MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mua trước - Trả sau: Cơn sốt toàn cầu về đến Việt Nam, đã bao giờ bạn nghĩ đến việc trả góp để mua một đôi giày hay bộ quần áo?

04-08-2021 - 06:40 AM | Doanh nghiệp

Mua trước - Trả sau: Cơn sốt toàn cầu về đến Việt Nam, đã bao giờ bạn nghĩ đến việc trả góp để mua một đôi giày hay bộ quần áo?

Trong những năm gần đây, "Buy Now, Pay Later – BNPL" hay còn gọi là "Mua trước, Trả sau" nổi lên như một trong những làn sóng trên toàn cầu. Mô hình này càng được nhân rộng hơn nữa trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế.

Square của tỷ phú Jack Dorsey (Đồng sáng lập và CEO Twitter) vừa công bố thương vụ sáp nhập với Afterpay giá trị 29 tỷ USD, một trong những công ty BNPL nổi tiếng nhất thế giới. Afterpay đang phục vụ 100.000 nhà bán hàng và hơn 16 triệu khách hàng trên toàn cầu.

Afterpay có thể xem là ví dụ cho sự thành công của BNPL, một loại hình tài trợ tín dụng ngắn hạn cho phép người tiêu dùng mua và nhận hàng ngay lúc này, nhưng có thể chia việc thanh toán thành nhiều đợt trong tương lai, thường không phải chịu lãi suất. BNPL đang ngày càng trở nên phổ biến trên toàn cầu, đặc biệt là khi mua sắm trực tuyến bùng nổ.

Một số cái tên nổi tiếng khác trên thế giới có thể kể đến trong lĩnh vực này như Klarna (Thuỵ Điển) và Affirm (Mỹ).

PayPal thực tế cũng tham gia cung cấp dịch vụ từ năm 2020. Hay mới đây, Apple dự kiến cho ra mắt Apple Pay Later (hợp tác cùng Goldman Sachs là bên cho vay) giúp khách hàng có thể mua trả góp cho các dịch vụ của mình…

Tại Việt Nam, Fundiin là một startup nội đi theo mô hình mua trả sau. Ngoài ra trên thị trường cũng đang có Wowmelo, Reepay và mới nhất là Litnow ra mắt hồi trung tuần tháng 6.

BNPL: Cơn sốt toàn cầu về đến Việt Nam, đã bao giờ bạn nghĩ đến việc trả góp để mua một đôi giày hay bộ quần áo? - Ảnh 1.

Một số công ty BNPL trên thế giới

BNPL là gì?

Người tiêu dùng có thể đã quen với việc trả góp để mua máy tính, điện thoại, xe máy, thậm chí là mua nhà. Nhưng đã khi nào bạn nghĩ đến chuyện trả góp để mua một đôi giày?

Đó chính xác là phân khúc mà BNPL nhắm đến, tập trung vào việc tiêu dùng các sản phẩm ở mức giá không quá cao.

Khách hàng sẽ không phải trả toàn bộ chi phí mua sản phẩm một lần, mà chỉ cần một tỷ lệ nhất định ban đầu. Số tiền còn lại được chia đều vào các đợt thanh toán sau đó, thường kéo dài trong vòng một vài tháng.

Điểm ưu việt của BNPL là không tính lãi đối với các khoản vay của khách hàng. Tuy nhiên nếu thanh toán chậm cho công ty cung cấp dịch vụ mua trả sau, khách hàng sẽ phải chịu phí phạt.

BNPL: Cơn sốt toàn cầu về đến Việt Nam, đã bao giờ bạn nghĩ đến việc trả góp để mua một đôi giày hay bộ quần áo? - Ảnh 2.

Có lợi nhiều bên

Chính vì chia nhỏ giá trị thanh toán một lần, BNPL giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi mua hàng; tăng giá trị đơn hàng trung bình cho người bán bằng cách giảm sự do dự của khách hàng; giúp người mua có thêm thời gian thanh toán cho sản phẩm và không chịu chi phí; đồng thời cũng tạo nguồn thu cho chính công ty cung cấp dịch vụ nhờ chiết khấu phía người bán…

Giải bài toán của thẻ tín dụng

Không giống như thẻ tín dụng, khách hàng dùng BNPL sẽ không phải chịu các khoản phí ẩn và lãi suất "cắt cổ" khi chậm thanh toán. Đặc tính của BNPL là minh bạch, tức là khách hàng sẽ biết chính xác số tiền mà họ phải trả.

Việc đăng ký BNPL với khách hàng cũng được thực hiện nhanh chóng, so với thẻ tín dụng đòi hỏi nhiều thời gian và thủ tục giấy tờ. Với KYC, một số khách hàng có thể được phê duyệt ngay lập tức và có thể bắt đầu giao dịch.

Trong khi thẻ tín dụng được thiết kế dành cho các khách hàng có điểm tín dụng cao, BNPL tiếp cận đối tượng khách hàng rộng lớn hơn, bao gồm cả những người chưa có đủ lịch sử tín dụng.

Lãi suất phạt (nếu có) của BNPL cũng thấp hơn nhiều so với thẻ tín dụng (được cho là hình thức tín dụng đắt tiền nhất với lãi thanh toán quá hạn có thể tới 48%/năm)…

Fundiin

BNPL: Cơn sốt toàn cầu về đến Việt Nam, đã bao giờ bạn nghĩ đến việc trả góp để mua một đôi giày hay bộ quần áo? - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Ảnh Cường - Sáng lập Fundiin

Chúng tôi xin lấy ví dụ Fundiin là đại diện cho mô hình BNPL tại Việt Nam. Sáng lập Fundiin là ông Nguyễn Ảnh Cường, người có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực tài chính và quỹ đầu tư.

Tháng 4 năm nay, Fundiin công bố việc gọi vốn thành công vòng hạt giống (seed) với hai quỹ mạo hiểm 1982 Ventures và Zone Startups Ventures cho kế hoạch mở rộng thị trường. Theo ông Cường, Fundiin trước đó cũng đã nhận vốn từ ba nhà đầu tư thiên thần là các cá nhân.

CEO Fundiin cho biết, công ty hiện tập trung vào các dòng sản phẩm thời trang, mỹ phẩm… vốn không có nhiều giải pháp tài chính hỗ trợ người tiêu dùng bởi giá trị sản phẩm nhỏ với các ngân hàng. Mặt khác đối tượng khách hàng chính của Fundiin là những người không có thẻ tín dụng. Fundiin giúp các nhà bán hàng tăng doanh số và nhận lại được phần hoa hồng theo tỷ lệ.

Theo ông Nguyễn Ảnh Cường, Fundiin đang có một mô hình product market fit mà bí quyết đến từ nền tảng công nghệ có khả năng duyệt hồ sơ cho vay dưới 30 giây và giảm thiểu tối đa rủi ro. Điều này có được sau những vấp ngã ban đầu với mô hình kinh doanh.

CEO của Fundiin chia sẻ với Vietcetera rằng từng triển khai mô hình BNPL với sản phẩm xe máy, là phân khúc có nhiều cạnh tranh và sản phẩm tương đối tốt. Công ty đã mở rộng quá nhanh trong khi sản phẩm chưa kịp hoàn thiện. Đội ngũ của ông Nguyễn Ảnh Cường đã bán tới 1.200 chiếc xe, tuy nhiên không đạt được tính hiệu quả. Sai lầm của nhà sáng lập Fundiin khiến ông mất đi 500.000 USD, số tiền mà ông có được từ quãng thời gian đầu tư chứng khoán thành công trước đó.

Trước khi COVID-19 diễn ra, Fundiin cũng tiếp cận tài trợ với các khóa học, nhưng ảnh hưởng của đại dịch khiến cho việc sử dụng dịch vụ này sụt giảm nghiêm trọng.

Hiện tại, giá trị các giao dịch được tài trợ bởi Fundiin không quá 6 triệu đồng tập trung vào sản phẩm tiêu dùng. Công nghệ của Fundiin được cho biết giúp giảm thiểu rủi ro các khoản nợ xấu ngay từ khi xét duyệt cho vay.

Đông A

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên