MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mục tiêu đến năm 2026 ĐBSCL phải có 600km đường cao tốc có thực hiện được?

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị quyết tâm hoàn thành 600km đường cao tốc ở ĐBSCL trong năm 2026. Ba trụ cột: vốn - mặt bằng - vật liệu thì tiền đã có đủ và mặt bằng đã sẵn sàng. Vậy ĐBSCL sở hữu 600km được không trong khi vùng đang đối mặt với thách thức khan hiếm nguồn nguyên liệu?

Giấc mơ cao tốc không còn xa

Ngày 13/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác, kiểm tra các công trình giao thông trọng điểm ở khu vực ĐBSCL. Thủ tướng trực tiếp đôn đốc Chủ đầu tư, công nhân trên công trường với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “thi công 3 ca 4 kíp”. Tại đây, Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thành 600km đường cao tốc trong năm 2026. “Chỉ bàn làm, không bàn lùi”, tập thể từ Bộ - Ngành TW đến địa phương và Chủ đầu tư phải quyết tâm hoàn thành công trình trọng điểm quốc gia bằng các giải pháp linh hoạt.

Mục tiêu đến năm 2026 ĐBSCL phải có 600km đường cao tốc có thực hiện được?- Ảnh 1.

Nỗ lực, quyết tâm, "lấy lửa thử vàng", các địa phương phối hợp với Bộ - Ngành và chủ đầu tư hoàn thành 600km đường cao tốc vào năm 2026.

Chính phủ quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 cho khu vực ĐBSCL là 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài 1.188km. Trong đó 3 tuyến trục dọc với tổng chiều dài khoảng 591km gồm: cao tốc Bắc - Nam phía đông dài 245km; cao tốc Bắc - Nam phía tây dài 180km; cao tốc TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng dài 150km. 3 tuyến trục ngang với tổng chiều dài khoảng 591km bao gồm: cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 191km; cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 212km và cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh dài 188km.

Đến thời điểm hiện tại, ĐBSCL đã khai thác và thông xe được 200km cao tốc với quy mô 4 làn xe, gồm: các đoạn tuyến cao tốc: TP.HCM - Trung Lương; Trung Lương - Mỹ Thuận; Mỹ Thuận - Cần Thơ; Cao Lãnh - Lộ Tẻ và Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.

Đang triển khai 5 dự án giao thông trọng điểm quốc gia thuộc diện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Nhà nước, gồm: cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc Cao Lãnh - An Hữu; cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh và đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận. Ngoại trừ cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh thì 4 dự án còn lại đang tổ chức thi công.

Mặt bằng chờ sẵn

Công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án cơ bản đáp ứng tiến độ triển khai thi công, cụ thể: Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đạt 99%; dự án Cần Thơ-Cà Mau đạt 99%; dự án Cao Lãnh - An Hữu đạt 99%,; đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận đoạn qua địa phận tỉnh Kiên Giang đạt khoảng 18%. Mặc dù khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại không nhiều, nhưng nếu không được giải quyết dứt điểm trong tháng 7/2024 sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn thành thi công toàn bộ các dự án.

Tại hai tuyến Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tiến độ giải phóng mặt bằng qua các địa phương đã đạt trên 99%. Đối với Cà Mau, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải cho biết, hiện địa phương này đã chi trả và bàn giao mặt bằng được gần 140 hecta, đạt tỉ lệ hơn 99%.

Riêng An Giang đang còn 13 hộ được đối thoại, nếu bất thành sẽ tiến hành thủ tục cưỡng chế. Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang khẳng định từ nay đến cuối năm 2024, tỉnh sẽ giải phóng 100% mặt bằng.

Còn tại Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Hiếu - Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho rằng, thành phố sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ hai tuyến cao tốc trục dọc và trục ngang nên đang tập trung giải phóng “nốt” số mặt bằng còn lại trong tháng 7.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ  Nguyễn Văn Hiếu khẳng định: "Chúng tôi cũng cam kết trong tháng 7 này sẽ giải quyết dứt điểm đối với 15 trường hợp còn lại. Ngoài ra sẽ phối hợp với các đơn vị điện lực, viễn thông giải quyết xong trong tháng 7 và tháng 8, giao mặt bằng sạch tuyệt đối cho các đơn vị thi công. Nhiệm vụ thứ 2 đó là có chỉ đạo hỗ trợ các đơn vị thi công đảm bảo đẩy nhanh tiến độ, bù lại khoảng thời gian vừa qua bị chậm do cát san lấp không đủ".

Mục tiêu đến năm 2026 ĐBSCL phải có 600km đường cao tốc có thực hiện được?- Ảnh 2.

Công nhân thi công trên cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Khắc phục khó khăn về nguồn vật liệu

Về công tác triển khai thi công, theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, 2 dự án phải cơ bản hoàn thành năm 2025, gồm: Cần Thơ - Cà Mau và đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận. Riêng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026.

Để có thể hoàn thành các dự án theo kế hoạch đề ra, vấn đề cốt lõi nhất hiện nay là phải đảm bảo nguồn vật liệu cát đắp, vật liệu cấp phối đá dăm và công tác chỉ đạo, điều hành của chủ đầu tư, cũng như sự nỗ lực, quyết tâm của các nhà thầu trong tổ chức thi công là yếu tố quyết định đến tiến độ hoàn thành các dự án.

Đến nay đã xác định nguồn cung ứng cát với tổng trữ lượng khoảng 63 triệu m3 so với nhu cầu 55 triệu m3 do các địa phương: An Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng cung ứng. Trong đó đã đủ điều kiện khai thác khoảng 36 triệu m3 và làm hồ sơ hoàn thiện thủ tục cung ứng 26 triệu m3.

Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất hiện nay đó là nguồn cát phải “chia 5 xẻ 7” cho các dự án vừa là công trình trọng điểm quốc gia, vừa là công trình thiết yếu phục vụ hạ tầng của địa phương. Trong bối cảnh các mỏ cát còn trữ lượng nhưng khó tăng quá mức công suất khai thác phòng nguy cơ sạt lở thì nguồn cát hiện nay phải ưu tiên cho các công trình cao tốc. Trong khi các tỉnh/thành cũng cần vật liệu để phục vụ các công trình cấp địa phương. Đơn cử như TP. Cần Thơ, theo thống kê, từ nay đến giai đoạn 2026-2027, địa phương phải có 20 triệu m3 cát để làm các công trình giao thông trọng điểm, khu công nghiệp, khu thương mại dịch vụ... Tuy nhiên, ở TP. Cần Thơ không có mỏ cát lớn, không thể khai thác cho san lấp.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí Thư Thành ủy Cần Thơ đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm cát biển, tro xỉ làm đường giao thông: "Chúng tôi đề xuất tiếp tục chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong đó Cần Thơ liên quan đến nguồn vật liệu san lấp cát, đá và có thể chỉ đạo cho thành phố Cần Thơ xin được làm thí điểm về vấn đề này, liên quan sử dụng tro xỉ, hoặc là cát biển, chúng ta trong phạm vi giới hạn để kiểm soát. Chúng tôi sẽ cố gắng phối hợp với các bộ, ngành để triển khai thực hiện, bây giờ chúng ta làm sao phải thực hiện được việc này còn nếu không có cát san lắp thì không đảm bảo được các công trình dự án đầu tư nhất là các công trình trọng điểm về công nghiệp, thương mại dịch vụ".

Bên cạnh đó, tổng nhu cầu vật liệu đá cung ứng cho các dự án cao tốc là 5,5 triệu m3, đến tháng 12/2024 phải tập kết đủ đá về công trường. Nhưng hiện công suất khai thác hàng năm theo giấy phép chỉ có 1,5 triệu m3, trong đó mỏ Antraco (An Giang) đã hết hạn từ tháng 6/2024. Trước tình hình này, bắt buộc phải nâng công suất 50% từ các mỏ theo cơ chế đặc thù.

Thượng tá Dương Đình Tuấn - Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 10, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, cho biết: "Nhu cầu về vật liệu đá đáp ứng tiêu chuẩn cao tốc là rất lớn. Trong khi đó, rất ít mỏ đáp ứng được. Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Kiên Giang, An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, chủ tịch UBND các tỉnh này phải có trách nhiệm nâng công suất đưa vào khai thác. Cái này là một trong những điểm nút thắt cần phải hoàn thành".

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ quan điểm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ - Ngành - Địa phương trong việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm ở khu vực ĐBSCL. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu đến năm 2025 ĐBSCL phải có 600 km và đến năm 2030 có 1.200 km đường bộ cao tốc. Trong đó, tập trung mạnh cho 2 tuyến cao tốc Bắc - Nam và Đông - Tây.

Về vật liệu, Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm cung cấp, hoàn thành đúng tiến độ. Trong đó, về cát đắp nền, các địa phương phải chủ động theo thẩm quyền để nâng công suất khai thác mỏ vật liệu. Điều chuyển nguồn vật liệu giữa các dự án để phù hợp với yêu cầu tiến độ. Thực hiện đúng cam kết, trong tháng 7 phải hoàn thành thủ tục để cấp mỏ. Các tỉnh ĐBSCL hỗ trợ các tỉnh miền Đông về cát; các tỉnh miền Đông hỗ trợ các tỉnh miền Tây về đá sỏi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng nơi có mỏ nguyên vật liệu thì mở rộng ra. Những cái nào chưa có thì mở mới, làm thủ tục nhanh. Thay vì trước đây làm bằng năm thì bây giờ chỉ làm bằng tháng. Liên quan đến các công trình hạ tầng về kỹ thuật thì các cục Điện lực ở các tỉnh phải xử lý. Các nhà thầu đã được chỉ định thầu, đấu thầu, được giao nhiệm vụ đã làm rất tốt. Các nhà thầu này phải tiếp tục sử dụng các nhà thầu của địa phương để chúng ta đẩy nhanh tiến độ và hỗ trợ các nhà thầu địa phương để phát triển. Bây giờ mình vào đây mình làm nhưng mà các công trình sau thì địa phương phải cáng đáng. Các doanh nghiệp địa phương phải lớn lên. Các đồng chỉ phải có trách nhiệm nuôi và hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp địa phương phát triển".

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát tăng cường nhân lực, máy móc thiết bị thi công “3 ca 4 kíp” để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Thường xuyên làm việc với các địa phương có nguồn vật liệu để kiểm soát tình hình cung ứng, chủ động giải quyết ngay tại cơ sở đối những vướng mắc phát sinh nếu có.

Các địa phương phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu để tham gia thực hiện các dự án, huy động lực lượng tại chỗ, tạo thêm công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Các địa phương không để ban quản lý dự án, nhà thầu, các kỹ sư, công nhân… cô đơn trên các công trường, trên đồng ruộng.

Mục tiêu đến năm 2026 ĐBSCL phải có 600km đường cao tốc có thực hiện được?- Ảnh 3.

Cát cập bến cung ứng cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đoạn qua địa bàn Cà Mau

Biến khó thành dễ

Trong suốt nhiều thập niên qua, ĐBSCL là vùng có hạ tầng giao thông kém phát triển so với các nơi khác. Năm 2010, toàn vùng bắt đầu có khoảng 40km đường cao tốc đầu tiên, đó là tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, nối từ TP.HCM đến Tiền Giang. Nhưng mãi đến 12 năm sau, vào năm 2022 tuyến cao tốc tiếp theo mới được khánh thành, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, nâng tổng số km đường cao tốc toàn vùng lên hơn 90km.

Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm, đặc biệt là các tuyến cao tốc được đưa vào mạng lưới quy hoạch đường bộ, những cây cầu vượt sông nối liền các tuyến cao tốc dần hình thành, mang lại diện mạo mới cho vùng ĐBSCL.

Để chèo chống con thuyền về đích đúng hẹn, cần quyết tâm của các nhà thầu, mỗi cán bộ, công nhân trên công trường. Đặc biệt là quyết tâm của các địa phương nơi dự án đi qua. Địa phương phải xác định, làm cao tốc cũng chính là làm cho sự phát triển của mình. Phải tránh chuyện không vui cũ lặp lại với những công trình giao thông trễ tiến độ, kéo dài, gây bức xúc.

Việc phát triển cao tốc, đường giao thông phải gắn liền với yêu cầu phát triển hạ tầng logistics, kết nối với các công trình đầu tư phát triển khác của vùng và các địa phương. Nên rất cần sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả để khơi thông “long mạch” như kỳ vọng của người dân cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng. Xem như đây là một cách “lửa thử vàng”, địa phương vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ quốc gia.

Theo Kim Loan

vov.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên