Muốn kiếm nhiều tiền trong bất kỳ nghề gì cũng không bỏ qua bài học bán măng trúc cho người Nhật của ông chủ nhỏ này
Thứ người khác không có thì mình có, việc người khác làm được thì mình làm giỏi hơn, thứ người khác làm giỏi thì mình phải làm giỏi và với giá thấp hơn.
Quê của Tôn là nơi trồng trúc nổi tiếng khắp Trung Quốc. Ở đó có rừng trúc rộng tới mấy trăm mẫu, rất nhiều ngành nghề liên quan đến cây trúc như nghề làm chiếu trúc, ván sàn trúc,… chế biến măng trúc xuất khẩu. Tôn cũng mở một cơ sở chế biến măng, nghiệp vụ chủ yếu là xuất khẩu măng sang thị trường Nhật Bản.
Cơ sở của Tôn vốn có máy móc hiện đại, cơ chế quản lí tốt nên gần như là độc quyền, lợi nhuận thu được cũng cao hơn mấy lần so với các cơ sở chế biến khác trong nước. Nhưng thời gian sau, những người cùng nghề nhìn thấy Tôn kiếm được nhiều tiền thì cũng đầu tư máy móc thiết bị mới, đồng thời dùng tiền để mời gọi nhân viên sản xuất và quản lí có kinh nghiệm ở cơ sở của Tôn về làm việc cho mình, sản phẩm của họ cũng nhanh chóng đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu, tranh giành thị trường Nhật Bản. Tuy Tôn đã có chuẩn bị sẵn về kĩ thuật và quản lí nhân viên, giúp giảm nhẹ tổn thất nhưng một khi một chiếc bánh có quá nhiều người tranh giành thì tự nhiên phần của mình cũng bị hao hụt đi nhiều.
Vấn đề lớn hơn chính là có sự cạnh tranh tất sẽ dẫn đến cuộc chiến về giá cả, để có thể giành được đơn đặt hàng từ đối tác Nhật Bản, các cơ sở không ngần ngại giảm giá bán hàng.Với những doanh nghiệp mới bước chân vào thị trường và không có ưu thế nổi trội thì đây là cách duy nhất để cạnh tranh.
Ngoài ra còn một vấn đề nữa giá thành nguyên liệu tăng lên chóng mặt, sản phẩm măng trúc xuất khẩu sang Nhật đòi hỏi phải có điều kiện bảo quản nghiêm ngặt, không có tàn dư hóa chất độc hại. Trước đây, khi Tôn mua nguyên liệu của nông dân, tuy giá thu mua có cao hơn một chút so với các cơ sở khác nhưng cũng không đáng là bao và giá bán sang Nhật Bản rất cao nên Tôn chưa bao giờ phải bận tâm về chuyện giá cả thu mua.
Nhưng tình hình hiện tại đã khác, cùng một lúc có thêm hàng chục doanh nghiệp mua măng tất nhiên giá măng sẽ tăng cao, nguồn cung nguyên liệu không thể đáp ứng kịp nhu cầu tăng vọt của thị trường và giá cả bắt đầu lên cao một cách khó lường. Ngoài ra các đại lý trung gian chỉ việc chọn người nào bán giá rẻ nhất mà thôi, thế là công cuộc ép giá bắt đầu.
Cơ sở chế biến của Tôn bắt đầu rơi vào giai đoạn trì trệ, tuy không đến nỗi chết đói nhưng tương lai cũng ảm đạm. Giá nguyên liệu tăng cao, số lượng đơn đặt hàng giảm sút, buôn bán ế ẩm, lợi nhuận xuống dốc không phanh. Mỗi một vấn đề đều có thể đẩy doanh nghiệp xuống vực thẳm. Đã có lúc Tôn nghĩ đến việc chuyển nghề, nhưng tham gia vào ngành khác thì cũng không thể tránh được sự cạnh tranh khốc liệt hơn nữa phải học lại từ đầu quy luật ngành nghề và tích lũy kinh nghiệm.
Tôn không thích nhốt mình ở văn phòng mà thường xuyên xuống xưởng thăm quan, tìm hiểu các vấn đề sản xuất và tìm cách giải quyết với nhân viên. Một hôm, Tôn đến đúng vào lúc đang nhập hàng, các nhân viên đang phân loại nguyên liệu, những cây măng có kích thước nhỏ phù hợp với tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản sẽ được chọn riêng ra, cây nào không đạt tiêu chuẩn sẽ bị xếp sang một bên và trả lại cho nhà cung cấp.
"Cùng một xuất xứ sản phẩm, cùng một chất lượng, tại sao mình không chế biến măng to rồi xuất khẩu nhỉ? Hiện nay, đối tác Nhật Bản chỉ thu mua măng nhỏ nên giá măng nhỏ rất cao, họ không mua măng to nên loại măng này chỉ có thể tiêu thụ trong nước, giá cả chỉ bằng 1/3 loại măng nhỏ. Nếu có thể bán măng to cho đối tác Nhật Bản thì chi phí của mình có thể giảm xuống 2/3", Tôn nảy ra ý nghĩ.
Vốn là người thích tìm hiểu các phương châm kinh doanh, vạch chiến lược và làm công tác hậu cần. Tôn chọn ra hai nhân viên đắc lực cùng mình điều tra thị trường, sau 2 tháng, anh đã tìm ra nguyên nhân vì sao các đối tác Nhật Bản không thích mua loại măng to.
Hóa ra, trước kia, các công ty Nhật Bản cũng từng mua măng loại to vì chất lượng và khẩu vị không khác biệt nhiều so với măng nhỏ, tuy nhiên lúc bấy giờ, trình độ phân loại măng của công ty trong nước không đáp ứng được yêu cầu của Nhật Bản nên sau khi mua măng về, họ lại phải phân loại một lần nữa. Nhưng giá nhân công ở Nhật Bản khá cao nên lợi nhuận bị giảm sút, dần dần họ không còn mua loại măng to đó nữa. Nhiều doanh nghiệp địa phương nghe nói người Nhật không mua măng to nữa thì họ cũng dừng sản xuất, kết quả đã hình thành một luật lệ bất thành văn.
Tôn quyết định dấn thân vào thị trường còn trống trải đó. Tôn liền phái nhân viên giỏi nhất sang Nhật Bản tìm hiểu kĩ thuật phân loại măng của họ, ghi chép các yêu cầu về chất lượng và nhập khẩu một số thiết bị chuyên dụng. Các nhân viên của anh đã nhanh chóng nắm được kĩ thuật phân loại măng, Tôn quyết định xây dựng nhà máy chuyên chế biến măng to. Năm sau, trong khi các nhà sản xuất khác đang phải đau đầu vì giá cả nguyên liệu tăng cao, chi phí tăng vọt, thu nhập không đủ để trang trải, trong khi ở nhà máy của Tôn, công nhân phải tăng ca cả buổi tối, công việc làm ăn vô cùng thuận lợi. Măng to hay măng nhỏ Tôn đều mua hết, không còn phải lo lắng về vấn đề nguồn cung nguyên liệu nữa.
"Thứ người khác không có thì mình có, việc người khác làm được thì mình làm giỏi hơn, thứ người khác làm giỏi thì mình phải làm giỏi và với giá thấp hơn" chính là châm ngôn mà bất cứ ai làm kinh doanh cũng biết.
Tại sao người ta lại đặt tiêu chí "Có thứ mà người khác không có" lên hàng đầu? Điều này đã chứng minh được tầm quan trọng của nó. Thứ người khác không có mà bạn lại có, may mắn đó lại là sản phẩm mà người khác cần và có thể trao đổi được thì bạn đã nắm được quyền định giá cho sản phẩm đó; khi không có đối thủ cạnh tranh, bạn có thể đặt ra luật chơi theo ý mình, đó cũng chính là điều kiện kinh doanh lí tưởng nhất.
Nhưng trên đời này có ai lại không muốn kiếm nhiều tiền, vậy làm cách nào để tạo ra một thị trường cho riêng mình đây? Chỉ có một cách duy nhất là quan sát và suy ngẫm mà thôi. Tuy nhiên cần hiểu một điều rằng có được thứ mà người khác không có không phải là điều có tính chất tuyệt đối và vĩnh viễn mà chỉ là ưu thế tương đối trong một khoảng thời gian và không gian nhất định.
* Bài viết tham khảo nội dung cuốn sách: Bí quyết kinh doanh của ông chủ nhỏ.
Trí thức trẻ