Mua thuốc, thực phẩm chức năng trên Facebook: Chất lượng có đảm bảo?
Hiện nay, nhiều trang mạng Fanpage có giới thiệu và chào bán các loại thuốc không rõ nguồn gốc, trong đó có các thuốc không kê đơn như thuốc kháng sinh, thuốc đặc trị, thậm chí cả thuốc điều trị ung thư.
- 09-12-2023Chợ mạng bán tràn lan pháo hoa Tết
- 09-12-2023Làng đào Nhật Tân vào mùa tuốt lá, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán 2024
- 09-12-2023Chi vài chục triệu đồng mua robot hút bụi, dọn nhà, liệu có đáng?
Chị Mai Trang (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết, một người quen của chị có bán thực phẩm chức năng và các loại thuốc của Đức, Pháp, Australia…Chị Trang đã mua ủng hộ một lọ viên uống tinh dầu hoa anh thảo của Black Mores với giá 320.000 đồng. Khi mua 2 lọ, giá chỉ còn 300.000 đồng.
Khi chị Trang hỏi về giấy tờ, người quen của chị cho biết vì hàng xách tay nên sẽ không có giấy tờ lưu hành, không có vỏ sản phẩm, không tem chống hàng giả, cũng như tem phụ.
Dạo qua một số trang bán thuốc trực tuyến, loại thuốc này có giá giao động 300.000 – 450.000 đồng/hộp. Trong khi với các nhà thuốc nhập khẩu chính ngạch, mức giá khoảng 900.000 đồng/hộp. Rõ ràng sản phẩm “xách tay” rẻ hơn nhiều.
Chị Trang lăn tăn không phân biết sản phẩm mình mua là hàng thật hay hàng giả mà chỉ dựa vào lời của người bán, vì thế sau đó, chị không mua thuốc “xách tay” từ người quen nữa.
Để đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, có hiệu quả, Cục Quản lý Dược khuyến cáo người sử dụng không mua các thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, không được cấp phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.
Đối với thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng theo sự kê đơn của thầy thuốc. Không nên mua ở những Fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), không có cửa hàng cụ thể.
Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong, trên môi trường mạng xuất hiện nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm thông tin sai sự thật, quá công dụng gây nhầm lẫn với thuốc chữa bệnh; quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận…Thực tế, nhiều người tiêu dùng vì tin những quảng cáo này mà "tiền mất, bệnh mang".
Đại diện Cục An toàn thực phẩm cho hay, trong hai năm 2020-2021 đã xử phạt vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe với 76 cơ sở, tổng số tiền phạt hơn 3,7 tỷ đồng. Cũng trong thời gian trên, Cục An toàn thực phẩm đã đăng 246 bài cảnh báo về việc sử dụng thực phẩm chức năng; chuyển tới Bộ Thông tin - Truyền thông 375 đường dẫn, trong đó có 67 đường dẫn quảng cáo vi phạm để xác định chủ thể…
Tuy nhiên, việc kiểm soát các vi phạm trong kinh doanh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe không dễ dàng do khó xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm bởi các máy chủ đặt tại nước ngoài. Cơ quan chức năng vì thế cũng thiếu cơ sở để xử lý vi phạm. Cùng với đó là tình trạng một số sàn giao dịch thương mại điện tử chưa có biện pháp kỹ thuật để quản lý nội dung quảng cáo, bán hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Trước thực trạng nêu trên, Bộ Công Thương đã tăng cường quản lý các sàn thương mại điện tử, các công ty bán hàng đa cấp kinh doanh sản phẩm thực phẩm chức năng. Nổi bật là năm 2021, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử, website rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ 7.561 gian hàng với 18.725 sản phẩm vi phạm trên các sàn và website thương mại điện tử lớn. Đơn vị này cũng phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) rà soát các website, ứng dụng thương mại điện tử và gỡ bỏ trên 200 gian hàng và trên 500 sản phẩm vi phạm…
VOV