MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Muốn xuất khẩu sang các thị trường khó tính: Con vật cần được “chết tử tế” trước khi lên bàn ăn

Đối xử nhân đạo với động vật trước khi khai thác, giết mổ là một khái niệm mới mẻ đối với Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt đang tập quen dần với khái niệm này nếu muốn xuất khẩu sản phẩm sang một số thị trường khó tính như Nhật Bản.

Súc quyền hay phúc lợi động vật được hiểu một cách đơn giản là việc đối xử tốt với động vật để con vật có trạng thái tốt về thể chất lẫn tinh thần, tránh đi những đau đớn không đáng có cho dù là vật nuôi để làm thực phẩm. Theo đó, con vật không bị đói khát, không khó chịu cả về thể chất lẫn tinh thần, không bị đau đớn – thương tật – bệnh tật, tự do thể hiện các hành vi theo bản năng, không sợ hãi và lo lắng.

Những điều này khá mới mẻ trong khái niệm của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, đối với một số nước có nền chăn nuôi văn minh, đây là một trong những yêu cầu cần phải đảm bảo. Nếu muốn tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu, Việt Nam phải dần dần thay đổi.

Tháng 6/2016, Úc đã ngừng xuất khẩu bò sang Việt Nam bởi cáo buộc của Tổ chức bảo vệ động vật Australia. Với những thước phim ghi lại cảnh con bò bị búa đập 5 lần vào đầu cho chết rồi mới bị giết thịt, Animals Australia cho rằng việc xuất khẩu gia súc sống sang Việt Nam là “nguy hiểm chưa từng có”.

Những con vật không cần phải sợ hãi và đau đớn khi bị khai thác - đại diện Hội đồng Các nhà xuất khẩu gia súc sống Australia khẳng định. Và đó không chỉ là yêu cầu riêng biệt của Úc, nó còn diễn ra ở nhiều nước khác, như Nhật Bản.

Ông Nguyễn Văn Khải – Thành viên HĐQT Công ty Thuỷ sản Bến Tre trong toạ đàm về "Đường ra cho nông sản sạch" mới được tổ chức, cho biết việc giết mổ của công ty mình phải tuân theo những quy định của Nhật Bản, để con cá không chịu bất cứ đau đớn nào.

“Chúng tôi có bể nước đá rất lạnh. Khi cắt cổ thả ngay vào bể nước lạnh thì con cá không còn cảm giác đau, sẽ ra máu từ từ. Cá trôi đến cuối bể được vớt lên. Khi cắt phi lê đưa vào đèn soi sẽ trong suốt và có vân óng ánh rõ ràng. Nếu soi qua đèn thấy có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy con cá phải chịu đau đớn là không đạt yêu cầu”, ông Khải cho biết.

Những công đoạn này đều được phía Nhật Bản kiểm tra, giám sát chặt chẽ mỗi khi đặt hàng để đảm bảo các công đoạn được diễn ra được chính xác, ông Khải nhấn mạnh.

Việc quan tâm tới phúc lợi động vật là một trong 4 tiêu chí của chăn nuôi văn minh. 3 tiêu chí khác gồm: Đưa hàm lượng chất dinh dưỡng như Omega 3, Omega 6… vào thành phẩm; Đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; Và an toàn với môi trường.

Do đó, nếu muốn tham gia vào chuỗi chăn nuôi văn minh toàn cầu, doanh nghiệp Việt cần phải đáp ứng được những yêu cầu này.

Đình Phương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên