Muốn rót cả chục tỷ USD đầu tư vào Việt Nam, Adani Group của tỷ phú Ấn Độ giàu thứ 5 thế giới đang kinh doanh ra sao?
Với sự phát triển vượt bậc của Ấn Độ trong nhiều năm trở lại đây, đã có rất nhiều tập đoàn của đất nước này vươn lên và trở thành những biểu tượng của quốc gia. Trong số đó, ba tập đoàn nổi bật nhất với giá trị thị trường vượt 200 tỷ USD là Tata Group, Reliance Industries và Adani Group.
Trong Top 3 tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ, Adani đang ngày một vươn lên và trở thành một thế lực không chỉ ở trong nước mà còn trên bình diện toàn cầu. Sắp tới đây, Adani sẽ chính thức đầu tư vào Việt Nam sau khi lên kế hoạch một cách tương đối chi tiết trong thời gian vừa qua.
Theo danh sách tỷ phú thời gian thực của Forbes, tỷ phú Gautam Adani đang là người giàu thứ 5 thế giới với khối tài sản trị giá hơn 105 tỷ USD.
Là một tập đoàn đa quốc gia, Adani hiện có mặt tại 70 địa điểm thuộc 50 nước trên toàn thế giới. Trong bối cảnh dịch Covid đang dần bị đẩy lùi, ngoài việc tiếp tục phát triển trong nước, Adani đã và đang tiếp tục tìm kiếm những cơ hội đầu tư khác bên ngoài Ấn Độ. Tập đoàn bao gồm rất nhiều công ty con, trong đó nổi bật nhất là các doanh nghiệp về khai khoáng, cảng biển và năng lượng.
Trong đó, ngành khai khoáng là tiền đề để tập đoàn phát triển như ngày nay, thông qua việc kinh doanh than và quặng sắt từ những ngày đầu thành lập. Bên cạnh các mỏ than và sắt trong nước, tập đoàn còn sở hữu hai mỏ than khác ở nước ngoài là Galilee Basin tại Úc và Bunyu tại Indonesia.
Cổ phiếu Adani tăng phi mã từ năm 2021
Nhằm phục vụ cho việc xuất và nhập khoáng sản cũng như nhiều mặt hàng khác tại Ấn Độ, Adani sở hữu một công ty chuyên về cảng biển.
Với 13 cảng và nhà ga đang hoạt động trên khắp đất nước, chiếm 24% công suất cảng của cả Ấn Độ, Adani dễ dàng đáp ứng các nhu cầu vận chuyển hàng hóa của tập đoàn cũng như các đối tác. Với mạng lưới phủ song như vậy, tập đoàn có thể phục vụ nhu cầu về khoáng sản trên khắp đất nước một cách vô cùng nhanh chóng.
Adani cũng từng mở rộng lĩnh vực cảng biển ra nước ngoài khi mua lại cảng Abbot Point tại Úc, song thất bại trong việc tái cơ cấu và buộc phải từ bỏ nhiều kế hoạch với tài sản này.
Một bến cảng của tập đoàn Adani (Ảnh: themaritimestandard)
Hiện nay, năng lượng là một trong những ngành được tập đoàn Adani đầu tư phát triển. Tập đoàn sở hữu Adani Power – công ty nhiệt điện tư nhân lớn nhất Ấn Độ. Với năm nhà máy nhiệt điện với tổng công suất lắp đặt là 12.410 MW, Adani đã góp phần giải quyết vấn đề năng lượng ở rất nhiều khu vực trên đất nước của họ.
Không chỉ vậy, tập đoàn còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc truyền tải điện năng tại Ấn Độ, với 18.800 km đường dây để truyền tải tới mức tối đa 765 kV điện cho nhiều vùng miền tại nước này, biến Adani trở thành công ty có mạng lưới truyền tải và phân phối điện khu vực tư nhân lớn nhất. Riêng tại thành phố Mumbai, công ty có tới 3 triệu khách hàng với diện tích phủ sóng vào khoảng 400 km vuông.
Bên cạnh nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống, các nguồn nhiên liệu tái tạo cũng rất được tập đoàn quan tâm. Thông qua công ty con Adani Green Energy, tập đoàn đã xây dựng được nhà máy điện mặt trời lớn nhất tại thời điểm hoàn thiện với công suất gần 650 MW, cung cấp điện cho hàng trăm nghìn hộ gia định tại thành phố Tamil Nadu. Ngoài điện mặt trời, tập đoàn cũng có một số dự án điện gió, nổi bật nhất là công trình tại thành phố Gurajat với công suất vào khoảng 150 MW. Với sự hỗ trợ từ chính phủ, tập đoàn đặt mục tiêu biến Adani Green Energy trở thành công ty năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới vào năm 2030.
Ngoài những ngành kinh doanh nêu trên, tập đoàn cũng hợp tác với nhiều công ty trong nước nhằm phát triển các loại chế tài, máy móc và máy bay quân sự. Họ còn là cổ đông lớn nhất tại sân bay Mumbai với 74% cổ phần, đồng thời ký kết hợp đồng thuê lên tới 50 năm với 6 sân bay khác tại Ấn Độ.
Với rất nhiều ngành nghề kinh doanh như vậy, Adani Group có mong muốn mở rộng tại nhiều quốc gia khác trên thế giới bằng một quỹ đầu tư lên tới 100 tỷ USD, trong đó Việt Nam được lựa chọn như một điểm đến vô cùng hấp dẫn nhờ vào tiềm năng lớn của nước ta. Tập đoàn hiện đã đầu tư vào hai dự án năng lượng sạch tại Việt Nam, bao gồmmột nhà máy điện gió với công suất 27,3 MW và một dự án điện mặt trời đang được triển khai có công suất 50 MW tại Ninh Thuận.
Thay mặt chủ tịch tập đoàn là ông Gautam Adani, chủ tịch công ty Cảng Adani là Sandeep Mehta cam kết sẽ đầu tư 10 tỷ USD trong quỹ vào Việt Nam thời gian tới.
Trong đó, cảng Liên Chiểu tại thành phố Đà Nẵng sẽ là một trong những dự án đầu tiên được đầu tư thuộc gói 10 tỷ USD nêu trên của tập đoàn Adani tại Việt Nam. Với kinh nghiệm phát triển cảng biển lâu năm, tập đoàn Adani được kỳ vọng sẽ thay đổi hoàn toàn bộ mặt của bến cảng này, sánh vai với những cảng hàng đầu thế giới.
Cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) được kỳ vọng sẽ nhận đầu tư từ tập đoàn Adani
Có thể thấy, tầm vóc của tập đoàn Adani đã vượt xa khỏi biên giới Ấn Độ. Với việc đánh giá rất cao tiềm năng phát triển trong tương lai của Việt Nam, tập đoàn đã đưa ra cam kết dành tới 10% trong quỹ đầu tư của mình để phát triển một số lĩnh vực tại nước ta. Đây là tiền đề để nhiều lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam có cơ hội cất cánh và vươn tầm nhằm có thể cạnh tranh được với các công ty khác trên thế giới. Với nhiều năm kinh nghiệm cùng nguồn vốn đầu tư lớn, tập đoàn Adani được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của nước ta, đồng thời làm bền chặt hơn nữa tình cảm giữa Việt Nam và Ấn Độ.