MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mừng hay lo khi nhà đầu tư ngoại thâu tóm nhiều dự án bất động sản trong nước?

03-08-2023 - 09:01 AM | Bất động sản

Các nhà đầu tư ngoại đang nhắm đến dự án đủ pháp lý, với mức giá hợp lý. Nhóm nhà đầu tư àny chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan…

Mừng hay lo khi nhà đầu tư ngoại thâu tóm nhiều dự án bất động sản trong nước? - Ảnh 1.

(Ảnh: Trần Linh)

Thương vụ M&A gia tăng

Hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp được các đơn vị nghiên cứu bất động sản nhận định, đang diễn ra khá sôi động trong bối cảnh thị trường địa ốc trầm lắng. Báo cáo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), hàng loạt thương vụ lớn bắt đầu xuất hiện. Các nhà đầu tư ngoại đang âm thầm thâu tóm thêm nhiều quỹ đất lớn, từ dự án căn hộ cho đến các bất động sản công nghiệp, văn phòng..., tại nhiều địa phương trên cả nước.

Thanh khoản khó, doanh nghiệp địa ốc rơi vào tình trạng cạn kiệt dòng tiền, điều kiện vay vốn cũng khó cùng với vướng mắc về thủ tục hành chính, pháp lý khiến cho một số doanh nghiệp phải bán một phần hoặc toàn bộ dự án cho đối tác ngoại.

VARS nhận định, đây là hướng đi giúp các doanh nghiệp có thể xoay xở dòng tiền trả nợ, tránh tình trạng sụp đổ, giải thể và mang đến dòng tiền để tiếp tục triển khai các dự án khác.

Trong báo cáo thị trường bất động sản Việt Nam quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023 VARS nhận định, các nhà đầu tư ngoại đang duy trì sự quan tâm tới các dự án bất động sản trong nước. Càng về sau, mức độ quan tâm càng tăng lên. Mục tiêu săn lùng của nhà đầu tư ngoại là những dự án hoàn thiện thủ tục pháp lý.

“Số lượng sẽ không nhiều và giới hạn ở các dự án quy mô nhỏ với pháp lý cơ bản hoàn thiện. Các thương vụ quy mô vừa và lớn sẽ tiếp tục duy trì quá trình đàm phán đến hết quý IV/2023, thậm chí kéo dài sang quý II/2024”, VARS nhận định.

Theo đơn vị nghiên cứu này, một số tên tuổi nổi tiếng như Central Retail; Keppel Land, Frasers, WHA đã và đang tiến hành hoạt động M&A trong thời gian qua, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nhà ở, công nghiệp và thương mại.

Mừng hay lo?

Trước đó, trả lời phỏng vấn, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc từng lo ngại, thị trường khó khăn, giá bất động sản hạ, doanh nghiệp chật vật là cơ hội để những nhà đầu tư ngoại vào mua dự án với giá rẻ. Ở sân chơi như vậy, phần thiệt sẽ thuộc về doanh nghiệp địa ốc.

Ở góc độ nhìn nhận khác, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARs kỳ vọng, khi M&A thành công, thị trường sẽ có thêm nhiều sản phẩm chất lượng, góp phần đáng kể vào việc cải thiện nguồn cung đang khan hiếm. Quan trọng hơn, dòng tiền đổ vào sẽ thúc đẩy các dự án khởi động, kéo theo tâm lý của nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp đi lên.

Là nhà đầu tư nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động xúc tiến, M&A với các nhà đầu tư nước ngoài, ôngThân Thanh Vũ - Sáng lập viên Hiệp hội Du lịch BĐS Việt Nam, Chủ tịch Sao Khuê Group nhận định: Các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay quan tâm nhiều nhất đến loại hình bất động sản nhà ở, kế đến là bất động sản công nghiệp. Trước dịch, các nhà đầu tư quan tâm nhiều đến bất động sản văn phòng và thương mại nhưng dịch đã thay đổi thói quen sinh hoạt và làm việc từ nhà nên mức quan tâm đã giảm rất nhiều.

Các nhà đầu tư trong khu vực châu Á hiện quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Malaysia,… Tại các khu vực khác, những nhà đầu tư thường e ngại do không hiểu nhiều về thị trường Việt Nam cũng như các quy định về pháp lý. Các nhà đầu tư từ các khu vực khác họ không hiểu nhiều về thị trường Việt Nam, các quy định pháp lý nên họ rất ngại.

Về câu hỏi: “Có đáng lo ngại khi thị trường khó khăn, doanh nghiệp địa ốc sẽ bị nhà đầu tư ngoại mua dự án từ doanh nghiệp Việt với giá hời?”, ông Vũ cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc rất kỹ việc xuống tiền bởi họ khó có khả năng giải quyết một số khó khăn của các dự án bất động sản ở Việt Nam như thủ tục pháp lý, nhu cầu.

Chưa kể, nhiều dự án có thiết kế sản phẩm không phù hợp với tình hình mới hiện nay tức đồng nghĩ không còn phù hợp với nhu cầu của khách hàng, hay người tiêu dùng cuối cùng. Vậy nhà đầu tư nước ngoài liệu có bỏ tiền ra để “ôm cục nợ”?

Theo ông Vũ, các nhà đầu tư nước ngoài là những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Họ quản trị rủi ro rất kỹ, họ nghiên cứu rất chắc chắn trước khi đưa ra một quyết định đầu tư. Nếu có một nhà đầu tư nước ngoài như thế chịu mua lại là nên mừng vì họ sẽ tiếp thêm nguồn lực của họ, kỹ năng chuyên môn của họ để làm mới lại dự án và làm sống lại dự án có khả năng sinh lãi cao hơn cho các bên tham gia và cho cả nền kinh tế Việt Nam.

Theo Nhật Linh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên