MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mua sắm online cuối năm: Coi chừng tiền trao, cháo mất

14-01-2023 - 09:25 AM | Thị trường

Nhiều người mua sắm online hàng Tết trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử đã bị lừa đảo mất tiền nhưng không nhận được hàng hoặc mua phải hàng dỏm, kém chất lượng.

Mua sắm online cuối năm: Coi chừng tiền trao, cháo mất - Ảnh 1.

Người dùng nên cẩn trọng để tránh các bẫy lừa khi mua sắm online cuối năm - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Vội vàng tin theo các quảng cáo, hình ảnh sản phẩm bắt mắt nhưng giá lại "rẻ nhất thị trường" kèm lời giới thiệu "chỉ còn vài món cuối, chốt nhanh không hết", "chương trình khuyến mãi chỉ còn ngày cuối cùng"..., nhiều người tiêu dùng đã bị lừa tiền triệu khi mua sắm online cuối năm.

Mua sắm online: Tiền trao nhưng "cháo không múc"

Do phải đi làm công ty, chị Thủy Nguyên (TP Thủ Đức, TP.HCM) không có nhiều thời gian cho việc trực tiếp đến các cửa hàng, siêu thị mua sắm Tết nên đã tranh thủ mua sắm online. Lướt Facebook thấy có người quảng cáo bán máy ép chậm của Đức với giá chỉ 1,6 triệu đồng, chỉ còn vài chiếc cuối cùng nên chị chốt đơn ngay vì đây là đồ dùng đang cần mà nếu hết phải đợi qua Tết hàng mới về.

Thế nhưng, sau khi chuyển đầy đủ 1,6 triệu đồng kèm phí ship (giao hàng) bảo đảm 100.000 đồng, chị Nguyên chờ mòn mỏi đến hơn một tuần vẫn không thấy ai gọi giao hàng. "Tìm lại đoạn nhắn tin trao đổi với bên bán để hỏi thăm, không thấy ai trả lời tôi nữa. Tôi chợt nhận ra mình chẳng biết một thông tin gì về nơi bán hàng nhưng lại chuyển hết 1,7 triệu đồng cho họ", chị Nguyên chia sẻ bài học sắm Tết "xương máu" do chủ quan vì quá bận công việc.

Tương tự, anh Thọ (Đà Nẵng) cũng đặt mua tượng gỗ qua Facebook nhưng "chuyển tiền 3 triệu đồng 10 ngày rồi nhưng không có hàng". Gọi điện đến nơi bán, anh Thọ bị chặn số, liên lạc qua Facebook, Zalo cũng bị chặn. "Nhưng tôi dùng số điện thoại khác vẫn gọi được. Tôi muốn báo cho mọi người biết đây là nơi bán hàng lừa đảo", anh Thọ chia sẻ.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nhiều người tiêu dùng mua sắm Tết qua các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok..., sau khi nhìn thấy các quảng cáo về sản phẩm. Việc "chốt đơn" cũng rất nhanh chóng, nhất là với những người không có nhiều thời gian để tìm hiểu kỹ về người bán hay sản phẩm, nên bị nhiều kẻ lừa đảo hoặc buôn bán hàng giả, hàng dỏm tận dụng để giăng bẫy.

Thậm chí, không ít người tiêu dùng khi mua trên các sàn thương mại điện tử cũng bị dính bẫy. Do bận đi làm trong TP.HCM, anh Nhật (TP Thủ Đức) cho biết đã "sắm Tết" từ xa cho gia đình ở quê, đặt mua một chiếc tủ quần áo nhựa và một tủ gỗ đựng đồ, giao về tận nhà ở Quảng Nam. Tổng chi phí tính cả giao hàng hết 1,8 triệu đồng, anh thanh toán trước luôn để cha mẹ ở nhà chỉ việc nhận hàng.

Chờ hơn một tuần vẫn không thấy giao hàng, anh Nhật vào app của sàn kiểm tra mới thấy tình trạng "nhà bán hàng đang đóng gói". Sau hơn 15 ngày, đơn hàng bị hủy. Anh Nhật lại mất thời gian để đi khiếu nại với bên sàn và khi được hoàn tiền cũng đã vật vã mất hơn 20 ngày.

"Dù không mất tiền nhưng mình lại rước mệt vào người khi vừa không mua được hàng lại còn mất thời gian đi đòi lại tiền", anh Nhật ngán ngẩm.

Mạo danh... để bán hàng dỏm

Lợi dụng tâm lý thích mua sắm hàng rẻ của người tiêu dùng, nhiều kẻ xấu còn lợi dụng các thương hiệu bán lẻ tên tuổi để... bán hàng dỏm. Một số thương hiệu bán lẻ đã có tên tuổi như: Điện Máy Xanh, Di Động Việt, FPT Shop, 24hStore cho biết liên tục bị kẻ xấu mạo danh... đi lừa đảo khách hàng.

Cách đây không lâu, một khách hàng đến cửa hàng 24hStore khiếu kiện vì hàng mới xài vài ngày đã hỏng. Tuy nhiên, khi kiểm tra mới phát hiện thông tin khách hàng không có, hóa đơn khách hàng cung cấp lại không phải của hệ thống.

"Khi chúng tôi hỏi lại, khách hàng cho biết đã mua sản phẩm trên fanpage mà khách hàng cho là của 24hStore. Tuy nhiên, khi khách hàng mở ra kiểm lại, fanpage kia đã không cánh mà bay, chỉ còn lại vài tin nhắn giao dịch mà khách chụp lại được", bà Ánh Hồng, đại diện hệ thống bán lẻ 24hStore, chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Cũng theo bà Hồng, hệ thống này thường xuyên bị mạo danh trên các nền tảng online lẫn offline. Các đối tượng lừa đảo thường dùng tên, logo (giống 90%), hình ảnh sản phẩm, hình ảnh người nổi tiếng đến mua hàng tại 24hStore để đăng bài, quảng cáo bán hàng.

"Vào những dịp sale lớn như Noel, lễ Tết, những trang web - fanpage này lại đăng tải các thông tin khuyến mãi khó tin, hàng bán ra là hàng giả kém chất lượng, khiến người mua chịu nhiều tổn thất", bà Hồng nói và cho biết đã nhiều lần làm việc với cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các hành vi mạo danh, trục lợi từ thương hiệu, nhằm bảo vệ khách hàng và uy tín của mình nhưng các đối tượng mạo danh quá nhiều, xử lý không xuể.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Đạt, tổng giám đốc hệ thống bán lẻ Di Động Việt, nhiều lần dùng Facebook để cảnh báo về tình trạng giả mạo nhằm lừa đảo khách hàng. "Chúng có cả website và địa chỉ, nhưng toàn bộ thông tin đều là giả mạo, địa chỉ ma, website nhái. Chúng còn đầu tư chạy quảng cáo rầm rộ trên Facebook. Tuy nhiên, chỉ bán duy nhất sản phẩm Samsung với giá rất rẻ, lợi dụng lòng tin của khách hàng để lừa đảo", ông Đạt cho biết.

Cũng theo ông Đạt, việc các doanh nghiệp bán lẻ có uy tín bị giả mạo diễn ra khá thường xuyên, nhất là dịp cuối năm khi nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng. Hệ thống thường xuyên bị giả mạo trên nhiều hình thức từ mạng xã hội như Facebook, website...

Dù đã nhiều lần cảnh báo nhưng số lượng các fanpage được lập ra rất nhiều, fanpage này vi phạm lại xuất hiện ngay một trang khác chung một địa chỉ, tương tự với kênh website...

Ngân hàng cảnh báo các chiêu lừa cuối năm

Với xu thế sắm Tết online ngày càng phổ biến, các giao dịch qua tài khoản ngân hàng tăng mạnh, nhất là giao dịch qua các ứng dụng ngân hàng trên smartphone. Những kẻ lừa đảo cũng nhân cơ hội này tung nhiều chiêu trò dụ người tiêu dùng sập bẫy để chiếm đoạt tiền, thậm chí cả tài khoản ngân hàng.

Theo cảnh báo của nhiều ngân hàng, chiêu lừa phổ biến là tin nhắn giả mạo ngân hàng để thông báo về dịch vụ, yêu cầu khách hàng truy cập vào đường dẫn (link) giả mạo (link không phải của ngân hàng, thường là đường link website gần giống, dễ gây nhầm lẫn).

Thứ hai là mạo danh ngân hàng trên mạng xã hội bằng cách sử dụng tên gọi, logo, hình ảnh đại diện, giả mạo yếu tố xác thực (dấu tích xanh/cam...) để gây nhầm lẫn cho khách. Chúng còn chiêu dụ người tiêu dùng cài đặt ứng dụng (app) ngân hàng giả mạo nhằm thu thập thông tin cá nhân để chiếm đoạt quyền quản lý tài khoản và lấy tiền trong tài khoản.

Các ngân hàng cũng lưu ý khách hàng không thực hiện các hành vi như mua, bán, thuê, cho thuê, cho mượn, mở hộ tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng hoặc thông tin thẻ..., tránh tạo điều kiện cho kẻ gian lợi dụng vào các mục đích bất hợp pháp.

Theo ĐỨC THIỆN

Tuổi trẻ Online

Trở lên trên