Mục sở thị làng tỷ phú “Đại gia chân đất” tự thân làm giàu ở biệt thự sang, đi xế hộp xịn
20 tuổi có nhà lầu xe hơi, sở hữu công xưởng với hàng trăm đầu máy, những người trẻ ở làng "mổ xe", xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc khiến không ít người ngưỡng mộ. Không học rộng tài cao, không tha hương cầu thực, thanh niên Tề Lỗ quyết tâm ở lại quê nhà học nghề “mổ” xe của cha ông, rồi dần dần phất lên thành những tỷ phú khi tuổi đời còn rất trẻ.
- 31-01-2019Những tỷ phú "chân đất" nhờ trồng thanh long
- 09-07-2018Làng tỷ phú nhờ... rác
- 19-08-20175 ngôi làng tỷ phú ở xứ Nghệ
Mục sở thị “lò mổ” ô tô
8h sáng, cả xã Tề Lỗ như một đại công trường khổng lồ. Những chiếc xe ô tô cũ kỹ mang đủ biển số từ Nghệ An, Thanh Hóa, đến Lào Cai, Quảng Ninh... lần lượt nối đuôi nhau kéo về làng. Tiếng chát chúa, xoèn xoẹt của máy móc lẫn tiếng người kỳ kèo bán mua tạo thành không khí ồn ào, tấp nập kéo dài từ sáng sớm đến tận đêm khuya.
Đi từ đầu đến cuối làng, hai bên đường chất ngổn ngang từ sắt vụn, linh kiện hỏng đến xe máy, ô tô. Trong các bãi "mổ xe" của các tỷ phú làng nghề này cũng ngồn ngộn đầy máy xúc, máy ủi...
Những tỷ phú trẻ phất lên nhờ những lò mổ xe ở địa phương. Ảnh minh họa
Tìm hiểu thêm, được biết, chủ nhân của bãi “mổ xe” này đa phần tuổi đời còn rất trẻ. Mới 21 tuổi, Nguyễn Văn Nghĩa được đánh giá là một trong những tỷ phú thành công trong giới “mổ xe”. Học hết lớp 9, Nghĩa ở nhà cùng gia đình làm nghề “mổ xe”. Ít năm sau, Nghĩa được gia đình đầu tư một bãi mổ riêng và làm ăn độc lập. Hiện tại, Nghĩa có 100 chiếc cẩu loại lớn, 82 ô tô sắp xuất xưởng cùng hàng trăm động cơ, máy ủi... Ước tính tài sản của chàng trai 21 tuổi lên đến gần 150 tỷ đồng.Theo ước tính của người dân, hiện nay, làng Tề Lỗ có khoảng 600 - 700 bãi "mổ xe" lớn nhỏ. Năm 2007, Tề Lỗ được quy hoạch thành cụm làng nghề "mổ xe" với diện tích gần 20ha đến nay quy mô ngày càng được mở rộng. Đến khu vực chợ sắt Tề Lỗ, chứng kiến hàng trăm bãi “mổ xe”, ngồn ngộn những đống sắt, động cơ xe, lốp khiến chúng tôi không khỏi choáng ngợp.
Nói về nghề “phẫu thuật” xe 4 bánh, một người dân trong xã kể rằng, cách đây 20 năm, người dân trong xã chủ yếu làm nghề lái trâu chăn vịt. Sau rồi nghề chăn nuôi cũng mai một dần khi nghề buôn đồng nát phát triển. Mọi người trong làng, thấy người này làm có lời, người khác cũng bắt chước làm theo.
Trong quá trình mổ xe xe cơ giới, người ta phát hiện ra chi tiết của những xe công trình cho lợi nhuận cao hơn, vậy là họ quay sang thu mua những phụ tùng đó. Tiến thêm một bước, người dân bắt đầu “độ” xe (trung tu, đại tu xe), mua xe cũ rồi ráp lại thành xe mới, bán kiếm chênh lệch gấp vài lần.
Chia sẻ với báo chí, anh Đào Quang Điệp (SN 1981) cho biết: “Thời gian đầu, ở Tề Lỗ có một hai người lãi lớn vì bán được máy ủi cũ. Vậy là sau đó cả xã đua nhau mua máy ủi về bán, rồi đến ô tô cũ, máy công trường, cần cẩu... Dần dần nơi đây trở thành cánh đồng xe cũ”. Anh Điệp cũng là một đại gia trẻ có tiếng ở Tề Lỗ. Lò mổ xe cũ của Điệp nằm ngay sau khuôn viên căn nhà hai tầng, gần chục công nhân liên tục cẩu bộ phận động cơ của máy ủi lên chiếc xe tải hơn chục tấn. Nghề chính của anh là buôn bán các loại ô tô, máy xúc, máy ủi, cần cẩu cũ...
Chỉ cần nghe ở đâu có máy móc, xe cũ cần thanh lý, Điệp tìm đến mua, sau đó thuê xe chở về để ở bãi. “Con” nào còn ngon, tút lại bán cho người tiêu dùng; “con” nào nát quá, bổ ra bán sắt vụn, phụ tùng, chi tiết máy còn dùng được thì đập sang xe khác hoặc bán cho người cần. Ước tính bãi của Điệp có đến đến gần trăm máy, xe cũ, có “con” giá chỉ 20-30 triệu đồng, có “con” giá lên đến gần tỷ đồng. Trung bình mỗi chiếc xe tính trừ chi phí thuê người kéo về, lắp ráp, thay thế phụ tùng, con nào lời nhất được 200 - 300 triệu đồng, “con” nào ít thì được 100 triệu đồng.
Sau thời gian vất vả, hàng chục bạn trẻ của Tề Lỗ cũng phất lên nhanh như diều gặp gió, xây biệt thự, tậu xe sang. Ngôi nhà to nhất nhì xã của Đào Đình Thắng (SN 1974) người thôn Giã Bàng, lúc nào cũng có vài ba chiếc xe con hạng sang đậu ở ga ra. Thắng cũng là một trong những người đầu tiên đưa nghề buôn máy xúc, máy cẩu, ô tô cũ... về làng. Dân cùng nghề ước tính tài sản của Thắng khoảng gần 100 tỷ đồng, chưa kể hơn 100 máy công trình đang chờ ngày xuất xưởng. Thời điểm gần 30 tuổi Thắng đã có nhà lầu xe hơi riêng khiến nhiều người nể phục.
Gần 20 năm trước, thấy mọi người đua nhau xây nhà tầng, anh cũng lân la đến các xưởng làm thuê để học nghề. Đến năm 20 tuổi, Thắng mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư mở xưởng rồi thành lập công ty, làm ăn và phất nhanh bất ngờ.
Phía sau xã tỷ phú
Ở làng này thanh niên đi học cũng có nhưng rất ít, chủ yếu ở nhà làm "giám đốc" cho bố mẹ. Hầu hết thanh niên 20 tuổi ai cũng có nhà lầu, đi xe riêng. Cùng với sự phát triển như vũ bão, làng "mổ xe" Tề Lỗ nổi lên những “ngôi sao” đình đám như: Nhung, Thu Rẽ, Sơn Thành, Tuấn, Lan Khích... với những bãi đỗ xe khổng lồ lên đến hàng tỷ đồng. Bạn học của Thắng là anh Vũ Mạnh Kiên, sau khi học xong trung cấp điện ở Sơn Tây, rồi đại học Luật Hà Nội , về quê làm Phó Bí thư Đoàn xã Tề Lỗ được 5 năm, rồi nghỉ và chuyển sang làm động cơ điện. Qua gần chục năm lăn lộn, nay Kiên đã là chủ doanh nghiệp Mạnh Kiên, nắm trong tay những động cơ trị giá từ 500 đến 700 triệu đồng, tạo việc làm cho 13 công nhân trẻ. Anh Kiên cũng là chủ sở hữu xưởng sản xuất quy mô lớn tại thành phố Vĩnh Yên với số vốn đầu tư 10 tỷ đồng.
Theo một cán bộ Đoàn xã Xuân Lộc, ở Tề Lỗ có khoảng 1.400 hộ dân và 1/3 trong số đó làm nghề thu mua xe công trình, hiện nay, xã có khoảng 600 - 700 bãi "mổ xe". Đa số các ông chủ bãi xe cũ trong độ tuổi thanh niên và nếu tính theo mức tài sản từ 10 tỷ đồng trở xuống thì Tề Lỗ có khoảng 70 người.
“Tề Lỗ có lẽ là địa phương có mật độ xe hơi tính trên số hộ dân thuộc vào diện lớn nhất cả nước. Dân ở đây toàn chơi xe đẹp, vì phải đi giao dịch làm ăn mà. Xe Camry 2.4, BMW có khoảng vài chục cái, còn các dòng xe rẻ tiền hơn thì phải tính bằng 3 chữ số”, vị cán bộ xã cho biết thêm. Dù rất vui khi Tề Lỗ ngày một thay da đổi thịt, nhiều người trẻ tuổi thành đạt, nhưng nhiều người lại bày tỏ nỗi lo bởi tiền nhiều nhưng cũng nhiều ông chủ trẻ thất học. Không ít thanh niên bỏ học từ sớm để buôn bán theo kiểu “học ở thương trường”.
Mô hình “trưởng thành từ thương trường” như những tỷ phú nơi đây hiện vẫn được rất nhiều thanh niên Tề Lỗ “học tập” nhưng đáng buồn khi những kiến thức kinh doanh bền vững không được họ chú trọng.
Theo đó, dễ nhận thấy nhất là vấn đề môi trường. Các bãi mổ xe chỉ được trải những tấm lưới sắt quây xung quanh, dầu mỡ loang lổ khắp nơi. Tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng khiến kênh 10, nguồn nước dẫn chủ yếu tưới tiêu cho đồng ruộng Tề Lỗ, luôn trong tình trạng nước thải đen sì và bốc mùi hôi thối. Nếu các chủ bãi xe không có quy hoạch và xử lý môi trường hợp lý, hiểm họa trước sau gì cũng xảy ra.
Đặc biệt có nhiều chủ bãi tuổi đời mới chỉ 17, 18 tuổi. Họ thường là những cậu ấm con những chủ bãi làm lâu năm, được đầu tư dạy nghề và mở một bãi mổ riêng nên kinh nghiệm, tư duy về môi trường và kinh doanh bền vững chưa đầy đủ, rất cần sự đầu tư, quy hoạch để người dân làm ăn hiệu quả và đảm bảo vấn đề vệ sinh, môi trường.
Rác cũng biến thành vàng
Để kiếm được những hợp đồng béo bở, thanh niên Tề Lỗ đã phải đi khắp nơi từ Nam ra Bắc, phải thiết lập mối quan hệ. Thậm chí, sang tận Lào, Campuchia, Trung Quốc để tìm đầu mối nhập xe.
Do vậy, muốn trở thành tỷ phú làng "mổ xe" thì phải có kiến thức và có con mắt nhìn thực tế không được vội vã hoặc ham rẻ. Tề Lỗ trước nổi tiếng là làng chứa rác nhưng giờ đây giới buôn xe khắp cả nước đều biết đến.
Đời sống và Pháp luật