MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ cấm vận nhà thầu Nga, dự án tỷ USD Việt Nam đình trệ

Nhiều dự án nhiệt điện than do PVN thực hiện đang gặp vướng mắc, chậm tiến độ, trong đó có dự án nhiệt điện tỷ USD bị ảnh hưởng bởi Mỹ cấm vận nhà thầu Nga.

Nhà thầu bị Mỹ cấm vận, dự án bế tắc

Dự án nhiệt điện Long Phú 1 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có vốn đầu tư hơn 29,5 nghìn tỷ đồng. Kế hoạch ban đầu là 45 tháng và 49 tháng hoàn thành cho từng tổ máy, hoàn thành tổ máy 1 vào 30/10/2018 và tổ máy 2 vào 29/2/2019.

Như vậy, tính đến nay dự án đã chậm tiến độ.

Ông Nguyễn Huy Vượng, Trưởng ban Điện ( PVN ), cho biết: Dự án hiện mới hoàn thành 77,56% so với kế hoạch, nguyên nhân chính xuất phát từ phía nhà thầu Power Machines (PM - Nga) và việc Chính phủ Mỹ áp đặt lệnh cấm vận trực tiếp đối với nhà thầu này (PM) từ 28/1/2018.

Mỹ cấm vận nhà thầu Nga, dự án tỷ USD Việt Nam đình trệ - Ảnh 1.

Nhiệt điện Long Phú 1 còn chưa rõ ngày nào hoàn thành. Ảnh: Thùy Dung


Từ thời điểm PM bị cấm vận, công tác mua sắm hàng hóa thiết bị nhập khẩu và thu xếp vốn cho dự án thuộc phạm vi công việc của PM đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gần như không đạt tiến triển cụ thể.

“Đến nay, dự án vẫn chưa xác định được tiến độ khả thi do nhà thầu PM không tiếp tục thực hiện hợp đồng EPC bởi các khó khăn/vướng mắc do ảnh hưởng của cấm vận”, PVN cho biết. Ngoài ra, PM còn đề nghị PVN xem xét phương án cấu trúc lại, tăng giá và nhiều điều kiện khác không phù hợp với quy định của Hợp đồng EPC hoặc chấm dứt thực hiện hợp đồng EPC.

Một năm sau khi bị cấm vận, ngày 28/1/2019, nhà thầu PM đã có văn bản chính thức thông báo về việc chấm dứt thực hiện hợp đồng EPC dự án. PM đã chính thức dừng các hoạt động tại công trường kể từ ngày 15/3/2019, rút giám đốc công trường về nước kể từ 29/3/2019.

Ông Đinh Văn Sơn, thành viên Hội đồng thành viên PVN Với dự án Long Phú 1, đây là khó khăn khách quan với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi nhà thầu PM bị Mỹ cấm vận. Đây không phải là nguyên nhân bất khả kháng. Đây là lý do đơn phương từ phía chính phủ Mỹ cấm vận với một công ty cụ thể. Hiện chúng tôi phải làm công tác quản lý, bảo dưỡng để các thiết bị đã lắp đặt, đang làm dở dang, kể cả vật tư không bị hỏng.


Việc PM dừng, không tham gia vào công tác triển khai dự án trong khoảng thời gian dài nêu trên đã tác động nghiêm trọng đến công tác tiếp tục thực hiện các hạng mục công việc khác mà không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận của dự án.

Nhiều thiết bị của nhà máy không thể tiến hành bảo quản, bảo dưỡng vật tư thiết bị, “tiềm ẩn nguy cơ bị hỏng hóc/ăn mòn và có thể phải thay thế mới”.

Ngoài ra, theo PVN , công tác thi công, thanh toán của dự án gặp khó khăn do các ngân hàng nước ngoài, cũng như ngân hàng thương mại của Việt Nam, từ chối thực hiện các giao dịch tài chính liên quan đến nhà thầu PM.

Ông Nguyễn Huy Vượng cũng nêu khó khăn khi tổng mức đầu tư dự án chưa được điều chỉnh. Tổng mức đầu tư duyệt năm 2010, song do thực tế khách quan và chủ quan nên dự án chưa hoàn thành, vì thế, tổng mức đầu tư xác lập từ 2010, hợp đồng ký năm 2015 với liên doanh không còn phù hợp. Tuy nhiên, PVN trình rất lâu mà Bộ vẫn chưa có ý kiến xem xét đề nghị của PVN. Trong hoàn cảnh nào, dù PM tiếp tục hay nhà thầu khác cùng PM thực hiện, thì tổng mức đầu tư điều chỉnh đều phải được xem xét, đảm bảo chi phí hợp lý hợp lệ cho nhà thầu triển khai dự án.

Ngay từ thời điểm Mỹ áp đặt lệnh cấm vận đối với PM, PVN đã thực hiện ngay các công việc để tháo gỡ khó khăn, tiến hành nhiều cuộc đàm phán, làm việc với PM, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

“Tuy nhiên, cho tới nay PVN vẫn chưa nhận được chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về đề xuất của PVN”, PVN cho hay.

Mỹ cấm vận nhà thầu Nga, dự án tỷ USD Việt Nam đình trệ - Ảnh 3.

Dự án nhiệt điện Long Phú 1. Ảnh: Thùy Dung


Thiếu tiền triển khai nhiều dự án

Hai dự án nhiệt điện than khác của PVN cũng gặp khó khăn là nhiệt điện Thái Bình 2 và Sông Hậu 1.

Dự án Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng mức đầu tư hơn 41 nghìn tỷ đồng, đến nay tiến độ tổng thể đạt hơn 84%. Nhưng dự án đối mặt với nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ.

Ông Đinh Văn Sơn, thành viên Hội đồng thành viên PVN Nếu dừng dự án nhiệt điện Thái Bình 2 thì tất cả chi phí chúng ta bỏ ra không thu hồi được. Hơn 30 ngàn tỷ đã giải ngân là giá trị sổ sách. Còn tính giá trị thực tế khi đang dở dang, là đống sắt vụn thì giá trị giảm... Đó là chưa nói lấy nguồn thu nào để trả nợ vay dự án. Dự án đó dù chậm, nhưng nếu không đi vào vận hành được thì trước tình hình cả nước sau 2020 thiếu điện, nguồn nào thay thế 1.200 MW đó. Đó là câu hỏi phải suy nghĩ.


Nguyên nhân là nhà thầu Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí (PVC) trong quá trình triển khai dự án có một số sai phạm đã và đang được các cơ quan chức năng xem xét, xử lý. Việc sử dụng số tiền sai mục đích hơn 1.100 tỷ đồng dẫn đến nhiều hệ lụy cả về chi phí, tiến độ, pháp lý ảnh hưởng đến nguồn lực trong triển khai dự án.

“Hồ sơ, thủ tục pháp lý của dự án còn một số vấn đề không đảm bảo nên có rất nhiều việc hoàn thành nhưng không thể thanh/quyết toán, trong đó có cả yếu tố tâm lý của những cán bộ được cử đến để “giải cứu” dự án này”, PVN cho hay.

Ngoài ra, do tiến độ dự án bị kéo dài, nên có nhiều khó khăn và rủi ro phát sinh như máy móc thiết bị hết thời hạn bảo hành, không vay thêm được vốn,...

Ông Nguyễn Huy Vượng, Trưởng ban Điện PVN cho hay: “Hiện giá trị giải ngân của dự án đạt khoảng 32,9 nghìn tỷ đồng. Ngoài khó khăn việc chạy thử, thì nguồn vốn thực hiện giải ngân tiếp tục gặp khó khăn. Hôm qua Chủ tịch HĐTV PVN có công văn 247 gửi Bộ Công Thương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, cho phép PVN được dùng nguồn vốn chủ sở hữu để giải ngân cho dự án với điều kiện không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh”.

“Nếu không được giải quyết kịp thời thì dự án tiếp tục chậm tiến độ”, đại diện PVN chia sẻ.

Dự án thứ ba là nhiệt điện Sông Hậu 1 có tổng mức đầu tư sau thuế là hơn 43 nghìn tỷ đồng. Dự kiến tiến độ hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại các tổ máy vào năm 2021.

Đế nay, tiến độ dự án đạt khoảng 73%. Dự án này là do LILAMA triển khai, được Chính phủ cho phép thực hiện theo hình thức hợp đồng điều chỉnh giá cho phần xây dựng, lắp đặt, gia công, chế tạo. Tuy nhiên, do tính chất và đặc thù công việc của dự án, phương án điều chỉnh giá hợp đồng EPC chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền.

Theo Lương Bằng

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên