MWG, Kido ‘vung tay’ chiếm lĩnh thị phần sau dịch: Bước đi có mạo hiểm?
Theo báo cáo Bộ Công Thương, kể từ đầu tháng 10, tình hình dịch Covid-19 tại nhiều địa phương cơ bản được kiểm soát và tiến hành nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Điều này giúp cho thị trường hàng hóa sôi động hơn so với thời gian thực hiện giãn cách trước đó, nhu cầu hàng may mặc tăng cao do đang trong giai đoạn chuyển mùa tại các tỉnh phía Bắc; nhu cầu đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình, vật phẩm văn hóa giáo dục cũng tăng sau một thời gian dài thực hiện giãn cách… Do vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (tổng mức bán lẻ) tháng 10 tăng 18,5% so với tháng trước và giảm 19,52% so với cùng kỳ năm trước.
Qua tháng 11, với nhiều hoạt động kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung, ngày mua sắm Thứ Sáu Đen (Black Friday) được tổ chức tại nhiều địa phương, tổng mức bán lẻ tiếp tục tăng 6,2% so với tháng trước, song vẫn giảm 12,2% so với tháng 11/2020.
Lũy kế 11 tháng, tổng mức bán lẻ giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước do có nhiều tháng ghi nhận mức thấp, nhất là từ tháng 5 đến tháng 8 trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt là các địa phương lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa (tổng mức bán lẻ của các địa phương này chiếm tỷ trọng 50-60% của cả nước).
Bộ Công Thương đánh giá dịch bệnh khiến việc làm giảm, thu nhập giảm nên nhu cầu mua sắm hồi phục chưa thể tăng trở lại như những năm trước khi có dịch.
Trong bối cảnh nhu cầu phục hồi và nhiều nhà bán lẻ nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh chưa thể trở lại kinh doanh như bình thường, các doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính mạnh đã tranh thủ mở rộng quy mô, chiếm lĩnh thị trường.
Như Thế Giới Di Động – đơn vị thành viên của Đầu tư Thế Giới Di Động ( HoSE: MWG ) liên tiếp mở ra các chuỗi mới, thử nghiệm bán những mặt hàng chưa từng bán với mục tiêu tạo sự bứt phá.
Cụ thể, trong tháng 10, Thế Giới Di Động mở chuỗi Topzone tập trung vào các sản phẩm của Apple như iPhone, iPad, Apple Watch, Macbook và các phụ kiện kèm theo. Đến ngày 20/11, đơn vị này tiếp tục công bố khai trương chuỗi mới BlueJi đánh vào sản phẩm mắt kính hàng hiệu và trang sức. 5 siêu thị thuộc chuỗi này đã đi vào hoạt động từ 20/11. Mới đây, doanh nghiệp lại cho ra mắt chuỗi BlueSport chuyên bán các sản phẩm thời trời của những thương hiệu nổi tiếng như Nike, Puma, Adidas, Reebok…
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Thành viên HĐQT MWG, Tổng giám đốc Công ty Thế Giới Di Động chia sẻ dịch bệnh gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh nhưng cũng mở ra không ít cơ hội. Trải qua dịch bệnh, Thế Giới Di Động nhìn ra được những cơ hội mới ở những lĩnh vực hoàn toàn khác biệt. Ví dụ như lĩnh vực thời trang, đây là một lĩnh vực có nhu cầu lớn, dịch bệnh khiến các nhà bán lẻ nhỏ phải đóng cửa và tạo khoảng trống cho đơn vị khác nhảy vào. Theo đó, Thế Giới Di Động sẽ mở sớm và nhanh để lấy thị phần.
Chuỗi mới của Thế Giới Di Động.
Không chỉ doanh nghiệp nội, Tập đoàn E Land – tập đoàn thời trang hàng đầu của Hàn Quốc cũng bày tỏ mong muốn lấn sân vào thị trường Việt Nam. Cụ thể, E Land sẽ hợp tác với Dệt may Thành Công ( HoSE: TCM ) để mở chuỗi bán lẻ, mang các thương hiệu thời trang Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam. Tiết lộ với Người Đồng Hành, ông Trần Như Tùng – Chủ tịch HĐQT cho biết 2 bên đã có bước chuẩn bị như nghiên cứu thị trường, tìm mặt bằng… để đầu năm sau khởi động.
Tập đoàn Kido ( HoSE: KDC ) đang có những bước đi mới nhằm nhanh chóng bành trướng chuỗi bán lẻ Chuk Chuk. Cho ra mắt từ tháng 6, nhưng dịch bệnh khiến kế hoạch mở rộng chuỗi của Kido bị trì hoãn và mới được khởi động lại vào cuối tháng 10. Sau 1 tháng, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Kido cho biết đã mở được 10 cửa hàng, mỗi cửa hàng ghi nhận 500-800 hóa đơn mỗi ngày. Kido đặt mục tiêu mở thêm 40 cửa hàng trong tháng 12 và 400 trong năm 2022.
Chuỗi bán lẻ của Kido. |
Tổng giám đốc Kido nhìn nhận dịch Covid-19 vẫn là một thách thức lớn, tuy nhiên cũng nhờ dịch bệnh mà đơn vị tìm kiếm được mặt bằng vị trí đẹp dễ dàng hơn cùng chi phí thấp hơn đến 50% so với trước dịch.
Không dừng ở đó, Kido còn bắt tay với Tập đoàn Sơn Kim để đưa sản phẩm Chuk Chuk vào trong hệ thống các cửa hàng GS25. Việc này nhằm mục đích đưa sản phẩm của Chuk Chuk tiến nhanh ra thị trường miền Bắc và xa hơn là Hàn Quốc.
Mặt khác, dịch bệnh bùng phát mạnh trong quý III, nhiều loại hình kinh doanh phải tạm đóng cửa thì các cửa hàng tiện lợi cùng siêu thị, siêu thị mini vẫn được mở cửa để đảm bảo cung cấp sản phẩm thiết yếu cho người dân. Việc có ki ốt trong cửa hàng GS25 sẽ giúp Chuk Chuk vẫn phục vụ được các tín đồ trà sữa tương tự như Phúc Long mở ki ốt tại Winmart+.
Nhiều ý kiến cho rằng với xu hướng mua hàng ngày càng chuộng online như hiện nay, kết hợp dịch Covid-19 vẫn là yếu tố bất định thì việc bành trướng, mở rộng chuỗi cửa hàng khá rủi ro, làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp. Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích VNDirect đánh giá mặc dù xu hướng hiện nay là bán hàng online, kênh thương mại điện tử, song rất nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực này phải quay lại mở cửa hàng vật lý, kho hàng do bị phụ thuộc chuỗi logistics. Do vậy, những doanh nghiệp bán lẻ xây dựng được tập khách hàng, có mạng lưới cửa hàng vật lý và dòng tiền mạnh sẽ có nhiều lợi thế.
NDH