Mua xe chạy thuế - “đặc sản” của thị trường ôtô Việt
Trong hai tháng trở lại đây, thị trường ôtô Việt Nam liên tục chứng kiến sự đổ bộ của những siêu xe, xe siêu sang nổi tiếng cũng như cơn sốt mua xe dung tích lớn trước ngày 1.7.
- 03-06-2016Đua nhau mua ôtô để “chạy” thuế tiêu thụ đặc biệt
- 15-05-2016“Chạy” thuế tiêu thụ đặc biệt, xe sang bán chênh hàng tỉ đồng
- 13-05-2016Thu thuế tiêu thụ đặc biệt tăng 24,14%
Thời điểm điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cho nhiều dòng xe. Trào lưu “chạy thuế” này vốn không mới nhưng có vẻ còn lâu mới cũ khi mà tâm lý số đông của khách hàng cùng sự bất ổn trong chính sách thuế cho mặt hàng ôtô còn hiện hữu.
Trao đổi với Báo Lao Động, ông T - chủ một showroom xe nhập hạng sang tại Long Biên, Hà Nội - cho biết “thị trường đang sôi động lắm” và đơn vị nhập xe nào cũng “vắt chân lên cổ” để lo thủ tục giấy tờ cho các mẫu xe mới về cảng. Ông này cho biết đã nhập cả trăm chiếc xe hạng sang thuộc nhãn Land Rover, Bentley và cả chục chiếc Ferrari đời mới và hiện đang hoàn tất thủ tục cho mấy lô xe mới cập cảng.
Sự náo nhiệt này cũng đang diễn ra ở TPHCM khi hàng loạt mẫu xe đắt tiền như Audi R8 V10 Plus, Ferrari F12, 488, Rolls-Royce Wraith, Bentley Mulliner... liên tục về nước.
Không chỉ các showroom nhập ngoài mà các nhà phân phối chính thức hay liên doanh xe cũng rốt ráo thực hiện các đơn hàng đang xếp dài cho các dòng xe sẽ tăng giá mạnh sau ngày 1.7. Bên cạnh đó, các nhà phân phối cũng khéo léo công bố sớm mức giá mới để thúc đẩy khách hàng rút ví mua xe sớm. Theo đại diện truyền thông của Mercedes-Benz Việt Nam, tới thời điểm hiện tại (24.6), hầu hết các đại lý của nhà phân phối này đã bán xe với giá mới áp dụng sau 1.7, đồng thời tập trung “trả nợ” xe cho rất nhiều khách hàng đặt mua để né thuế trước đó.
Từ ngày 1.7 tới, giá các dòng xe dung tích lớn, đặc biệt là xe siêu sang sẽ tăng tới vài chục tỉ đồng. Do đó, thời gian này là cơ hội để giới giàu Việt Nam thể hiện “sự chịu chơi một cách tiết kiệm”, còn với các đơn vị phân phối đây là dịp để “được ăn cả ngã về không” vì nếu kịp nhập xe chạy thuế và bán được sau 1.7 với mức giá mới, mức lợi nhuận sẽ là “siêu khủng”. Chẳng hạn, một chiếc Lexus LX570 sẽ tăng giá từ 5,6 tỉ lên 7,3 tỉ đồng từ ngày 1.7. Do đó, nếu mua bán trót lọt, lợi nhuận của nhà phân phối có thể lên tới 1,7 tỉ đồng chỉ riêng cho chuyện chênh thuế mà chưa tính tới mức lợi nhuận đã có trong giá xe.
Trên thực tế, dù giá xe ở mức cao nhất khu vực và gấp tới gần 3 lần giá xe tại Mỹ nhưng nhu cầu mua xe được đánh giá là cao và sự chịu chơi của giới nhà giàu Việt Nam cũng khiến nhiều nước phải nể nên trước mỗi lần giá xe có sự biến động lớn vì chính sách thuế phí, thị trường lại được phen nháo nhào.
“Thuế phí hay thay đổi, nhu cầu có ôtô như một phương tiện che nắng mưa hay để thể hiện luôn cao và nhiều người có tâm lý số đông, không mua sợ thiệt là những yếu tố khiến thị trường xe Việt Nam luôn nóng-lạnh bất thường. Sau cuộc chạy đua lần này, thị trường xe sang chắc sẽ lại mất nhiệt cho đến khi có những biến động mới” - một chuyên gia trong lĩnh vực ôtô nhận xét.
Những cuộc đua mua xe chạy thuế: Năm 2004: Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên 24%
Bước sang năm 2004, thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô dưới 5 chỗ tăng từ 5% lên 24%. Theo tính toán, với mức thuế này thì từ đầu năm 2004, giá bán lẻ ôtô sẽ tăng 35% và cuối năm 2003, thị trường ôtô bước vào đợt “sốt nóng” đầu tiên. Từ quý IV/2003, khách hàng đã xếp hàng mua xe và chi phí để lấy xe chạy thuế đã lên tới cả nghìn USD/chiếc.
Năm 2005: Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên 40%
Bước sang năm 2005, thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô dưới 5 chỗ tăng lên 40% rồi đến cuối 2005, thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô lại rục rịch tăng lên 50% với xe dưới 5 chỗ và 30% với xe từ 6-16 chỗ. Vài tháng trước mỗi đợt điều chỉnh thuế, thị trường lại lên cơn sốt và khách hàng lại mất chi phí mềm chỉ để lấy xe sớm bị ép mua những bộ phụ tùng với giá “cắt cổ”.
Năm 2008: Hai lần nâng thuế nhập khẩu, tăng lệ phí trước bạ
Sau 3 lần bất ngờ giảm thuế năm 2007, sang năm 2008, thuế nhập khẩu ôtô lại tăng từ mức 60% lên 70% cho xe mới và thuế tuyệt đối của mặt hàng xe cũ nhập khẩu tăng trung bình 10% để hạn chế ách tắc giao thông, theo yêu cầu của Chính phủ. Tiếp đó, thuế lại được nâng lên 83%, kéo theo giá xe nhập khẩu cũng tăng. Và trước mỗi lần tăng thuế, thị trường xe lại nháo nhào chạy thuế. Đến quý II/2008 lệ phí trước bạ dành cho ôtô lại được điều chỉnh tăng, với mức sàn 10% và mức trần 15% đối với các loại xe du lịch dưới 10 chỗ ngồi (Nghị định 80) và công cuộc mua xe né phí lại nóng trước khi thị trường xe đóng băng vì suy thoái kinh tế.
Năm 2009: Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt
Từ đầu năm 2009, Hà Nội lại thay đổi, quyết định áp mức phí trước bạ mới là 12% với ôtô từ 19.1.2009, và từ 1.4.2009, thuế tiêu thụ đặc biệt mới có hiệu lực. Cuộc chạy đua trên thị trường xe lại tái diễn. Tuy nhiên, chỉ sau đó một tháng, đến đầu tháng 5.2009 do kinh tế khó khăn Chính phủ quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ và 50% thuế VAT cho ôtô đến hết năm. Và trước khi chương trình hỗ trợ kết thúc, người người, nhà nhà lại đua nhau mua xe.
Lao động