Muốn đầu tư lớn vào Việt Nam, Adani Group của tỷ phú giàu thứ 2 châu Á đang kinh doanh những gì?
Những năm gần đây, các tập đoàn tới từ Ấn Độ bắt đầu nổi lên tại khu vực châu Á cũng như trên toàn cầu. Bên cạnh Tập đoàn Reliance khổng lồ của tỷ phú Mukesh Ambani, những công ty khác cũng vươn mình không kém phần mạnh mẽ.
Những năm gần đây, các tập đoàn tới từ Ấn Độ bắt đầu nổi lên tại khu vực châu Á cũng như trên toàn cầu. Bên cạnh Tập đoàn Reliance khổng lồ của tỷ phú Mukesh Ambani, những công ty khác cũng vươn mình không kém phần mạnh mẽ. Tập đoàn Adani Group là một trong số những doanh nghiệp nổi bật nhất với vị chủ tịch là người giàu thứ hai châu Á và có nhiều bước tiến thần tốc. Mới đây nhất, chủ tịch tập đoàn, ông Gautam Adani đã bày tỏ nguyện vọng đầu tư vào một số ngành quan trọng tại Việt Nam.
Adani Group là một tập đoàn đa ngành được thành lập từ năm 1988 có trụ sở tại Ahmedabad, Ấn Độ. Chỉ sáu năm sau khi thành lập, với những thành công nhất định, doanh nghiệp này đã chính thức chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu. Adani hoạt động ở rất nhiều mảng, trong đó nổi bật nhất là quản lý cảng, khai thác mỏ và khí đốt tự nhiên, năng lượng tái tạo... Tập đoàn hoạt động trên 50 quốc gia trên toàn thế giới với trên 17,000 nhân viên; kết thúc năm 2020, tổng doanh thu của Adani Group đạt trên 20 tỷ USD. Đến tháng 6 năm nay, giá trị thị trường của họ vượt 100 tỷ USD, đưa tập đoàn trở thành doanh nghiệp thứ ba của Ấn Độ vượt được cột mốc này.
Adani Group
Tổng giá trị thị trường của Tập đoàn Adani vượt qua 100 tỷ USD vào tháng năm nay (Ảnh: Adani Enterprise)
Ở thời điểm ban đầu khi mới thành lập, Tập đoàn này chủ yếu tập trung vào ngành khai khoáng và cảng biển. Sở hữu hai cảng tư nhân tại Mundra và Dahej với công suất lên tới gần 100 tấn hàng hóa, Adani nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường hậu cần vận tải tại Ấn Độ. Cũng nhờ vào hai cảng này mà việc nhập khẩu than của công ty trở nên thuận lợi hơn rất nhiều, khi ngay từ năm 2006, Adani đã là nhà nhập khẩu than hàng đầu của Ấn Độ với khối lượng lên tới 11 triệu tấn mỗi năm, chiếm 60% thị phần ngành này tại Ấn Độ. Đây cũng là tiền đề cho việc mua lại mua lại hai mỏ than khác tại Indonesia (Bunyu, năm 2008) và Úc (Galilee Basin, năm 2011), giúp Tập đoàn ngày càng khẳng định vị thế của công ty khai khoáng than hàng đầu tại đất nước đông dân thứ hai thế giới. Cũng trong năm 2011, Adani Group mua lại Cảng Abbot Point tại Úc với công suất xếp dỡ lên tới 50 triệu tấn, một lần nữa nâng cấp mạnh mẽ mảng vận tải và cảng biển của doanh nghiệp. Tuy nhiên đây lại là một thương vụ tương đối thất bại của Tập đoàn, khi họ thất bại trong việc tái cơ cấu cảng này và phải hủy bỏ kế hoạch mở rộng kinh doanh tại đây.
Cảng Abbot Points – một cảng được Adani Group mua lại năm 2011 (Ảnh: The Guardian)
Tiếp nối thành công, Adani Group bắt đầu chuyển sang ngành năng lượng, thông qua công ty con là Adani Power. Bốn nhà máy nhiệt điện tư nhân tại Ấn Độ thuộc sở hữu của công ty con này có tổng công suất lên tới 12.410 MW, tính đến thời điểm hiện tại. Các nhà máy nhiệt điện này đều sử dụng nguồn than do chính công ty con thuộc tập đoàn khai thác, giúp tiết kiệm được khá nhiều chi phí. Bên cạnh các nguồn điện truyền thống, công ty bắt đầu nghiên cứu các loại năng lượng tái tạo với dự án điện mặt trời tại Gurajat được khởi động vào tháng 12 năm 2011 với công suất 40 MW. Đây là bước đi đúng đắn của Tập đoàn, trong bối cảnh nguồn nguyên liệu hóa thạch đang có dấu hiệu cạn kiệt vào tương lai.
Nhà máy nhiệt điện lớn nhất của Adani Power với công suất trên 4.500 MW (Ảnh: Adani Power)
Không dừng lại ở đó, Tập đoàn Adani tiếp tục đầu tư vào năng lượng sạch thông qua một công ty con khác là Adani Green Energy. Công ty này sở hữu nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới tại thời điểm hoàn thành (2019) với công suất lên tới 648 MW với chi phí rơi vào khoảng 740 triệu USD, cung cấp điện cho hơn 250,000 hộ gia đình tại Tamil Nadu thuộc Ấn Độ. Bên cạnh điện máy trời, công ty này cũng cung cấp năng lượng điện gió với công suất nhỏ tại một số khu vực, trong đó có một dự án cực kỳ tiềm năng với công suất 150 MW tại Gurajat.
Bên cạnh khai khoáng và năng lượng, Tập đoàn Adani còn tập trung vào công nghệ quốc phòng. Với mục đích tăng cường khả năng quốc phòng của Ấn Độ, Adani đã hợp tác với một số công ty trong nước để sản xuất áy bay chiến đấu, hệ thống máy bay không người lái, máy bay trực thăng, tàu ngầm, súng phòng không, tên lửa và một số loại radar, hệ thống điện tử khác. Ngoài ra, Tập đoàn này còn tham gia vào ngành hàng không tại Ấn Độ, với việc sở hữu 74% cổ phần của sân bay Mumbai. Đồng thời họ cũng có được hợp đồng thuê 50 năm đối với các sân bay Ahmedabad, Guwahati, Jaipur, Lucknow, Mangalore và Thiruvananthapuram.
Adani Group mua lại 74% quyền sở hữu sân bay Mumbai vào giữa năm nay (Ảnh: Mint)
Gần đây nhất, Adani Group thể hiện mong muốn sẽ đầu tư vào Việt Nam ở ba ngành mạnh nhất của họ là năng lượng, cảng biển và hàng không. Ở thời điểm hiện tại, Tập đoàn này đã đầu tư vào hai dự án năng lượng sạch tại Việt Nam, cụ thể là tại Ninh Thuận. Đó là một nhà máy điện gió với công suất 27,3 MW và một dự án điện mặt trời đang được triển khai có công suất 50 MW. Trong thời gian tới, Tập đoàn này muốn tiếp tục đầu tư vào các dự án đang triển khai hoặc liên doanh cùng một số công ty tại Việt Nam. Đây là cơ hội để nước ta có thể phát triển phần nào đó các lĩnh vực năng lượng tái tạo và cảng biển, thông qua nguồn vốn lớn của Tập đoàn này đầu tư vào.
Là một trong những tập đoàn hàng đầu Ấn Độ, Adani Group ngày càng thể hiện sức mạnh của mình trong những năm gần đây với sự thống trị ở ngành năng lượng, cảng biển và hàng không tại nước này. Với việc muốn mở rộng kinh doanh, Adani đang nhắm tới Việt Nam như một điểm đầu tư trọng điểm. Nếu nhận được đầu tư từ Tập đoàn này, nước ta có khả năng phát triển mạnh mẽ một số ngành, trong đó ngành năng lượng tái tạo dự kiến sẽ có bước nhảy vọt. Đây sẽ là những tín hiệu tích cực cho nền kinh tế nước nhà sau khi phải trải qua khoảng thời gian chống dịch Covid -19 đầy khó khăn trong năm nay.