Mỹ bắn tên lửa Tomahawk vào Syria, cổ phiếu dầu khí Việt Nam nhanh chân vụt tăng trong phiên cuối tuần
Giá dầu thường nhảy vọt khi tình trạng căng thẳng xảy ra ở Trung Đông, vốn là khu vực sản xuất gần 40% sản lượng toàn cầu. Nhưng các chuyên gia phân tích cũng cho biết phản ứng tự động ban đầu đối với vụ không kích ở Syria có thể hơi quá trớn trong khi vai trò của Syria chỉ là một nước sản xuất dầu rất nhỏ.
- 07-04-2017Cổ phiếu dầu khí bứt tốc, STB bất ngờ tăng trần, VnIndex vượt ngưỡng 725 điểm
- 07-04-2017Mỹ phóng tên lửa vào Syria khiến giá vàng tăng 1%, tại sao phố Wall phải lo lắng?
- 07-04-2017Mỹ nã 50 tên lửa Tomahawk vào Syria sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học
Theo lệnh của Tổng thống Donald Trump, chiến hạm Mỹ đã nã 50 tên lửa hành trình Tomahawk vào các mục tiêu trên lãnh thổ Syria. Vụ không kích là hành động quân sự đầu tiên của Mỹ sau khi Washington cáo buộc Tổng thống Bashar al-Assad đứng sau các vụ tấn công hóa học làm nhiều thường dân thiệt mạng.
Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ trực tiếp tấn công các mục tiêu của chính quyền Assad sau cuộc nội chiến kéo dài 6 năm qua. Theo các nhà phân tích, hành động của Mỹ đánh dấu sự leo thang đáng kể trong khu vực, có thể bị phía Syria gọi là hành động gây chiến.
Trước động thái này, giá dầu thô đã tăng thêm 2% lên 51,89 USD/thùng vào ngày thứ 5 và kết thúc ngày thứ 6 (07/04), giá loại nhiên liệu này tăng thêm hơn 1% lên mức 52,34 USD/thùng. Đây là mức giá cao nhất đạt được trong vòng 1 tháng qua.
Trong khi đó, giá dầu Brent cũng nhảy vọt thêm 1,6% lên 55,75USD/thùng, ghi nhận mức tăng 3,2% trong tháng qua.
Vốn vô cùng nhạy cảm với giá dầu, trong phiên giao dịch ngày hôm qua, nhiều cổ phiếu ngành dầu khí trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng ghi nhận sự tăng giá tích cực.
Cổ phiếu GAS của Tổng Công ty khí Việt Nam – CTCP vụt tăng 4,4% lên mức giá 57.200 đồng với khối lượng đột biến lên gần 1,6 triệu đơn vị, ghi nhận phiên tăng giá thứ 2 cùng giá dầu. GAS có xu hướng giảm từ đầu năm đến nay và cũng có một số phiên “bốc đầu” nhưng đều không phá vỡ được xu hướng giảm nói chung.
PVD của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan dầu khí cũng tăng 2% lên hơn 20.000 đồng sau 4 ngày biến động u ám, khối lượng đạt hơn 2,7 triệu đơn vị. PVD đã giảm ròng rã 2 tháng qua và biến động này cũng chưa thể nói lên điều gì.
PVS của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam cũng tăng 1,2% lên 16.800 đồng, khớp lệnh hơn 2,4 triệu đơn vị. Doanh nghiệp này vừa công bố KQKD năm 2017 thận trọng với 13.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất. Lợi nhuận trước thuế khoảng 700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 560 tỷ đồng.
Theo đà, PVT của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí tăng 1,6% lên 13.050 đồng và khớp hơn 1 triệu cổ phiếu. trong cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2017 mới tổ chức, lãnh đạo PVT cho biết, trong quý 2/2017, dự án Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sẽ chạy thử và cuối quý IV/2017 hoặc chậm nhất đầu quý 1/2018 sẽ chạy chính thức. PVTrans tham gia vận chuyển khoảng 2 – 2,5 triệu tấn dầu thô nguyên liệu của Nhà máy, doanh thu dự kiến khoảng 500 – 700 tỷ khi nhà máy hoạt động toàn bộ công suất.
Lãnh đạo PVT cũng cho biết PVT chịu ảnh hưởng bởi giá dầu nhưng không quá lớn do quy mô thị trường Việt Nam nhỏ và đặc thù kinh doanh.
Nhiều cổ phiếu ngành dầu khí như PXS, PVE… cũng đóng cửa với sắc xanh nhưng nhìn chung chưa có nhiều diễn biến tích cực hơn.
Giá dầu thường nhảy vọt khi tình trạng căng thẳng xảy ra ở Trung Đông, vốn là khu vực sản xuất gần 40% sản lượng toàn cầu. Nhưng các chuyên gia phân tích cũng cho biết phản ứng tự động ban đầu đối với vụ không kích ở Syria có thể hơi quá trớn trong khi vai trò của Syria chỉ là một nước sản xuất dầu rất nhỏ và không có sự đe dọa lập tức lên các nhà sản xuất lớn hơn.
Trí Thức Trẻ