Muôn vàn thách thức đón chờ "người đàn bà thép" Angela Merkel
Đức vẫn đang tận hưởng thời hoàng kim kinh tế, nhưng hiện đã có nhiều dấu hiệu trục trặc phía trước, từ những thách thức trong ngành công nghệ thép èo uột, lại đang sử dụng hàng ngàn nhân công, đến cuộc khủng hoảng diesel và những lời kêu gọi dẹp bỏ động cơ đốt trong.
- 29-09-2017Bà Merkel phạm sai lầm, chính trường Đức chao đảo sau gần 70 năm
- 25-09-2017Bầu cử Đức: Đảng của bà Merkel thắng mà thua, cả châu Âu lo ngại
- 25-09-2017Người đàn ông kín tiếng phía sau bà Merkel: Giáo sư hóa học tránh xa “ánh đèn sân khấu”
- 18-09-2017Kinh tế Đức - "Vũ khí" hùng mạnh sẽ giúp Angela Merkel đắc cử nhiệm kỳ thứ 4?
Trong nhiệm kì thứ tư và có lẽ là cuối cùng của mình, bà Angela Merkel không thể tự mãn với những gì đã đạt được. Từng tâm sự với những người tin tưởng rằng bà muốn rời khỏi vị trí quyền lực, nhưng ra đi khi giữa nhiệm kì không phải là bản chất của người “đàn bà thép” này, trừ khi sức khỏe của bà có vấn đề.
Bỏ dở những việc lớn nửa chừng cũng không phải tính cách của bà. Tuy nhiên, những thử thách mà bà đang phải đối mặt là đáng kể và “nặng ký”. Đức vẫn đang tận hưởng thời hoàng kim kinh tế, nhưng hiện đã có nhiều dấu hiệu trục trặc phía trước, từ những thách thức trong ngành công nghệ thép èo uột, lại đang sử dụng hàng ngàn nhân công, đến cuộc khủng hoảng diesel và những lời kêu gọi dẹp bỏ động cơ đốt trong, mà cần sự lãnh đạo của bà để bảo đảm rằng điều đó sẽ không gây thiệt hại lâu dài đến ngành công nghiệp ô tô của Đức với khoảng 800.000 công ăn việc làm đang phụ thuộc vào đây. Bà Merkel hiện cũng ý thức rằng nước Đức cần có những bước tiến khổng lồ trong việc cải thiện tốc độ phát triển ngành kĩ thuật số, khi có nhiều chỉ dấu cho thấy rằng họ đang bị tụt lại phía sau những “tay chơi” quốc tế khác.
Sự hùng mạnh về mặt kinh tế của quốc gia này cũng có thể bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng cơ cấu dân số khi trong vài năm tới thế hệ baby boomer sẽ vào tuổi hưu, và dù tỉ lệ sinh vốn nổi tiếng là thấp ở đất nước này đã có phần cải thiện trong những năm gần đây, nhưng dường như đã quá trễ để bù đắp cho sự thiếu hụt đó.
Tuy rằng hàng trăm ngàn dân tị nạn mà nước Đức dang tay đón nhận thường được xem là một phần giải pháp cho cuộc khủng hoảng dân số ấy nhưng những thách thức về hội nhập và “đồng hóa” vào xã hội Đức và nơi làm việc vẫn còn rất “mênh mông” và sẽ cần nhiều sự hướng dẫn cũng như điều chỉnh hơn, cả về tài chính lẫn luật pháp, từ chính quyền trung ương nếu như bà Merkel không muốn di sản “chính sách mở cửa” của mình trở thành thất bại lớn nhất.
Cải cách hệ thống lương hưu cũng sẽ là điều rất quan trọng. Sự khăng khăng gần đây của bà khi muốn giữ nguyên tuổi về hưu là 63 đã không “đồng điệu” với nhiều đồng minh chính trị và cố vấn kinh tế, khi họ cho rằng đó là điều rất phi thực tế.
Về mặt môi trường, bà hiện đối mặt với một sự phản đối mạnh mẽ khi bà ủng hộ lignite (một dạng than đá) và ngành công nghiệp ô tô dù ngành này đã phạm những lỗi lầm nghiêm trọng về khí thải độc hại. Ngoài ra, bà có thể bị buộc phải đối mặt với sự thật rằng phản ứng “thiếu suy nghĩ” với thảm họa Fukushima ở Nhật, dẫn tới việc công bố Đức bãi bỏ năng lượng hạt nhân, là quá vội vàng.
Về mặt quốc phòng, bà Merkel sẽ bị buộc phải giải quyết những đòi hỏi từ NATO và Mỹ khi họ kêu gọi tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng, cùng lúc phải xoa dịu quan điểm yêu hòa bình của cử tri Đức. Tuy vậy, vì quân đội Đức hiện đang đóng vai trò ngày càng quan trọng ở những nơi như châu Phi và Trung Đông, nên cùng với những khoản tăng chi phí để phát triển công nghệ, thì bà sẽ có ít chọn lựa, ngoài việc phải “đấu tranh” để có được một ngân sách quốc phòng lớn hơn.
Khủng hoảng ở Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Triều Tiên sẽ khiến bà phải tiếp tục can dự sâu sắc đến những vấn đề chính sách đối ngoại lớn. Donald Trump, Nga và khủng bố quốc tế cũng là những vấn đề khiến bà phải bận rộn.
Và với việc Liên minh châu Âu (EU) ngày càng được quản lý thông qua Berlin, thay vì là Brussels, bà sẽ đóng vai trò trung tâm trong các cuộc đàm phán về vấn đề Brexit. Bà cũng sẽ phải sát cánh cùng với Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp về chuyện cải cách EU, trong đó có cả chuyện cho ra đời Quỹ Tiền tệ châu Âu (EMF).
Bà Merkel sẽ phải đối mặt với một nhiệm kì khó khăn hơn so với 3 nhiệm kì trước đây vì sự trỗi dậy của đảng cánh tả theo chủ nghĩa dân túy Alternative für Deutschland, khi họ chiếm được một số ghế đáng kể (khoảng 60 đến 85 ghế).
Cuối cùng, bà sẽ buộc phải chú ý đến một vấn đề mà bà hoàn toàn ngó lơ suốt 12 năm qua, đó là tìm người kế nhiệm. Sau 12 năm nắm giữ vị trí quyền lực nhất của bà, gần bằng với kỉ lục 16 năm của cựu Thủ tướng Helmut Kohl, giờ đây nhiều người Đức thấy khó mà nghĩ đến ai khác cho chiếc ghế lãnh đạo này.