MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân: Vẫn còn nhiều thách thức ​

01-07-2018 - 08:15 AM | Xã hội

Định hướng sắp tới, BHYT sẽ tập trung cho những người đang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, những người có mức thu nhập chưa không ổn định...

Đến nay, đã có hơn 81 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt tỷ lệ bao phủ 86,6% dân số. Hàng triệu người dân nghèo được khám chữa bệnh chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Tuy nhiên, mục tiêu bao phủ toàn dân vẫn là một thách thức bởi hiện vẫn còn 14% dân số chưa tham gia BHYT.

Mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân: Vẫn còn nhiều thách thức ​ - Ảnh 1.
Đến nay, đã có hơn 81 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt tỷ lệ bao phủ 86,6% dân số. 

Để duy trì được số người đang tham gia cũng là một vấn đề đáng quan tâm và vẫn còn nhiều bất cập trong chính sách khám chữa bệnh BHYT cần được khắc phục. Nhân ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (1/7), phóng viên VOV phỏng vấn ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam về nội dung này.

PV: Ông có đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được của chính sách BHYT đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian qua?

Ông Phạm Lương Sơn: Chúng ta đã phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức những chỉ tiêu mà Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị giao cho cả hệ thống chính trị, cụ thể là Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Bên cạnh đó đã đảm bảo được quyền lợi cơ bản, chính đáng được quy định trong Luật BHYT cho người dân khi tham gia chính sách BHYT.

Mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân: Vẫn còn nhiều thách thức ​ - Ảnh 2.

Ông Phạm Lương Sơn-Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam.

Toàn ngành BHXH đã đảm bảo việc giám định, thanh quyết toán, đảm bảo quyền lợi cho 170 triệu lượt người khám chữa bệnh với tổng số tiền đề nghị thanh toán trên 88 nghìn tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 5/2018, trên 81 triệu người dân đã có BHYT, đã tăng thêm hơn 1 triệu người và BHYT đảm bảo tính phát triển bền vững ổn định cho số những người tham gia bảo hiểm y tế liên tục 5 năm.

Định hướng sắp tới sẽ tập trung vào phát triển BHYT cho những nhóm yếu thế, những người đang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, những người có mức thu nhập chưa không ổn định để làm sao đảm bảo phát triển hơn nữa số người tham gia, đồng thời đảm bảo tính bền vững của chính sách BHYT.

Kịp thời tổ chức tạm ứng và thanh quyết toán tạm thời cho các cơ sở y tế theo đúng quy định của BHYT. Đến nay, gần 5 nghìn tỷ cũng đã được chi để đảm bảo cơ bản nguồn kinh phí cơ bản cho các cơ sở khám chữa bệnh

PV: Đến nay, tỷ lệ người tham gia BHYT đã là hơn 86%, tuy nhiên việc bảo phủ toàn dân tham gia BHYT còn gặp nhiều thách thức. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào ?

Ông Phạm Lương Sơn: Trước hết, việc phát triển đối tượng cũng đang gặp nhiều khó khăn thách thức. Chúng ta đang phải đối đầu với mức đóng của các đối tượng tham gia BHYT chưa tương đồng với mức hưởng và nguy cơ phải đối diện với việc mất cân đối cục bộ quỹ BHYT ở các địa phương đang dần dần hiện hữu đòi hỏi cần phải có sự vào cuộc , sự chung tay quyết liệt cả từ ngành BHXH, ngành BHYT và đặc biệt là các cơ sở khám chữa bệnh.

Mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân: Vẫn còn nhiều thách thức ​ - Ảnh 3.
Mục tiêu bao phủ toàn dân vẫn là một thách thức bởi hiện vẫn còn 14% dân số chưa tham gia BHYT.

Mặc dù vậy, cũng có thể nói là nếu có sự quyết tâm, đồng bộ cao thì chúng ta vẫn có thể đảm bảo đủ nguồn lực từ quỹ dự phòng trung ương để đảm bảo kinh phí chi trả khám chữa bệnh cho người tham gia BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh đủ đến năm 2020, trước khi chúng ta có thể đề xuất và được chấp nhận điều chỉnh mệnh giá đóng, đảm bảo nguyên tắc tương đồng, cân bằng giữa mức đóng và mức hưởng.

PV: Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực tại các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là các cơ sở y tế tuyến xã, phường, cần có những giải pháp gì  đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT , thưa ông?

Ông Phạm Lương Sơn: Nhân lực và năng lực của nhân viên y tế là những yếu tố cơ bản. Đây không chỉ là khó khăn của Việt Nam mà là khó khăn chung của các nước trong khu vực cũng đang vướng vấn đề này. 

Chúng ta đang rất nỗ lực hướng tới vì y tế cơ sở, thậm chí đã có nơi triển khai thí điểm những mô hình cung cấp dịch vụ kỹ thuật ngay tại trạm y tế xã.

Về chủ trương thì chúng tôi ủng hộ nhưng cũng lưu ý rằng cần có nguồn nhân lực tương đồng với trình độ phù hợp, đảm bảo cung cấp dịch vụ kỹ thuật đó cho người dân ngay tại tuyến y tế cơ sở, bao gồm cả y tế tuyến xã.

Phải đảm bảo chuẩn về mặt chất lượng, thời gian để tăng hiệu quả sử dụng quỹ BHYT cũng như kinh phí của người dân. Những kết quả đó rất cần được liên thông, sử dụng trong thời gian theo quy định của Bộ Y tế.

PV: Thưa ông, việc phân tuyến khám chữa bệnh thời gian qua đã phát huy hiệu quả trong việc phục vụ người dân nhưng đã phát sinh nhiều tiêu cực khi người dân muốn chuyển tuyến khám chữa bệnh. Vậy ngành BHXH có giải pháp gì để đảm bảo quyền lợi cho người dân khi tham gia khám chữa bệnh BHYT?

Ông Phạm Lương Sơn: Thông tuyến khám chữa bệnh ở tuyến huyện thực hiện từ năm 2015 đến nay là một trong những giải pháp đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người dân khi tham gia BHYT, tăng khả năng tiếp cận với các cơ sở y tế cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh ban đầu. 

Tuy nhiên, trước hết là các cơ sở khám chữa bệnh có thể tận dụng quy định thông tuyến, tìm cách thu hút người bệnh đến khám bệnh, đặc biệt là vùng giáp ranh các tỉnh với nhau.

Đồng thời, các cơ sở khám chữa bệnh có số thẻ đăng ký ban đầu tìm giải pháp để giữ bệnh nhân lại. Vô tình, 2 biện pháp đó từ các cơ sở khám chữa bệnh một phần làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những người khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT.

Vì vậy, khi tiếp nhận thông tin bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào, cơ quan BHXH đều có ý kiến hoặc chỉ đạo trực tiếp đến đó để có những can thiệp để đảm bảo cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện đúng, đủ các quy định của pháp luật.

Với những hành vi có biểu hiện tiêu cực, lạm dụng, trục lợi thì chúng tôi cũng sẽ kiên quyết xử lý, thậm chí thực hiện quy chế phối hợp với tổng cục cảnh sát, cũng đã có những đề nghị phía cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ, xác định và xử lý kịp thời.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Kim Thành

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên