MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Muôn màu bức tranh nợ thuế

Mấy năm trở lại đây, khi các cơ quan Thuế thực hiện công khai các doanh nghiệp (DN) nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng, bức tranh về nợ thuế hiện ra rõ ràng hơn với những khó khăn trong thực tế sản xuất kinh doanh, cả những chiêu lách luật, thậm chí thủ đoạn của DN và cả đoạn trường đi đòi nợ thuế của cơ quan Thuế.

Nhiều “ông lớn” nợ thuếnợ thuế - cơ quan Thuế bó tay

Cục Thuế Hải Phòng cũng vừa công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của thành phố Hải Phòng danh sách 93 DN nợ trên 21 tỷ đồng tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tính đến tháng 7/2018. Dẫn đầu danh sách DN nợ thuế ở Hải Phòng công khai là Công ty CP Nạo vét và Xây dựng Thái Bình Dương nợ trên 3,8 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Hà Nội nợ trên 2,3 tỷ đồng; Công ty TNHH đầu tư PACIFIC nợ trên 2,2 tỷ đồng; Công ty CP Sản xuất và dịch vụ Duyên Hải Hải Phòng nợ trên 1,4 tỷ đồng.

Cục Thuế Hoà Bình cũng đã công khai tên tuổi 23 DN nợ thuế tính đến hết 31/7 trên địa bàn với số nợ lên tới 134 tỷ đồng. Trong đó có những đơn vị như: Công ty Cổ phần Cơ khí lắp máy Sông Đà - Chi nhánh 1 với số nợ 37 tỷ đồng; Công ty Cổ phần xây dựng Hoà Bình với số nợ 11 tỷ đồng; Công ty Cổ phần xây dựng 565 với số nợ 10 tỷ đồng.

Cục Thuế Quảng Nam cũng đã "bêu" tên 13 đơn vị nợ thuế trên địa bàn tính đến hết 31/7. Trong đó đứng đầu là những cái tên như:Công ty Cổ phần Ngọc Hội An với 31 tỷ đồng; Công ty Cp - Tập đoàn Thaigroup - Chi Nhánh Quảng Nam với số tiền 14 tỷ đồng; Công Ty Cp Xây Dựng Thủy Lợi - Thủy Điện Quảng Nam với số tiền 3 tỷ đồng.


Cục Thuế Hà Nội là một trong những đơn vị có số nợ thuếnợ thuế đứng đầu cả nước. 8 tháng đầu năm, đơn vị này đã “chỉ mặt điểm tên” hơn 1.000 đơn vị nợ tiền thuế, phí, các khoản thu liên quan đến đất với tổng số tiền nợ đã đăng công khai là 3.960 tỷ đồng. Trong danh sách công khai này, nhiều cái tên được hé lộ với số nợ “khủng” và chây ì từ năm này qua năm khác mà cơ quan chức năng phải “bó tay” không có cách nào thu hồi.

Điển hình phải kể đến Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5 với số nợ tiền sử dụng đất hơn 342 tỷ đồng tại dự án khu chức năng đô thị Ao Sào - Lexington Etaste (Hoàng Mai - Hà Nội). Theo Cục thuế Hà Nội, đơn vị này đã nợ thuế từ năm 2015 và cơ quan Thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định như trích tiền từ tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng nhưng đơn vị vẫn chưa nộp đủ số tiền còn nợ vào ngân sách.

Chia sẻ với Báo Hải quan, ông Trần Xuân Nghiên, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5 cho biết, nguyên nhân của việc nợ thuế là do các hạ tầng kết nối với khu chức năng Ao Sào chưa được triển khai theo quy hoạch, giá trị đền bù giải phóng mặt bằng tăng cao… Trong khi đó, Cục Thuế Hà Nội lại áp thuế cao cho giá đất ở khu vực có hạ tầng kết nối nên doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ bị lỗ với dự án này. Hiện Lũng Lô 5 đã có văn bản đề nghị với UBND TP. Hà Nội tính lại giá đất để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước và cam kết sẽ tiếp tục thu xếp nguồn thu để nộp thuế theo tiến trình.

Nhìn vào danh sách công khai nợ thuế của các cơ quan Thuế có thể thấy, đa số những DN đứng “top” nợ thuế đều do nợ tiền sử dụng đất cho những dự án bất động sản. Không ít những DN đã nợ dai dẳng đến vài năm và trong đó có những dự án được cơ quan Thuế nhận định là có khả năng thu nhưng thực tế khó thu. Có thể điểm những cái tên cụ thể như: Dự án văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở 52 Lĩnh Nam của Công ty Cổ phần Lilama với số tiền nợ 65 tỷ đồng; Dự án Khu nhà ở bán cho cán bộ chiến sỹ Công an quận Hoàng Mai của Công ty TNHH xây dựng công trình Hoàng Hà với số nợ 14 tỷ đồng; Dự án nhà ở Công an quận Hoàng Mai của Công ty TNHH xây dựng công trình Hoàng Hà với 140 tỷ đồng; Khu nhà ở cán bộ chiến sỹ Vụ tổ chức cán bộ - Tổng cục III – Bộ Công an chủ đầu tư chủ là Công ty CP Quốc tế CT Việt Nam, số tiền nợ 117 tỷ đồng…

Theo tìm hiểu thực tế của phóng viên Báo Hải quan, những DN này vẫn đang hoạt động. Tuy nhiên, những dự án đang nợ thuế lại là các dự án đang gặp khó khăn trong quá trình thi công dẫn đến việc chậm hoàn thành dự án, không thể bàn giao và dẫn đến không thu được tiền từ khách hàng.

Đoạn trường đòi nợ

Thực tế đã chứng minh, biện pháp công khai tên DN nợ thuế như những đợt công bố vừa rồi bước đầu đã có hiệu quả. Những DN bị bêu tên đã có động thái tích cực hơn trong việc nộp thuế. Nhiều DN khi bị công khai danh tính nợ thuế, sợ mất uy tín, sợ ảnh hưởng đến việc kinh doanh đã phải “vắt chân lên cổ” tìm nguồn trả nợ.

Đơn cử như tại Dự án tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở 21 Lê Văn Lương. Trước đây, dự án này có tên cũ là Thành An Tower thuộc Tổng công ty Thành An (Binh đoàn 11 – Bộ Quốc Phòng) làm chủ đầu tư và có quyết định giao đất từ năm 2009. Sau đó, Thành An đã liên doanh với Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng Ba Đình triển khai dự án.

Vào tháng 7/2016, Tổng công ty Thành An đã nộp số tiền hơn 142 tỷ đồng tiền sử dụng đất cho dự án tại 21 Lê Văn Lương. Đến tháng 6/2018, Chi cục Thuế Thanh Xuân gửi thông báo nợ tiền sử dụng đất và tiền chậm nộp đến DN này với số tiền hơn 74,7 tỷ đồng. Sau nhiều biện pháp đôn đốc và thực hiện điều chỉnh giảm tiền thuế, chậm nộp cho dự án số tiền 2,7 tỷ đồng (theo công văn số 21526/TB-CCT-QLN của Chi cục Thuế Thanh Xuân), đến ngày 30/7/2018, Tổng công ty Thành An đã hoàn thành nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước số tiền 71,9 tỷ đồng. Hiện Thành An Tower được triển khai trở lại với cái tên mới là Manhattan Tower 21 Lê Văn Lương do Công ty Cổ phần Landmark Holding phát triển và phân phối. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế, dự án này đang được triển khai theo đúng tiến độ đã thỏa thuận với khách hàng.

Theo số liệu từ Cục Thuế Hà Nội, với việc công khai tên tuổi hơn 1.000 DN nợ thuế, trong 8 tháng đầu năm đã có 273 DN và dự án nộp hơn 97,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, số DN nộp thuế vẫn khá ít ỏi so với tổng số tên tuổi đã bị công khai. Theo chia sẻ của nhiều cán bộ quản lý nợ tại các chi cục thuế trên địa bàn Hà Nội, có những DN, cơ quan Thuế gửi thư mời năm lần bảy lượt vẫn không chịu đến trụ sở thuế để làm việc, giải trình. Khi cán bộ thuế trực tiếp xuống DN thì họ tìm cách lẩn trốn, đi vắng. Với các đối tượng này, thu nợ là một “cuộc chiến” vất vả với cơ quan thuế.

Hơn nữa, các biện pháp mạnh như cưỡng chế tài khoản, cưỡng chế hóa đơn đã được cơ quan Thuế thực hiện với những DN loại này. Tuy nhiên, việc cưỡng chế thu thuế bằng trích từ tài khoản của DN tại ngân hàng gặp nhiều khó khăn bởi DN có nhiều tài khoản, nhưng tài khoản cung cấp cho cơ quan Thuế lại có số dư rất ít, không thể cưỡng chế thu từ đó.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, câu chuyện nợ thuế của nhiều dự án bất động sản gắn liền với giai đoạn khó khăn của nền kinh tế. Để có vốn cho các dự án bất động sản lên đến hàng ngàn tỷ đồng, các chủ đầu tư phải huy động từ nhiều nguồn như khách hàng, ngân hàng, tự có… Tuy nhiên, khi thị trường gặp khó khăn, nguồn huy động từ khách hàng không được, các doanh nghiệp phải vay ngân hàng với lãi suất có lúc lên tới 20%/năm.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng, với mức lãi suất cao như vậy, nếu nợ ngân hàng quá lâu thì áp lực siết nợ sẽ rất cao, thậm chí có khả năng rơi vào danh sách đen và không thể tiếp tục vay vốn để có thể duy trì dự án. Trong khi đó, với mức phạt trả chậm thuế tính ra vào giai đoạn đấy cũng chưa đến 50% so với lãi suất vay ngân hàng. Do đó, DN tìm mọi cách để xin được gia hạn thời gian nộp thuế, cũng như cố tình chậm nộp thuế, chấp nhận chịu phạt.

Có thể nói, với hàng ngàn lý do, có khó khăn từ khách quan, cũng có trường hợp do ý thức của DN cố tình né tránh trách nhiệm với ngân sách nhà nước, bức tranh nợ thuế của ngành Thuế đang vô cùng phức tạp khiến không chỉ cơ quan Thuế đau đầu mà còn làm ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh của nước ta, gây bất bình đẳng với các DN khác.

Cục Thuế TP.HCM vừa công bố thông tin 333 DN nợ thuế, với tổng số nợ gần 300 tỷ đồng. Các DN này chây ỳ trong việc nộp thuế vào ngân sách nhà nước (NSNN) mặc dù được cơ quan Thuế liên tục áp dụng các biện pháp thu hồi nợ nhưng DN vẫn không nộp, trong đó lớn nhất là các DN bất động sản.

Đứng đầu danh sách là Công ty CP Vạn Phát Hưng (trụ sở tại Quận 7, TP.HCM) nợ 35,1 tỷ đồng, tính đến thời điểm ngày 30/6/2018. Hiện tại, Cục Thuế TP.HCM đã áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng cách tiến hành ngăn chặn việc sử dụng hóa đơn DN này. Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Cotec (quận 1- TP.HCM) nợ thuế 29,1 tỷ đồng. Đối với trường hợp này, Cục Thuế TP.HCM đã đề nghị cơ quan chức năng thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của DN.

Tiếp đó là Công ty CP Bất động sản Khải Hoàn Land, trụ sở tại Quận 7, với số nợ thuế 27,4 tỷ đồng; Công ty CP Tư vấn – Đầu tư – Xây dựng – Thương mại – Sản xuất Nhựt Thành có trụ sở tại huyện Bình Chánh nợ 17,5 tỷ đồng; Công ty CP Dịch vụ Sàn giao dịch địa ốc Thăng Long tại quận 4 nợ 9,8 tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Nam Trung tại quận 4 nợ gần 4,4 tỷ đồng…

Trước đó, trong đợt công bố DN nợ thuế vào hồi đầu tháng 7/2017, trong số 1.258 DN nợ thuế chây ỳ, với tổng số nợ trên 1.556 tỷ đồng tại Cục Thuế TP.HCM cũng có nhiều đại gia bất động sản có "tên tuổi" nợ thuế từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng.

Theo Cục Thuế TP.HCM, tính đến ngày 31/7/2018, tổng số nợ thuế có khả năng thu (số tiền thuế nợ đến 90 ngày và số tiền thuế nợ trên 90 ngày) phát sinh tại Cục Thuế TP.HCM là 10.876 tỷ đồng, tăng 43,45% so với thời điểm 31/12/2017. Từ đầu năm đến hết tháng 7/2018, Cục Thuế TP.HCM đã thu hồi nợ 3.892 tỷ đồng, đạt 51,33% số nợ 2017 chuyển sang; trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 2.257 tỷ đồng, thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 1.635 tỷ đồng.

Theo Hải Minh

Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên