Mỹ: ‘Ấn Độ cứ thoải mái mua dầu giá rẻ của Nga’
Mỹ tin rằng việc G7 áp trần giá dầu sẽ khiến Nga phải giảm giá dầu xuất khẩu của mình xuống thấp hơn nữa và nước này "rất vui" nếu Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều nước khác mua được dầu với mức giá hời đó.
- 12-11-2022Học Trung Quốc, quốc gia này cũng đang tận dụng mua dầu giá rẻ từ Nga để bán lại cho Mỹ và châu Âu
- 09-11-2022Nga đầu tư tàu phá băng, đi 'đường tắt' qua Cực Bắc để bán dầu sang châu Á nhanh hơn
- 08-11-2022Nga ‘điên cuồng’ bán dầu trước ngày lệnh trừng phạt của EU có hiệu lực
Mỹ được cho là “rất vui” khi Ấn Độ tiếp tục mua nhiều dầu của Nga theo ý muốn, kể cả với mức giá cao hơn cơ chế giới hạn giá do G7 áp đặt, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết.
Bà Yellen cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Reuters bên lề một hội nghị làm sâu sắc mối quan hệ kinh tế Mỹ - Ấn, việc áp trần giá dầu Nga sẽ giúp giảm giá dầu toàn cầu trong khi hạn chế doanh thu của Nga. Bà Yellen cho biết thêm, Nga sẽ không thể bán nhiều dầu như hiện nay một khi Liên minh châu Âu ngừng nhập khẩu mà không chiết khấu sâu hơn nữa so với thời điểm hiện tại.
“Nga sẽ gặp nhiều khó khăn để tiếp tục vận chuyển nhiều dầu như họ đã làm khi EU ngừng mua dầu của Nga. Họ sẽ tìm kiếm nhiều người mua, mà những người mua này đa phần phụ thuộc vào các dịch vụ của phương Tây”, bà Yellen nói.
Ấn Độ hiện là khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga, ngoài Trung Quốc. Thông tin cuối cùng về mức áp trần được đặt ra bởi G7 và Úc vẫn đang được thống nhất trước thời hạn vào ngày 5/12.
Yellen cho biết việc áp trần giá dầu Nga sẽ cho phép Ấn Độ, Trung Quốc và các nước mua dầu thô lớn khác của Nga sẽ tiếp tục nhận được chiết khấu sâu hơn. Dầu của Nga “sẽ được bán với giá hời và chúng tôi rất vui khi Ấn Độ, châu Phi hoặc Trung Quốc mua được món hời đó”, bà Yellen nói thêm.
Bà Yellen - Bộ trưởng Tài chính Mỹ.
Mục đích của việc áp trần giá dầu Nga nhằm cắt giảm doanh thu từ dầu mỏ của nước này trên thị trường bằng cách từ chối các dịch vụ bảo hiểm, hàng hải và tài chính do đồng minh phương Tây cung cấp cho các tàu chở dầu.
Áp trần giá là khái niệm được Mỹ đưa ra kể từ khi EU đưa ra kế hoạch dừng mua dầu từ Nga vào tháng 5 như một biện pháp trừng phạt vì xung đột Nga – Ukraine.
Phát ngôn của bà Yellen đưa ra sau khi ngoại trưởng Ấn Độ tuần trước cho biết quốc gia này sẽ tiếp tục mua dầu thô của Nga vì điều đó có lợi cho Ấn Độ.
Các bộ Tài chính và Năng lượng của Ấn Độ không đưa ra bình luận về phát ngôn của bà Yellen nhưng một số quan chức cho biết họ cảnh giác với cơ chế áp trần giá chưa được kiểm chứng.
“Tôi không nghĩ chúng tôi sẽ tuân theo cơ chế giới hạn giá và chúng tôi đã thông báo điều đó với các quốc gia. Chúng tôi tin rằng hầu hết quốc gia đều cảm thấy thoải mái với nó”, một quan chức giấu tên của chính phủ Ấn Độ nói với Reuters. Vị quan chức này cũng nói thêm, nguồn cung và giá cả ổn định là quan trọng nhất.
Rosneft, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất của Nga, đang mở rộng hoạt động kinh doanh cho thuê tàu chở dầu để tránh việc người mua phải tìm tàu chở dầu, bảo hiểm hoặc các dịch vụ khác.
Tuy nhiên, bà Yellen tin rằng ngay cả với tàu chở dầu của Nga, tàu Trung Quốc và một lượng không nhỏ các tàu “ma” gồm những tàu chở dầu cũ đã ngừng hoặt động và tàu được gắn lại cờ, Nga vẫn sẽ gặp khó trong việc kinh doanh dầu như thông thường. “Tôi nghĩ họ sẽ rất khó bán hết số dầu đã sản xuất nếu không có giá bán hợp lý”.
Nguồn: Reuters
Nhịp sống thị trường