Mùng Bốn Tết, người dân miền Tây lỉnh kỉnh đồ đạc quay lại TP.HCM
Từ sáng mùng 4 Tết Quý Mão, người dân từ các tỉnh miền Tây bắt đầu quay trở về TP.HCM để sẵn sàng khởi động lại công việc đầu năm mới. Các dòng phương tiện gia tăng theo giờ ở cửa ngõ phía Tây.
Sáng 25/1 (tức mùng Bốn Tết Quý Mão), các phương tiện giao thông bắt đầu ùn ùn đổ về TPHCM sau kì nghỉ Tết Nguyên đán 2023.
Các dòng phương tiện nối dài hướng về TPHCM và các tỉnh miền Đông.
Sau kỳ nghỉ Tết, nhiều gia đình lỉnh kỉnh đồ đạc quay lại TPHCM.
Dòng phương tiện ghi nhận tại khu vực địa giới giáp ranh TPHCM và Long An.
Dừng đèn đỏ gần chợ Bình Chánh (huyện Bình Chánh, TPHCM), ông Lê Văn Phát Tài (quê Cần Thơ) chia sẻ: "Năm rồi có làm ăn được gì đâu, về quê còn phải mượn hai triệu đồng để ăn Tết. Ngày 29 Tết, tôi về đốt nhang cúng ông bà và hôm nay lên lại, không dám ở lâu thêm".
Mới mùng Bốn Tết, nhiều người dân đã sớm quay lại TPHCM.
Hình ảnh đáng yêu trên cung đường "xuân vận" của người miền Tây.
Khu vực cầu vượt đại lộ Nguyễn Văn Linh, đoạn vào huyện Bình Chánh, dòng xe đối lập ở hai hướng
Tại khu vực cầu Bình Điền, PV Tiền Phong cũng ghi nhận hình ảnh đối lập tương tự.
Đối với người miền Tây, ngày Tết là để nghỉ ngơi nên họ thường dành tiền bạc tích lũy được trong năm để đi du lịch, khám phá đây đó với người thân và bạn bè. Mùng Một, mùng Hai, mùng Ba là ba ngày vui chơi, ăn uống, thăm viếng, chúc nhau những điều mới mẻ, tốt lành, sau đó lật đật quay lại với cuộc sống mưu sinh.
Dòng phương tiện hướng về vòng xoay An Lạc để rẽ trái tiếp tục vào quốc lộ 1A.
Các năm trước, thường phải đến mùng Năm, mùng Sáu, người dân các tỉnh mới bắt đầu quay lại TPHCM với tần suất đông đúc.
"Năm nay, tôi thấy từ mùng Ba đã có nhiều người đổ về quê theo hướng Long An, về các tỉnh miền Tây. Điều đó cho thấy có nhiều người ở lại làm Tết kiếm thêm thu nhập. Dù sao, chi tiêu sau Tết vẫn 'dễ thở' hơn việc vui chơi ba ngày Tết", chị Lê Thị Lan (bán quán nước gần vòng xoay An Lạc) đồng cảm.
Tiền Phong