu dân cư Bình Minh 6B (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) cũng rất bức xúc. Lý do, dự án triển khai quá lâu mà không được chia nền nhà, đòi lại tiền thì cũng không có; còn chủ đầu tư lại không chịu gặp khách hàng.
Một khách hàng cho biết tháng 4/2003, ông cùng 22 người khác ký tham gia “Hợp đồng góp vốn đầu tư” nhằm “xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị khu dân cư Nam Sài Gòn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, thuộc khu chức năng số 6B” với Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng và thương mại B&B (B&B).
Theo đó, quy mô dự án gồm 12,3ha, trong đó có 42 lô biệt thự và 330 nhà liên kế vườn; chủ đầu tư là B&B và Công ty Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng TP.HCM. Phương thức hợp tác là cùng góp vốn thành cổ đông, chia lãi lỗ theo quyết toán bằng tiền hoặc bằng nền nhà thương phẩm đã hoàn chỉnh hạ tầng.
Trong các cam kết, chủ đầu tư thể hiện rất rõ thiện chí: Nếu không nộp tiền đủ theo thời hạn hoặc xảy ra trường hợp bất khả kháng cũng sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền mà khách hàng nộp. Ngoài hợp đồng, chủ đầu tư cũng ban hành quy chế nội bộ về việc góp vốn đầu tư, quy mô vốn đầu tư của dự án là 20 tỷ đồng, hoàn thành dự án vào tháng 4/2005.
Trong danh sách 23 người góp vốn cho dự án, khách hàng nộp nhiều nhất là 3 tỷ đồng, ít nhất là 300 triệu, tổng cộng 22,5 tỷ đồng, với tổng số nền nhà dự kiến được chia lại là 169 nền.
Tuy nhiên, 4 năm sau, đã quá hạn 2 năm, khách hàng một phen hú vía, vì dự án không có nền để giao nhưng B&B lại giải thể. May thay, toàn bộ dự án góp vốn được chuyển sang chủ mới, đó là Công ty TNHH MTV Xây dựng Bình Minh, với thông báo mọi quyền lợi được giữ nguyên như cũ!
Thế nhưng, tính đến nay, kể từ ngày ký hợp đồng góp vốn đã 13 năm 4 tháng trôi qua, khách hàng mòn mỏi chờ nhận nền, từ hy vọng thành tuyệt vọng, rồi biến thành bức xúc, đòi lại tiền cũng không được.
Vốn đã góp đủ, đất còn trên giấy
Mới đây nhất, nhiều khách hàng mua dự án Thái Sơn 1, Thái Sơn 2 (huyện Nhà Bè) rộng hơn 20 ha của Tổng công ty Thái Sơn phải khóc ròng vì tiền đã trao mà đất thì không thấy đâu qua gần 15 năm trời. Dự án được triển khai từ 10 - 15 năm nay nhưng đến nay vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng.
Hiện người mua đất tại dự án Thái Sơn 1 vẫn không biết nền đất của mình ở đâu nên cũng chưa thể xây dựng được nhà. Một lãnh đạo Công ty Thái Sơn cho biết dự án Thái Sơn 1 sẽ xong khâu đền bù trong tháng 9/2016 và công tác bàn giao hạ tầng, cấp phép xây dựng sẽ được thực hiện đến tháng 3/2017, đến cuối tháng 9/2017 sẽ cấp sổ đỏ cho khách hàng.
Sau khi triển khai xong Thái Sơn 1 sẽ triển khai tiếp dự án Thái Sơn 2, trong khi Thái Sơn 2 chỉ mới đền bù được 1/3 mặt bằng nhưng đã bán sạch nền đất từ năm 2005. Và để hoàn thành dự án này, Công ty Thái Sơn dự kiến sẽ nâng mức góp vốn của khách hàng.
Trong trường hợp khách hàng nào đã góp tiền, không muốn tiếp tục thực hiện dự án nữa thì chủ đầu tư sẽ trả lại tiền cộng với lãi suất ngân hàng.
Đại diện cho Tổng công ty Thái Sơn, Phó tổng giám đốc Nguyễn Kim Thọ thông báo dự án còn khoảng 7% diện tích chưa thể giải phóng được mặt bằng vì vướng đất thổ mộ gia tộc, người dân đòi bồi thường quá cao.
Cũng theo ông Thọ, trước đây Tổng công ty Thái Sơn có 2 đơn vị trực thuộc là Xí nghiệp Nhà, Ban Quản lý dự án là đơn vị triển khai dự án này, nay xem như đã giải thể, mọi việc liên quan đến dự án Thái Sơn-Phước Kiểng được chuyển về Phòng Kế hoạch thuộc Tổng công ty. Theo đó, ông Thọ là người trực tiếp chỉ đạo mọi giải quyết liên quan đến dự án.
Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, từ tháng 12/2001, dự án khu dân cư Thái Sơn- Phước Kiểng đã được Sở Kế hoạch-Đầu tư TP.HCM chấp thuận đầu tư, đến năm 2002 UBND TP.HCM có quyết định phê duyệt dự án với 436 nền (quy hoạch đất nền biệt thự) do Công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư cấp cho cán bộ, chiến sĩ và kêu gọi người dân tham gia góp vốn cùng thực hiện dự án.
Tháng 11/2013, Thanh tra TP.HCM có bản kết luận số 721 việc thực hiện dự án còn chậm, đến tháng 1/2014, UBND TP.HCM đã yêu cầu Công ty Thái Sơn khẩn trương tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích còn lại (14.247m2) để hoàn tất các công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội tại dự án, bàn giao cho các cơ quan chức năng theo quy định pháp luật. Thời gian hoàn thành việc bồi thường là trong quý 1/2014.