MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mua sắm để giải toả áp lực, kết cục lại chìm trong nợ: Làm sao tránh?

13-10-2022 - 14:41 PM | Lifestyle

Nhiều người trong chúng ta đang tìm kiếm những cảm xúc vui vẻ nhất thời từ việc mua sắm bốc đồng mà không lường trước được rủi ro phải tiếp nhận.

Quá nhàm chán nên mua sắm nhiều hơn

Jonathan O'Neill, chia sẻ ảnh hưởng từ nền kinh tế, công việc trì trệ, anh có rất nhiều thời gian rảnh rỗi. Vì muốn làm điều gì đó, O'Neil đã trở thành "người mua sắm điều tra" - anh dành cả ngày để săn lùng những món hời trên mạng, điều mà O'Neil chưa bao giờ làm trước đó.

Khi chia sẻ về những lần mua hàng đó, O'Niel mệt mỏi bộc bạch, "Đó là tất cả những điều sáo rỗng nhất của con người. Đầu tiên, tôi đã mua 1 chiếc xe đạp đường trường - loại cổ điển. Tôi không cần 1 chiếc xe đạp, nhưng cuối cùng tôi đã mua 3 cái vì những lời giới thiệu và mã giảm giá".

Gần đây O'Niel đã mua một chiếc TV mới, dù TV cũ vẫn dùng rất tốt. Anh ấy thậm chí còn mua một chiếc áo nỉ trị giá gần 3 triệu đồng hàng hiệu. O'Niel sống ở cuối 1 con ngõ nhỏ và những người giao hàng thường bị lạc khi gửi bưu kiện, đôi lúc chúng sẽ ở trước cửa nhà hàng xóm. Và anh đã mua sắm nhiều đến mức người hàng xóm mỗi lần bước ra khỏi nhà sẽ tự hỏi: Hôm nay O'Niel đã nhận được bưu phẩm gì?

 Mua sắm để giải toả áp lực, kết cục lại chìm trong nợ: Làm sao tránh? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ - Pinterest

Emilie Bellet, người sáng lập cộng đồng đầu tư phụ nữ Vestpod, cho biết loại hình mua sắm này được gọi là chi tiêu theo cảm xúc. "Khi mua một thứ gì đó, bạn sẽ tiếp nhận thêm một chút dopamine. Nó mang lại cho chúng ta cảm giác kiểm soát hoặc hạnh phúc". Không có gì ngạc nhiên khi mọi người đang chi tiêu nhiều hơn cho việc mua sắm bốc đồng trong khoảng thời gian rảnh rỗi. Đó là cách giết thời gian hiệu quả và cũng là 1 dạng để phân tâm sang những chuyện khác trong cuộc sống.

O'Neill làm việc ở nhà, anh ấy không phải mua bữa trưa ở ngoài, đi làm, hoặc trả tiền cho chỗ đậu xe ô tô do vậy anh ấy cho rằng mình có tiền để chi cho những thứ phù phiếm. Nhưng đây có thể là một lời biện minh nguy hiểm cho việc chi tiêu. Bạn nói với bản thân rằng bạn không mắc nợ hay bất cứ điều gì tương tự, vì vậy kể cả khi chi tiêu bốc đồng, nó không nằm ngoài tầm kiểm soát. "Tôi nghĩ mua sắm khiến bản thân cảm thấy tốt hơn, nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược".

Mua sắm không giải tỏa áp lực, ngược lại nó khiến chúng ta cảm thấy tội lỗi

Chi tiêu theo cảm xúc cũng có thể bị kích hoạt bởi áp lực công việc. Emrana Khatun, một giám đốc điều hành PR 26 tuổi đến từ London, cho biết: "Khi tôi căng thẳng hoặc có vô số đầu mục công việc cần hoàn thành gấp, mua hàng trực tuyến là một cách chữa lành hiệu quả ngay lập tức".

Những món đồ mà Khantun mua được chia thành 3 loại: những bộ trang phục dễ thương để mặc khi đi chơi, những sản phẩm dành cho việc tập thể dục, và những món đồ trang trí xinh xắn cho ngôi nhà. "Hầu hết mọi thứ đều được chất đống trên ghế trong phòng ngủ. Tôi thậm chí còn chưa thử quần áo mới".

Trong khoảng thời gian làm việc từ xa, Khantum đã phải vật lộn rất nhiều với tâm trạng không mấy thoải mái của mình. "Tôi thức dậy, ngồi vào bàn làm việc của mình như 1 cái máy, nó khá là khốn khổ". Mua sắm thứ gì đó trực tuyến "tạo ra 1 khoảnh khắc vui vẻ nhỏ, như ánh diêm lấp lóe rồi chợt tắt trong mùa đông lạnh giá đầy gió".

Khoảnh khắc vui vẻ đó ngắn ngủi đến vậy là bởi vì sau khi mua sắm phù phiếm là lúc cảm giác tội lỗi ập đến. "Bạn nhận ra rằng không có gì bạn thực sự cần. Bạn chỉ bị cuốn hút vào khoảnh khắc tìm kiếm niềm vui từ những lần chi tiêu tiền".

 Mua sắm để giải toả áp lực, kết cục lại chìm trong nợ: Làm sao tránh? - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ - Pinterest


Mặt khác, chi tiêu theo cảm xúc đều được thúc đẩy bởi MXH. "Tôi đã mua một bộ sơn ngay cả khi bản thân thậm chí không thể vẽ! Song, tôi đã xem trên MXH và thấy rằng mọi người khác đang mua nó, tôi quyết định làm điều tương tự", Sarah Kane chia sẻ. Việc mua sắm theo cảm xúc của Kane đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát, đến mức bạn cùng phòng cô đã nói đùa rằng Kane có bưu kiện mỗi ngày.

Hầu hết những người mua sắm theo cảm tính không nghĩ về việc mua hàng của họ một cách có ý nghĩa. Kane nói: "Thật dễ dàng. Đó là một cú nhấp chuột. Bạn nhìn thấy nó trên MXH, hãy nhấp vào nó và thanh toán nhanh bằng ví điện tử hoặc tài khoản ngân hàng trực tuyến".

Đây chính là cách mà các thương hiệu muốn bạn chi tiêu: nhanh chóng và bốc đồng. Clare Seal, người sáng lập nền tảng tài chính cá nhân My Frugal Year cho biết: "Mọi thứ về thương mại điện tử được thiết kế để loại bỏ những cân nhắc trước khi chi tiêu. Giảm thời gian và số lần nhấp để mua hàng, khuyến khích mọi người lưu thông tin thẻ của họ - tất cả giúp loại bỏ khoảng thời gian mà người mua hàng suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định". Quá nửa thời gian, người tiêu dùng thậm chí không thể nhớ những gì họ đã mua. Mỗi ngày đều có một bưu kiện mới đến và không biết bản thân đã đặt hàng gì.

Nợ nần vì chi tiêu bốc đồng

David đã viết trên blog của mình rằng: Tiêu tiền đã trở thành liệu pháp trị liệu trong cuộc sống của tôi. Bởi vì chán nản và tuyệt vọng, tôi cố gắng lấp đầy khoảng trống trong cuộc sống của mình bằng cách tiêu tiền cho những thứ khiến tôi hạnh phúc. David là người không suy nghĩ kỹ về việc sử dụng thẻ tín dụng bởi vì anh có nguồn thu nhập đều đặn và không lường trước được sẽ có thời điểm bị mất việc.

Ở tuổi 39, anh ấy đã thuê 1 căn hộ rộng rãi trong vòng 1 năm và vay nợ trả trước 50% tổng số tiền thuê nhà cùng tiền cọc. Vì không còn bị ràng buộc bởi các điều khoản trong hợp đồng thuê nhà, David quyết định nuôi một con chó. Dù được cảnh báo rằng nuôi chó tốn khá nhiều chi phí, tuy nhiên anh hoàn toàn không để tâm đến điều đó. Tâm trí của David dường như bị niềm hạnh phúc khi được ở trong 1 căn nhà xinh đẹp và có người bạn đồng hành mới chiếm đóng.

 Mua sắm để giải toả áp lực, kết cục lại chìm trong nợ: Làm sao tránh? - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ - Pinterest


"Dù vậy, tôi vẫn quyết tâm làm việc nhiều giờ hơn để có thể chi trả cho chi phí sinh hoạt và nợ hàng tháng. Song, mọi thứ đều trở nên tồi tệ sau 1 đêm. Tiền lương của tôi bị cắt giảm 1 tháng trước Giáng sinh, và 2 tháng sau tôi bị cho nghỉ việc".

Bây giờ, David đang phải gánh 1 khoản nợ, các hoá đơn, 1 chú chó và không có thu nhập. Anh cảm thấy bản thân đã có quá nhiều quyết định chi tiêu bốc đồng từ việc vay nợ để thuê 1 căn hộ quá sức với mình, nuôi 1 chú chó ngay khi tài chính chưa ổn định và không có 1 khoản tiền nào dự phòng cho những trường hợp bất ngờ xảy ra. "Chi tiêu cho những thứ tôi nghĩ rằng sẽ khiến bản thân cảm thấy hạnh phúc, nhưng cuối cùng lại chìm đắm trong nợ nần".

Hãy bắt đầu chi tiêu có mục đích

Có nhiều cách để chống lại những cám dỗ của MXH. Bạn nên xóa cookie trên máy tính và sử dụng công cụ bảo vệ quyền riêng tư. Hủy đăng ký nhận các thư tiếp thị qua email và hủy theo dõi các tài khoản cám dỗ bạn tiêu xài hoang phí. Bên cạnh đó, xóa thông tin thẻ của bạn khỏi các trang web mua sắm yêu thích.

Mặt khác, Bellet nhấn mạnh, "Hãy bắt đầu chi tiêu có mục đích. Khi bạn áp dụng cách tiếp cận có chủ đích để chi tiêu, bạn sẽ nhận thức rõ hơn về nhu cầu so với mong muốn của mình". Lập ngân sách, xác định số tiền bạn sẽ phân bổ để chi tiêu tùy ý - và tuân thủ nó.

 Mua sắm để giải toả áp lực, kết cục lại chìm trong nợ: Làm sao tránh? - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ - Pinterest

Kane giữ một danh sách trên điện thoại về tất cả những thứ cô ấy muốn mua. Cô ấy có thể mua một món đồ để khiến bản thân vui hơn - nhưng đó sẽ là một sự mua sắm có ý thức, không phải là một sự bốc đồng. Tức là cô đã suy nghĩ và luôn cân nhắc giữa điều mình muốn và sản phẩm bản thân cần.

"Tôi nghĩ rằng mua tất cả những thứ này sẽ khiến tôi cảm thấy dễ chịu hơn, nhưng không phải vậy. Điều khiến tôi cảm thấy tốt hơn là đi dạo, tập pilate, hoặc đi tắm… Giờ tôi cảm thấy hạnh phúc hơn 100%", cô nói về cách tiếp cận chi tiêu mới của mình. "Không còn cảm giác tội lỗi nữa".

Theo The Guardian


Theo Tô Diệp

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên