MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mùa Xuân, suy nghĩ về Thiền trong cuộc sống hiện đại

28-01-2019 - 08:00 AM | Sống

Thiền ngày nay đã không còn là một khái niệm xa lạ đối với nhiều người.

Hiểu đơn giản, thiền để chỉ một phương pháp giúp cho ta sống trọn vẹn với hiện tại và tìm được sự bình an sâu thẳm trong tâm hồn mình. Bước ra ngoài khuôn khổ của sự tu hành, thiền giờ đây được đông đảo mọi người đón nhận và thực tập như một phương pháp để giải tỏa căng thẳng, giúp chúng ta biết hướng đến hạnh phúc đích thực.

Cách đây hơn 10 năm, ngày 4/5/2008, Thiền sư Thích Nhất Hạnh - nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma - đã có một cuộc giao lưu Bàn tròn trực tuyến với báo VietNamnet. Đó là một cuộc giao lưu thú vị và gợi mở nhiều ý nghĩa về Phật giáo trong cuộc sống hiện đại.

Tôi thật sự lắng đọng với câu nói của Thiền sư về hạnh phúc: “Hạnh phúc của chúng ta đâu phải chỉ là quyền lực, danh vọng, tiền bạc. Hạnh phúc là khi chúng ta có tình thương và sự hiểu biết”... Muốn có hạnh phúc, mỗi chúng ta cần có “Mắt thương nhìn cuộc đời”. Mỗi khi nghĩ về năm mới, chúng ta luôn hy vọng rằng trong năm mới chúng ta sẽ làm hay hơn năm cũ. Nhưng làm hay hơn nghĩa là sao? Chúng ta có thể mong ước rằng trong năm mới ta sẽ chăm sóc mình tốt hơn, và nếu ta biết chăm sóc chính mình thì ta sẽ chăm sóc tốt hơn cho những người ta thương yêu. Và chúng ta có thể yểm trợ nhau trong sự thực tập chung này”.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Hạnh phúc là khi chúng ta có tình thương và sự hiểu biết”.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Thái Hà Books - tác giả của nhiều cuốn sách về Quản trị kinh doanh và thực hành đạo Phật trong đời thường cũng là một hình ảnh hiện hữu của Thiền trong cuộc sống một cách bình dị và rất đời. Là một người được Thầy Nhất Hạnh dạy về chánh niệm từ năm 2005, TS. Nguyễn Mạnh Hùng cũng chú tâm và mở lòng: “Chỉ cần chánh niệm là Thầy Nhất Hạnh có mặt trong từng tế bào và hơi thở của ta. Khi có ý thức trọn vẹn, có chánh niệm đủ đầy là Thầy Nhất Hạnh sẽ trong ta luôn. Vậy nên việc quan trọng nhất tôi luôn tự nhắc mình là thực tập chánh niệm trong mỗi cử chỉ hành động”.

Thiền đã được đại chúng đón nhận, đặc biệt là giới trẻ. Và trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, thiền luôn có khả năng tạo ra nguồn năng lượng mới, nguồn năng lượng tích cực. Không phải ngẫu nhiên mà giới doanh nhân lại đón nhận Thuật Lãnh đạo thiền do TS. Ginny Whitelaw - nguyên Phó giám đốc chương trình Trạm không gian tích hợp của NASA phát triển và ứng dụng trong đào tạo dành cho cấp quản lý của nhiều công ty lớn trên thế giới.

Thực chất, đây là sự ứng dụng thiền vào khoa học quản trị và lãnh đạo dành cho doanh nhân toàn cầu. Và Thuật Lãnh đạo thiền đã được giới doanh nhân Việt Nam đón nhận chân thành, bắt đầu từ một cuộc tọa đàm hữu ích. Và cũng thật thú vị, ngay cả Bill Gates, Steve Jobs… cũng sang Ấn Độ học thiền. Hoặc hiện nay, tập đoàn Google có phong trào thiền cho cả tập đoàn. Nhờ Thiền mà môi trường làm việc tại Google trở nên vui tươi và thân thiết hơn, góp phần tạo hiệu quả công việc tốt hơn cho các sản phẩm và ứng dụng của Google.

Các kỹ sư Google trao đổi và thực hành thiền.

Và trong thiền, có chánh niệm. Thật lòng, khi ngắm những bức ảnh Thầy Thích Nhất Hạnh “ra đi là để trở về” với chùa Từ Hiếu (Huế), tôi thấy được cội nguồn thân xác của một con người. Chuyện kể rằng: Trước đây, lúc Thầy rời chùa Từ Hiếu, Thầy thưa với Sư Cố rằng: “Con đi rồi con sẽ trở về”.

Những ngày cuối tháng 10 năm 2018 vừa qua, khi đã 93 tuổi, Thiền sư Thích Nhất Hạnh chọn trở về thất Lắng Nghe trong chùa Từ Hiếu - chùa mà ngài đã xuất gia tu hành lúc thiếu thời - để tịnh dưỡng từ đây cho đến khi viên tịch. Rất nhiều Phật tử rưng rưng khi được đảnh lễ hầu thăm vị Thiền sư đáng kính.

Cuối tháng 12 của năm 2018, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có một chuyến thăm khu nghỉ dưỡng yên bình Ana Mandara Huế. Ngồi xe lăn, trong phong thái ung dung, tự tại, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã trao cho đất dưỡng sinh một cây xanh bén rễ. Đôi mắt tinh anh của Thầy luôn đón nhận cả không gian thoáng đãng, bình yên như từng hơi thở của thiền. Đó là một cuộc hạnh ngộ rất đáng trân quý giữa một địa danh như Ana Mandara Huế với Thiền sư Thích Nhất Hạnh - cuộc hạnh ngộ xúc động lòng người và khởi sinh mầm xanh, đón những mùa Xuân hạnh phúc.

A.D

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên