Mỹ chạy đua ngăn "thảm họa kép"
Dự luật chi tiêu khẩn cấp nhằm nâng mức trần nợ công và ngăn chính phủ Mỹ đóng cửa đã bị chặn lại trong cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện hôm 27-9.
- 29-09-2021Covid-19 châm ngòi cho sự suy giảm tuổi thọ lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, đàn ông Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất
- 28-09-2021Microsoft tiếc nuối vì không thể thâu tóm được TikTok ở Mỹ
- 28-09-2021"Sói già phố Wall" bất ngờ đến Bắc Kinh khi Mỹ-Trung căng thẳng: Được ví với chuyến thăm bí mật 40 năm trước
- 28-09-2021USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh cầm chân giá Bitcoin và vàng
- 28-09-2021Con số khiến Mark Zuckerberg lo sợ: TikTok cán mốc 1 tỷ người dùng mỗi tháng, rất nhiều trong số đó là người Mỹ
Trước đó, dự luật này đã qua ải Hạ viện, theo đó cấp ngân sách để chính phủ duy trì hoạt động đến tháng 12-2021 và tạm ngưng áp đặt trần nợ công đến tháng 12 năm sau.
Các nhà lập pháp Mỹ cần thông qua dự luật này từ nay đến ngày 30-9 để ngăn kịch bản chính phủ đóng cửa. Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính Mỹ, quốc hội cũng cần hành động trước ngày 15-10 để nâng mức trần nợ nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ công.
Đài Al Jazeera nhận định các nghị sĩ của cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa đều muốn ngăn 2 kịch bản xấu trên xảy ra nhưng lại bất đồng về cách thức đạt được mục tiêu này. Đảng Cộng hòa đồng ý tiếp tục cấp ngân sách hoạt động cho chính phủ nhưng không giúp nâng mức trần nợ. Trong khi đó, dự luật do Đảng Dân chủ soạn thảo lại muốn xử lý cả 2 vấn đề.
Bất đồng nói trên tiếp tục được nêu tại cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện khi toàn bộ thành viên Đảng Cộng hòa bỏ phiếu phản đối dự luật. Lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell tái khẳng định sẽ tiếp tục bỏ phiếu phản đối mọi biện pháp nâng hoặc đình chỉ trần nợ công dù không muốn chính phủ đóng cửa.
Phe Cộng hòa cho rằng việc nâng trần nợ công sẽ tạo điều kiện cho phe Dân chủ theo đuổi hàng ngàn tỉ USD chi tiêu bổ sung cùng những thay đổi chính sách khác mà họ không ủng hộ.
Thượng nghị sĩ Joe Manchin của đảng Dân chủ Mỹ trả lời phóng viên sau cuộc bỏ phiếu hôm 27-9 Ảnh: REUTERS
Đảng Dân chủ bác bỏ lập luận trên khi nhấn mạnh phần lớn khoản nợ mới của đất nước phát sinh trong thời gian ông Donald Trump nắm quyền. Họ cũng chỉ ra rằng đã làm việc với phe Cộng hòa thời chính quyền Tổng thống Donald Trump để nâng trần nợ công ngay cả khi ông Trump theo đuổi những chính sách không được Đảng Dân chủ ủng hộ, như xây bức tường dọc biên giới Mỹ - Mexico.
Theo báo The Washington Post, hiện vẫn chưa rõ liệu chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ phản ứng như thế nào nếu quốc hội không hành động kịp thời để nâng hoặc đình chỉ trần nợ công. Dù vậy, Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Lael Brainard nhấn mạnh quốc hội không còn lựa chọn nào khác ngoài hành động trước hạn chót.
Theo sau cuộc bỏ phiếu nói trên, các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa tuyên bố sẵn sàng ủng hộ một dự luật chi tiêu tạm thời, miễn là nó không chứa nội dung về trần nợ công. Trong khi đó, theo trang Politico, Đảng Dân chủ đang phát những tín hiệu cho thấy họ sẵn sàng đáp ứng yêu cầu này trong gói chi tiêu chính phủ mới để ngăn "thảm họa kép" xảy ra, đe dọa đến nền kinh tế đang vật lộn với đại dịch Covid-19.
Thượng nghị sĩ Tim Kaine hôm 27-9 nhấn mạnh với quyền kiểm soát quốc hội và Nhà Trắng, Đảng Dân chủ của ông sẽ "không để chính phủ đóng cửa và vỡ nợ". Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Phân bổ ngân sách Hạ viện Rosa DeLauro thông báo Đảng Dân chủ trong tuần này sẽ đệ trình một dự luật chi tiêu mới mà không có nội dung liên quan đến trần nợ công.
NLĐ