MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ đang chuẩn bị toàn lực để chặn sự phát triển của công nghệ cao Trung Quốc?

27-09-2020 - 23:03 PM | Tài chính quốc tế

Washington cố gắng bảo vệ các ngành công nghệ cao của họ bởi lo ngại việc thuê gia công tại Trung Quốc quá nhiều có thể gây tổn hại đến an ninh quốc gia và năng lực quân sự của Mỹ.

THÀNH LẬP QUỸ HÀNG CHỤC TỶ USD ĐỂ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT CHIP

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang tính đến việc trợ cấp khoảng 25 tỷ USD để khuyến khích các công ty Mỹ chuyển hoạt động sản xuất chip trở lại Mỹ trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc leo thang trong lĩnh vực công nghệ.

Theo báo Nikkei, thông thường, không hay xảy ra việc Mỹ hỗ trợ lượng tiền lớn cho bất kỳ lĩnh vực nào, bởi phía Mỹ quan điểm rằng điều này có thể bóp méo thị trường. Tuy nhiên, Washington cho đến nay vẫn cố gắng bảo vệ các ngành công nghiệp của họ bởi lo ngại việc thuê gia công tại Trung Quốc quá nhiều có thể gây tổn hại đến an ninh quốc gia và năng lực quân sự của Mỹ.

Ở thời điểm năm 2019, các công ty sản xuất chất bán dẫn của Mỹ nắm kiểm soát khoảng 47% thị phần thị trường toàn cầu, theo báo cáo của Tổ chức Công nghệ Thông tin và Đổi mới. Các công ty Hàn Quốc đứng thứ 2 với 19% thị phần còn công ty Nhật đứng thứ 3 với 10% thị phần.

Công ty môi giới Boston Consulting Group ước tính rằng các công ty sản xuất chip của Mỹ thực tế chỉ sản xuất 12% sản phẩm chất bán dẫn trên khắp thế giới. Phần lớn các công ty này tập trung vào thiết kế bản mạch chip, trong đó có bao gồm Nvidia và Qualcomm. Nhóm các công ty nói trên thuê gia công tại các nhà máy ở Đài Loan và một số nơi khác.

Trung Quốc hiện đang sản xuất khoảng 15% tổng số lượng chip sử dụng trên toàn cầu, hoạt động sản xuất chip tại Trung Quốc được kỳ vọng tăng trưởng 24% trong vòng 10 năm tới, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ trở thành nước cung cấp các sản phẩm chip lớn nhất thế giới.

Mỹ muốn ngăn chặn sự phát triển này, vì vậy Mỹ cũng đang tăng cường trợ cấp để hỗ trợ ngành sản xuất phát triển trong năm tài khóa 2021 bắt đầu từ tháng 10/2020.

Theo dự thảo luật mà hai đảng đang tính toán đưa ra, chính quyền liên bang sẽ cung cấp khoảng 3 tỷ USD trợ cấp với mỗi dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm án dẫn và nghiên cứu. Việc xây dựng nhà máy bán dẫn có thể tiêu tốn đến 10 tỷ USD, phía Mỹ tính thành lập quỹ 15 tỷ USD để hỗ trợ cho các dự án trong lĩnh vực này trong 10 năm tới.

MỸ BẤT CHẤP LUẬT WTO ĐỂ TRỢ CẤP?

Quốc hội Mỹ cũng đang tính tới việc cung cấp tài chính cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ đang hy vọng sẽ được dùng tiền đầu tư 5 tỷ USD dành cho việc sản xuất chip chuyên sử dụng để phục vụ cho mục đích an ninh quốc phòng, ngoài ra sẽ cần đến 5 tỷ USD để nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực này. Nhiều công ty sản xuất chip châu Á hiện đang dần theo kịp công ty Mỹ trong các sản phẩm siêu nhỏ cũng như công nghệ mới.

Ngoài ra, chính quyền nhà nước và các bang tại Mỹ cũng đang tính hỗ trợ các công ty sản xuất chip thông qua các chương trình giảm thuế và một số mục tiêu chính sách khác.

Tại Trung Quốc, việc chính phủ hỗ trợ cho các ngành, đặc biệt ngành công nghệ cao khá phổ biến. Quỹ đầu tư vào sản xuất chip của chính phủ Trung Quốc (CICIIF) được sáng lập năm 2014, cho đến nay quỹ đã đầu tư tổng số 140 tỷ nhân dân tệ tức khoảng 20,5 tỷ USD.

Tổng đầu tư ước tính khoảng 500 tỷ nhân dân tệ, trong đó phải tính đến nguồn đầu tư từ chính quyền địa phương. Bắc Kinh đang đặt mục tiêu sản xuất tại nội địa được khoảng 70% chip sử dụng trông các ngành trước thời điểm năm 2025.

Các sản phẩm chất bán dẫn là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Mỹ, việc chính quyền Mỹ trợ cấp mạnh tay có thể vi phạm các quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tuy nhiên, theo nguồn tin của Quốc hội Mỹ, tiền trợ cấp cũng được dành cho các doanh nghiệp nước ngoài và vì vậy không vi phạm quy định của WTO.

Dự thảo của chính quyền Mỹ có nhắc đến việc thành lập quỹ đa phương. Quỹ này sẽ hợp tác với Nhật, EU và một số nước đồng minh khác của Mỹ để cùng phát triển sản xuất chip.

MỸ TIẾP TỤC “SIẾT GỌNG KÌM” VỚI DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ TRUNG QUỐC

Trong động thái mới nhất, phía Mỹ công bố biện pháp siết chặt kiểm soát xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao với công ty sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc SMIC bởi viện dẫn đến rủi ro chưa từng có tiền lệ bởi lo ngại công ty này có những mối liên hệ với chính phủ Trung Quốc.

Trong lá thư công bố vào ngày 25/9/2020 mà Nikkei có được, Bộ Thương mại Mỹ đã yêu cầu các công ty Mỹ nộp đơn xin phép trước khi bán sản phẩm cho SMIC. Động thái này như vậy tiếp tục leo thang các biện pháp siết chặt mà Mỹ áp với công ty công nghệ Trung Quốc, đồng thời nó cũng khiến cho căng thẳng với Bắc Kinh tăng lên.

Cục quản lý công nghiệp và an ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định rằng việc xuất khẩu sản phẩm cho SMIC và các công ty trực thuộc có thể tiềm ẩn rủi ro chưa từng thấy. Chính vì vậy các nhà cung cấp cần phải nộp hồ sơ xin cấp phép nếu muốn xuất khẩu, tái xuất khẩu hoặc bán hàng tại nội địa Trung Quốc cho SMIC.

SMIC là công ty sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc. Công ty này nằm ở vị trí trung tâm trong tham vọng của Bắc Kinh về việc phát triển ngành bán dẫn cũng như giảm sự phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài. Sau phán quyết mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ, SMIC cho biết sẽ hợp tác một cách xây dựng và cởi mở với Bộ Thương mại Mỹ.

Theo Ngọc Diệp

Nhịp sống doanh nghiệp

Trở lên trên