MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ: công nhân vệ sinh Mỹ hái tiền tỷ, Việt Nam - đủ ăn còn khó

05-03-2017 - 09:15 AM | Tài chính quốc tế

Mùa Hè bụi bặm, mùa Đông rét mướt... những công nhân này vẫn lầm lũi làm công việc vệ sinh sạch sẽ cho đường phố với mức lương không đủ trang trải cho cuộc sống.

CNM/VTC News đưa tin, tại Mỹ, mức lương của tài xế lái xe rác trung bình 40.000 USD/năm, trong khi nhiều sinh viên tốt nghiệp Đại học chỉ kiếm được 30.000 USD/năm sau khi ra trường. Theo các con số thống kê tại quốc gia này, tiền lương của công nhân vệ sinh tăng 18% so với mức trung bình tăng 14% của các nghề khác kể từ năm 2009 đến nay.

Anh Nguyễn Duy Thành quan niệm: Việc gì cũng là việc, chỉ cần mình làm tốt!
Anh Nguyễn Duy Thành quan niệm: "Việc gì cũng là việc, chỉ cần mình làm tốt!"

CNM/VTC cũng dẫn thông tin về một công nhân vệ sinh tên Molina cho biết, năm 2016, anh này nhận được mức thu nhập 112.000 USD khi làm tài xế chở rác. Mức thu nhập khởi điểm trước đó của anh này là 80.000 USD/năm, trong khi người khác kiếm được 100.000 USD. Tiền lương của họ đã tăng lên suốt 9 năm qua.

Mặc dù mức thu nhập cao như vậy nhưng nước Mỹ cũng không dễ dàng tìm được người chấp nhận làm công việc trong môi trường ô nhiễm.

Tương tự như vậy, tại Việt Nam, dọn vệ sinh đường phố, thu gom rác rưởi là một nghề vất vả, độc hại, phải đối mặt với mùi hôi thối từ rác, chất thải nên dù có trang bị các phương tiện bảo hộ lao động cần thiết vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe. Công nhân vệ sinh dễ có nguy cơ bị mắc các bệnh về da và các căn bệnh truyền nhiễm. Mặc dù là nghề được đánh giá có mức độ ảnh hưởng và nguy hiểm cao đến sức khỏe, nhưng họ ít được xã hội coi trọng như những ngành nghề khác.

Đáng nói là dù công việc vất vả, ô nhiễm nhưng công nhân vệ sinh đường phố cũng chỉ có thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng.

“Mức lương này chỉ đủ cho hai con của tôi đi học. Còn lại chi tiêu, trang trải trong gia đình nhờ vợ tôi lo hết”, anh Nguyễn Duy Thành - Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết.

Công việc vệ sinh đường phố được chia làm 3 ca: ca 1 (5h -13h), ca 2 (13h -21h), ca 3 (18h -3h sáng ngày hôm sau), anh Thành cho biết, làm ca 3 là vất vả nhất vì công việc diễn ra vào đêm khuya.

Ngoài ra, một trong những khó khăn trong công việc là do ý thức của một số người dân còn kém, họ xả rác một cách vô ý thức.

“Thậm chí chúng tôi vừa quét và gom rác xong quay đầu lại đã thấy túi rác mới vứt toẹt ra đường. Mà công việc của chúng tôi luôn có bộ phận đi kiểm tra xem quét sạch không? Thấy như vậy họ sẽ kết luận là chúng tôi làm rối”, anh Thành cho biết.

Những tưởng công việc “vất vả” này sẽ được hưởng mức thu nhập cao nhưng thực tế lại không phải như vậy.

Anh Thành trải lòng: “Ngoài lương 5 triệu/tháng, mỗi ngày chúng tôi được phụ cấp 10.000 đồng. Mức lương này tuy không đủ trang trải cuộc sống nhưng ổn định. Tôi quan niệm, việc gì thì việc, miễn là mình làm tốt!”

Là người làm công việc này đã nhiều năm, chị Nguyễn Thanh Tùng (URENCO) cho biết, cực nhất là vào mùa Đông rét mướt, sau khi quét xong nhiều hôm chị em chúng tôi phải ngồi chờ xe cẩu rác vài giờ đồng hồ.

Vì mưu sinh, những người nữ công nhân vệ sinh đường phố chấp nhận làm đêm, tiếp xúc với bụi bẩn và ô nhiễm với mức lương hạn hẹp.
Vì mưu sinh, những người nữ công nhân vệ sinh đường phố chấp nhận làm đêm, tiếp xúc với bụi bẩn và ô nhiễm với mức lương hạn hẹp.

“Có khi chúng tôi phải ngồi chờ đến 4-5h sáng mới có xe đến gom rác khiến chúng tôi rất mệt mỏi. Chưa kể nhiều người nhà xa 10 – 20 km cây số, đi về vào thời điểm tờ mờ sáng rất nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho chị em”, chị Tùng cho hay.

Ngoài ra, làm ca đêm công việc đòi hỏi khắt khe hơn, yêu cầu đường phố phải thật sạch. Nhưng có những điều mà nếu không phải là người cầm chổi thì không thể hiểu hết được.

“Ví như khi chúng tôi quét sạch sẽ rồi, nhưng dân mình đi chơi đêm xả rác, vứt tẩu thuốc lá, rồi lá cây rụng nhiều....Sáng ra người ta đi kiểm tra thấy bẩn lại kết luận chúng tôi quét chưa sạch. Khi đó chúng tôi lại bị trừ tiền. Lương đã thấp rồi lại còn bị trừ bớt đi thành ra thu nhập chẳng được bao nhiêu.”.

Người phụ nữ này nói thêm, tay quệt những giọt mồ hôi trên trán dù Hà Nội đang mùa Đông: “Công việc vất vả nhưng thu nhập của chúng tôi chỉ 5 triệu đồng/tháng, không đủ nuôi sống một gia đình có 2 con nhỏ như tôi, chưa kể tôi còn phải đối nội, đối ngoại. Từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm thì mỗi người chúng tôi cũng nhận được 3 kg đường và hộp C mỗi tháng để bồi dưỡng, cũng có bảo hiểm y tế đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều công nhân cũng chán, bỏ nghề hết. Nếu có lựa chọn khác thì tôi sẽ đổi nghề”, chị Tùng chia sẻ.

Theo Hà Giang

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên