Mùa vải thiều Bắc Giang, kiếm bạc triệu mỗi ngày từ nghề “cửu vạn”: “Có những đợt tôi thức xuyên mấy ngày đêm bốc vác vải, cũng vì miếng cơm gia đình”
Mùa vải đến, nhu cầu vận chuyển hàng hoá tăng cao khiến các đầu mối thu mua vải thiều liên tục phải thuê người dân đến bốc vác hàng để vận chuyển đến nơi khác. Dù mệt nhọc nhưng nhiều người dân bất chấp “bán sức lấy tiền”, tất cả cũng vì “miếng cơm manh áo”.
Mỗi năm khi vụ vải thiều tại các huyện Lục Nam, Lục Ngạn đến, người nông dân nơi đây lại tất bật thu hoạch vải bất chấp thời tiết mưa nắng để kịp thời vụ. Tuy nhiên, không chỉ có những người nông dân tại đây vất vả, các "cửu vạn" từ khắp nơi cũng đổ về đây ngày đêm bốc vác hàng cho kịp những chuyến hàng.
Do lượng hàng mua từ người dân nhiều nên các điểm thu mua vải thường phải thuê nhiều "cửu vạn" để bốc vải.
Ghi nhận của chúng tôi vào ngày 4/6, tại chợ Kim, (huyện Lục Ngạn), một trong những nơi buôn bán vải lớn nhất trong huyện, người dân tấp nập chở những chuyến hàng đến đây buôn bán sau một năm chờ đợi.
Nhu cầu bán hàng của người dân cao, nhiều thương lái từ khắp nơi cũng đổ về đây để mua vải đi phân phối khắp các tỉnh thành trong nước và xuất khẩu. Do lượng hàng mua từ người dân nhiều, các chủ cơ sở thu mua vải thường xuyên phải thuê các "cửu vạn" làm việc thời vụ để bốc vác vải liên tục suốt thời vụ cho kịp các chuyến hàng vận chuyển đi nơi khác.
Mọi công việc xếp vải vào thùng, đóng hộp các phu bốc vác đều phải thực hiện đầy đủ.
Công việc bốc vác vải đòi hỏi những người khỏe mạnh, có sức khỏe dẻo dai.
Theo đó, mỗi cửu vạn sẽ được "khoán" toàn bộ các công đoạn xếp vải vào thùng xốp ướp đá, sắp xếp, bốc vác các thùng xốp vải đã được đóng chặt, cố định cẩn thận lên các xe chở hàng để vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ.
Các "cửu vạn" sẽ được trả 700.000 đồng cho mỗi tấn vải thành phẩm, đóng thùng xốp cẩn thận, xếp lên xe chở. Với công việc trên, các phu bốc vác vải tại đây sẽ có thu nhập trung bình từ 2 - 3 triệu đồng/ngày, tùy vào số lượng sản phẩm bốc vác được.
Việc loại bỏ tạp chất, các quả vải hỏng thường được phụ nữ đảm nhiệm.
Vải được tưới nước để giữ tươi lâu trong thời gian vận chuyển.
Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Văn Luận (40 tuổi, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) cho biết, bản thân ông đã làm công việc bốc vác vải này được hơn 20 năm nay.
"Mỗi khi vụ vải đến tôi lại tới đây làm bốc vác cho các cửa hàng thu mua vải tại đây. Nhà tôi cũng có vải thiều nhưng không nhiều nên tôi tranh thủ những ngày mùa vụ này đi kiếm tiền lo cho gia đình. Việc này trả lương theo sản phẩm, làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít, nên mọi người đều cố gắng bốc được càng nhiều hàng lên xe sẽ càng có nhiều tiền", ông Luận cho biết.
Các khối đá lớn để ướp vải.
Ông Luận đã gắn bó với nghề "cửu vạn" được hơn 20 năm nay.
Theo ông Luận, do công việc được trả lương theo số lượng hàng bốc được nên giờ giấc làm việc cũng không cố định: "Còn sức thì còn cố làm, có những đợt tôi làm thông 2 - 3 hôm vì hàng nhiều, càng làm được tiền lại càng muốn làm thêm, lúc nào mệt quá mới nghỉ. Công việc này thì cũng chỉ là bán sức lấy tiền chứ mệt lắm, tất cả cũng chỉ vì con cái, vì miếng cơm manh áo gia đình nên cố gắng làm kiếm tiền", ông Luận tâm sự.
Với lượng hàng tấp nập như hiện nay, trung bình mỗi ngày ông Luận kiếm được từ 2 – 3 triệu đồng.
Ông Chanh cố gắng bốc vác hàng để kiếm thu nhập trong vụ vải.
Dù công việc vất vả nhưng ai cũng đều cố gắng làm vì đem lại thu nhập khá cao.
Một ngày làm việc trung bình đem lại thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng.
Cũng là một phu bốc vác vải tại chợ Kim, ông Hoàng Văn Chanh (45 tuổi, Phượng Sơn, Lục Ngạn), cho biết vụ vải năm nay không có nhiều "cửu vạn" từ các tỉnh thành khác đến làm việc.
"Mọi năm, các "cửu vạn" từ những tỉnh thành khác như Lạng Sơn, Hải Dương… đến đây làm thuê nhiều nhưng năm nay thì ít. Có thể do người dân quanh khu vực cũng làm nhiều nên các cửa hàng cân không còn thiếu phu bốc vác", ông Chanh cho biết.
Dù mệt mỏi nhưng tất cả đều phải cố gắng làm xong việc, đặc biệt thời điểm nhiều hàng.
Những thùng hàng sẵn sàng chờ vận chuyển đến các nơi tiêu thụ.
Theo ông Chanh, bản thân mới bắt đầu với công việc bốc vác vải tại đây được 2 năm nay. Làm việc bốc vác mất nhiều sức, thời điểm hàng nhiều sẽ phải làm liên tục không được nghỉ, cùng với thời tiết nắng nóng, người làm việc không quen sẽ không thể làm được.
"Lúc nào hàng ít thì tranh thủ chợp mắt một chút rồi lại dậy làm, càng bốc được nhiều hàng thì sẽ càng được trả nhiều tiền nên mọi người cũng ham. Giờ gia đình tôi cũng không có nhiều vải nên cứ mùa vụ sẽ tranh thủ đi làm kiếm thêm thu nhập", ông Chanh chia sẻ.
Theo ông Chanh, bản thân sẽ cố gắng làm công việc này trong vài vụ tới rồi dừng vì không muốn làm việc quá nặng nhọc lâu dài.
Tổ Quốc