Mỹ điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại: "Lo nhất là doanh nghiệp chây ỳ không giải trình"
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa công bố kết luận sơ bộ điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập từ Việt Nam. Tương tự, sản phẩm của Trung Quốc đang bị DOC áp thuế chống bán phá giá 183,36%, và chống trợ cấp từ 22,98%-194,90%.
- 21-11-2021Hơn 200 vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu Việt Nam: Nguyên nhân do đâu?
- 03-09-2020Vụ "Đại gia ngoại thâu tóm gia cầm Việt": Cần tăng cường năng lực phòng vệ thương mại
- 23-08-2020Cục Phòng vệ thương mại: Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu bị áp thuế cao 4-5 năm vẫn không biết
Nguyên nhân, DOC điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam là theo thống kê của Hải quan Hoa Kỳ, xuất khẩu sản phẩm này của Việt Nam sang Hoa Kỳ liên tục tăng mạnh.
Gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị áp dụng thuế CBPG và CTC
Cụ thể, năm 2018 xuất khẩu gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ đạt 112,3 triệu USD, qua năm 2019 tăng lên 226,4 triệu USD, năm 2020 đạt mức 248,5 triệu USD và năm 2021 là 356,7 triệu USD. So với năm trước khi khởi xướng điều tra (2019), kim ngạch xuất khẩu gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng của Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2021 đã tăng 57,6%.
Kết luận sơ bộ của DOC cho rằng gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) như đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong trường hợp gỗ dán từ Việt Nam lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước khác sẽ không bị áp dụng thuế CBPG và CTC.
Căn cứ kết luận sơ bộ này, DOC sẽ đề nghị Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ tiếp tục dừng thanh khoản và yêu cầu nhà nhập khẩu nộp tiền đặt cọc bằng mức thuế chống lẩn tránh tạm tính đối với các lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ kể từ ngày 17/6/2020 (ngày thông báo khởi xướng điều tra) đối với các trường hợp là đối tượng bị áp dụng biện pháp.
Theo tính toán, số lượng các doanh nghiệp được tham gia tự chứng nhận chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn điều tra. Thông báo mới nhất, DOC gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc này đến ngày 17/10/2022.
Rất khó để gian lận xuất xứ hàng hóa
Ông Lương Văn Nga - Tổng giám đốc Công ty TNHH KODA SAIGON cho rằng rất khó để gian lận xuất xứ hàng hóa (C/O) đối với nguyên liệu gỗ dán nhập khẩu, vì tất cả doanh nghiệp Việt Nam đều phải khai báo với hải quan C/O, và phải nộp chứng nhận C/O đầy đủ mới làm được bộ chứng từ xuất khẩu, thậm chí Bộ Công Thương và bộ phận thuế cũng kiểm soát C/O để khai thuế.
Thứ hai, nhà nhập khẩu cũng yêu cầu rất khắt khe nguồn gốc nguyên liệu nhập khẩu.
Thứ ba, những gì liên quan đến sản phẩm xuất khẩu đều được lên hệ thống điều tra của hải quan để hoàn thuế VAT nhập khẩu nguyên liệu, nếu doanh nghiệp nào làm sai sẽ thể hiện trên hệ thống ngay.
"Xuất khẩu gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ liên tục tăng là do Trung Quốc đang bị áp thuế cao, các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ phải tìm thị trường có mức giá rẻ hơn để nhập khẩu, và Việt Nam là một ví dụ. Đây là vấn đề bình thường.
Năm 2013, Hoa Kỳ có gửi công văn thông báo nếu doanh nghiệp Việt Nam nào nếu có sử dụng bông gòn nhập từ Pakistan và Afghanistan, sẽ không được xuất vào thị trường Mỹ, vì doanh nghiệp hai nước này sử dụng lao động cưỡng bức trẻ em.
Bây giờ với sản phẩm gỗ dán, với hình thức chuyển giá, các bộ phận đóng tủ được sản xuất ở Trung Quốc rồi nhập về Việt Nam ráp lại và dán "made Việt Nam" xuất đi nhưng sẽ bị bắt ngay, vì khi nhập về Việt Nam hồ sơ, chứng từ đều rõ ràng ở hải quan", Tổng giám đốc Công ty KODA SAIGON nói.
Ông Huỳnh Quang Thanh - Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (GOVIET) phụ trách phía Nam cho biết, bản chất việc DOC khởi kiện lẩn tránh thuế và chống trợ cấp đối với hai sản phẩm tủ bếp, và tủ nhà tắm của doanh nghiệp Việt Nam. Bởi họ đang đánh thuế các sản phẩm này của Trung Quốc, sau khi Trung Quốc bị áp thuế thì thấy các sản phẩm này xuất sang Hoa Kỳ tăng mạnh, nên DOC nghi ngờ một số doanh nghiệp ở Việt Nam có gian lận.
Theo nhìn nhận của ông Thanh, DOC đang nghi các doanh nghiệp ở Việt Nam nhập một số chi tiết ở Trung Quốc về Việt Nam để lấy nguồn gốc Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ, nhằm lẩn tránh thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc. Doanh nghiệp nào không vi phạm thì không sao, nhưng phải chứng minh cho DOC biết, còn với những doanh nghiệp không giải trình đầy đủ DOC chắc chắn sẽ đánh thuế.
"GOVIET và hiệp hội gỗ các địa phương đang ra sức giải trình với DOC về vấn đề này nhưng chưa biết ngã ngũ ra sao, vì phải chờ coi phía Mỹ điều tra doanh nghiệp nào có gian lận nguồn gốc xuất xứ.
Trước mắt DOC đã thông báo điều tra các doanh nghiệp đã xuất khẩu các sản phẩm này sang Mỹ thì phải tạm ứng tiền thuế, nhưng chưa ấn định con số tuyệt đối bao nhiêu. Sau này khi DOC điều tra xong doanh nghiệp nào không bị đánh thuế sẽ được trả lại, còn doanh nghiệp nào bị đánh thuế sẽ bị khấu trừ.
Chỉ với thông tin như vậy mà các nhà nhập khẩu ở Mỹ đã muốn dừng nhập khẩu các sản phẩm này, còn doanh nghiệp ở Việt Nam thì không muốn xuất khẩu các sản phẩm này sang Mỹ", Phó chủ tịch GOVIET chia sẻ.
Nguy cơ kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ giảm
Xuất khẩu dòng sản phẩm tủ bếp, tủ nhà tắm sang Mỹ đang gặp khó khăn, và tuy chỉ là 2 trong toàn bộ các sản phẩm đồ gỗ như bàn ghế ngoài trời, trong nhà, phòng khách, phòng ngủ... xuất khẩu vào Mỹ nhưng ít nhiều gì cũng sẽ ảnh hưởng lên kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành.
Phó chủ tịch GOVIET thông tin thêm, hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực thuê luật sư giải trình, trước mắt giải trình cho phía Mỹ hiểu từng doanh nghiệp mức độ sử dụng gỗ có nguồn gốc liên quan đến gỗ của Trung Quốc như thế nào, vì có những doanh nghiệp ví dụ sản xuất tủ bếp nhưng họ không sử dụng gỗ có C/O Trung Quốc sẽ không có vấn đề gì.
Những doanh nghiệp mua ván ép nguyên liệu về tự làm cũng không phải là đối tượng để DOC đánh thuế, chỉ doanh nghiệp nào mua các chi tiết ví dụ như ván cắt thành quy cách có thể đóng được tủ sẽ là đối tượng đánh thuế của DOC.
"Các doanh nghiệp Việt Nam đang ra sức giải thích rõ với DOC để hạn chế đến mức thấp nhất số lượng doanh nghiệp bị đánh thuế, bởi DOC đánh thuế cục bộ với từng doanh nghiệp chứ không đánh thuế toàn ngành.
Song, vấn đề lo lắng nhất hiện nay của GOVIET là những doanh nghiệp không biết, hoặc biết và thuộc đối tượng điều tra của DOC mà chây ỳ không chịu giải thích thì phải chờ đến khi họ quyết định, khi đó những doanh nghiệp này không được nằm trong diện miễn đánh thuế.
Còn những doanh nghiệp tích cực giải thích và DOC nhận xét không vướng vào việc nhập khẩu các chi tiết của Trung Quốc về Việt Nam để lắp ráp thành sản phẩm, và xuất đi sẽ không bị đánh thuế", Phó chủ tịch GOVIET cho biết.
BizLive