Mục sở thị nghề 'hái ra tiền' dịp Tết
Những ngày này, tại các vườn đào ở xã Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đang tất bật công tác tuốt lá để hoa nở đúng dịp Tết. Cũng nhờ công việc này, nhiều người dân có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.
- 29-12-2022Bưởi cảnh giá hàng chục triệu mỗi chậu phục vụ "đại gia" mua về chơi Tết
- 29-12-2022Về quê ăn Tết, chồng bỏ quên vợ trên đường cao tốc lúc trời chưa sáng
- 02-01-2023Tết trọn an vui: Dù đắt hay rẻ, dù giàu hay nghèo, có 1 chuyến tàu mà đời người không bao giờ được bỏ lỡ
- 28-12-2022Nhiều trường đại học lì xì Tết cho toàn bộ sinh viên
- 26-12-2022Cây nêu có từ bao giờ, mang ý nghĩa gì trong văn hóa Tết cổ truyền của người Việt?
Cuối tháng 12, tại các khu vực trồng đào phai ở thôn Đông Vĩnh, Kim Sơn, Xuân Sơn… xã Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) rất nhiều người chia thành từng tổ để tập trung tuốt lá thuê cho các chủ vườn.
Mặc dù đây chỉ là công việc thời vụ, làm trong vòng khoảng 15-20 ngày vào những ngày cuối năm nhưng đã giúp cho nhiều người dân ở Hà Tĩnh “hái ra tiền” trong dịp Tết cận kề.
Khoảng 1 tuần nay, thời tiết nắng ráo, chị Dương Thị Hà (SN 1980, trú huyện Thạch Hà) cùng một số người dân trong thôn cùng lên các triền đồi trồng đào ở thôn Đông Vĩnh để hái lá đào thuê giúp chủ vườn. Chị Hà làm nghề này đã hơn 4 năm nay, thường ngày chị làm bốc vác gỗ keo thuê, chỉ tận dụng những ngày cuối năm để đi tuốt lá đào.
“Mỗi ngày nếu nhanh chỉ tuốt được từ 7-8 gốc đào. Nghề này chỉ làm thời vụ trong những ngày cuối năm, nên thu nhập cũng khá mà đỡ cực hơn làm bốc vác gỗ keo. Việc tuốt lá phải có kỹ thuật, yêu cầu cẩn thận, tỷ mỉ để tránh làm gãy cành và nụ, muốn làm vội cũng không được”, chị Hà chia sẻ.
Những cành hoa đào phai bắt đầu nở hoa chào đón mùa Xuân....
Vì công việc không quá khó khăn nên chủ yếu những người đi tuốt lá đào thuê là các phụ nữ, người già. Họ tận dụng thời gian rảnh rỗi trong những dịp cuối năm để kiếm thêm thu nhập.
Bình quân mỗi ngày họ kiếm được từ 200-250 ngàn đồng/ngày. Dù nghề tuốt lá không quá mất sức lao động nhưng yêu cầu người làm phải đứng trong vòng nhiều giờ đồng hồ.
Lá được người hái tuốt từ từ ở từng cành. Đối với những cành cao quá đầu người họ phải sử dụng một thanh tre có dây và cột thêm đá để kéo nhẹ các cành đào xuống hái lá.
Những ngày qua bà Nguyễn Thị Thanh (70 tuổi, trú xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà) cũng được chủ vườn thuê đến để tuốt lá đào. Cứ khoảng 3 năm nay, hầu như những ngày cuối năm bà Thanh lại có thêm thu nhập từ nghề tuốt lá đào. Bà Thanh cho biết buổi sáng bà làm việc từ 7h đến 11h, chiều 14h làm đến khi trời tối mới nghỉ. Mỗi ngày bà sẽ nhận được 200 ngàn tiền công.
Hầu như những nhà vườn trồng đào họ xem thời tiết, cứ trước dịp Tết Nguyên đán khoảng 20-30 ngày sẽ xuống lá cho đào để nở đúng dịp Tết.
Ông Trần Văn Trọng (xã Lưu Vĩnh Sơn) cho hay, năm nay có 500 gốc đào bán ra thị trường. Ông Trọng làm nghề trồng đào được khoảng 10 năm, nhưng khoảng 4 nay mới trồng mở rộng diện tích khi thị trường tiêu thụ tăng cao trong dịp Tết.
Việc tuốt lá đào cũng yêu cầu phải có kỹ thuật để tránh làm gãy cành.
Những gốc đào tại vườn được bán với giá từ 500-700 ngàn đồng, cũng có những gốc trồng lâu năm giá sẽ cao hơn từ 1-3 triệu đồng.
Được biết, tại xã Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà) có khoảng 600 hộ dân trồng đào trên diện tích 85 ha. Trong đó, hộ trồng nhiều nhất trên 1.000 gốc, ít thì từ 50-70 gốc. Thị trường chủ yếu bán cho người dân trong tỉnh và một ít cho các tỉnh giáp ranh như Nghệ An, Quảng Bình.
Tiền phong